Thứ Tư | 06/08/2014 16:04

Vương Kỳ Sơn – Người đứng sau chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc

Chiến dịch chống tham nhũng và phản đối quan chức lãng phí của Trung Quốc đều có thể thấy bút tích của ông Vương Kỳ Sơn.
Sau khi được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối tháng 11-2012, ông Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi”, tiến hành điều tra 39 quan chức cấp thứ trưởng trở lên, mới nhất là cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang.
Người đứng sau chiến dịch chống tham nhũng này chính là Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Vương Kỳ Sơn.

Dư luận bên ngoài ít biết về ông Vương. Ông xuất thân từ nghiên cứu lịch sử, sau đó trở thành một nhà kinh tế. Ông thường chuẩn bị kịch bản trước khi xuất hiện trước công chúng hoặc phát biểu trước đám đông, hiếm khi tiếp nhận các cuộc phỏng vấn của phương tiện truyền thông.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho biết chiến dịch chống tham nhũng và phản đối quan chức lãng phí của Trung Quốc đều có thể thấy bút tích của ông Vương Kỳ Sơn. Giáo sư Đại học Nhân dân Trung Quốc Trương Minh cho biết ông Vương đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch nói trên.

Tháng 11-2012, ông Vương Kỳ Sơn được bổ nhiệm làm Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương. Nhiệm vụ của ông khó khăn vì vấn đề tham nhũng phổ biến trong tất cả các cấp của chính phủ Trung Quốc. Năm 2012, Tổ chức Minh bạch quốc tế công bố bảng xếp hạng tham nhũng, Trung Quốc xếp thứ 80. Xếp hạng càng cao đồng nghĩa chính phủ càng thanh liêm. Đồng thời, trong quá trình chống tham nhũng, không phải tất cả mọi thứ đều diễn ra theo tưởng tượng. Phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc cho biết vào đầu tháng 9-2013, một cán bộ Tập đoàn đầu tư công nghiệp thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, chết khi đang bị điều tra và sáu nhà điều tra bị buộc tội cố ý sát hại cán bộ nói trên.

Sau khi đảm nhiệm chức Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương, ông Vương Kỳ Sơn đã tổ chức lại Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương, tăng thêm hai phòng giám sát kỷ luật. Các chuyên gia cho rằng động thái này nhằm tăng cường nỗ lực điều tra các vụ tham nhũng ở địa phương.

Một nguồn tin hiểu biết về tình hình lãnh đạo Trung Quốc nói với Reuters rằng ông Vương là người đã đề xuất bãi bỏ quy định bất thành văn "miễn hình phạt cho Ban thường vụ Bộ Chính trị". Vào đầu năm 2013, Ban thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua đề nghị quan trọng này.

Ngoài ra, các quy định cải thiện tác phong làm việc, quan hệ với quần chúng được ông Tập Cận Bình thông qua cũng bắt đầu từ Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương. Chuyên gia nghiên cứu chính trị Trung Quốc của Viện Brookings Lý Thành nói: "Ông ấy (Vương Kỳ Sơn) và ông Tập Cận Bình hợp tác rất, rất tốt".
Được so sánh với cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ

Ông Vương Kỳ Sơn sinh năm 1948 tại thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông. Ông tốt nghiệp khoa Lịch sử, Đại học Tây Bắc, gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1983, làm việc trong ngành ngân hàng trước khi trở thành thị trưởng Bắc Kinh vào năm 2004. Ông hiện là nhân vật thứ sáu trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, một trong bảy người nắm quyền lãnh đạo tối cao tại Trung Quốc, và đang giữ chức Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương.

Chuyên gia nghiên cứu chính trị Trung Quốc của Viện Brookings, ông Lý Thành, cho biết trong thực tế, quyền hạn của ông Vương Kỳ Sơn còn nhiều hơn thế. "Có thể nói quyền hạn của ông Vương Kỳ Sơn chỉ xếp sau ông Tập Cận Bình" - ông Lý nói.

Ông Vương được nhiều lãnh đạo phương Tây biết đến vì là người đại diện cho Trung Quốc tại các cuộc họp về kinh tế cũng như quan hệ kinh tế Mỹ-Trung. Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson mô tả ông “quyết đoán và hiếu kỳ, có khiếu hài hước”.

Ông nhậm chức thị trưởng Bắc Kinh đúng lúc bệnh SARS đang tấn công thành phố này và được ca ngợi đã giải quyết khủng hoảng một cách hiệu quả, thực hiện kiểm dịch chặt chẽ và hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chứ không che giấu dịch bệnh. Ông cũng là người đóng vai trò then chốt trong việc tổ chức Olympic Bắc Kinh năm 2008 và lập phương án ứng phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 cho Trung Quốc.

Chính vì vậy, ông được so sánh với người được cho là đã dẫn dắt ông vào con đường chính trị - cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ. Cả hai người đều năng động và sẵn sàng thay đổi, được dư luận gọi bằng danh hiệu "trưởng đội cứu hỏa" vì khả năng đối phó khủng hoảng.

Từ khi ông Vương nhậm chức Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương cuối năm 2012 đến nay, gần 250.000 quan chức đã bị sa thải. Trước đó, có người hoài nghi về việc chính quyền Trung Quốc quyết định để ông rời khỏi vị trí quyết sách kinh tế. Hiện nay, người ta thấy rằng việc để "trưởng đội cứu hỏa" Vương Kỳ Sơn làm người tiên phong trong chiến dịch chống tham nhũng có thể là một quyết định khôn ngoan.

Vài chuyện liên quan đến ông Vương Kỳ Sơn

Người ta kể trong thời gian ông Vương Kỳ Sơn làm thị trưởng Bắc Kinh, có lần lái xe ra ngoài, nhân viên thu phí của một bãi đậu xe từ chối không thu phí đậu xe của ông, ông đã cho nhân viên đi nộp phí đậu xe ngay sau đó.

Một nguồn tin cho biết khi nghe các quan chức báo cáo, ông Vương Kỳ Sơn có thói quen yêu cầu các quan chức không được đọc bản thảo và thường đặt câu hỏi cho các quan chức. "Ông ấy không có thời gian để lắng nghe những lời vô nghĩa và thường yêu cầu trả lời trực tiếp câu hỏi" - nguồn tin này cho biết.

Trong buổi họp trực tuyến với các nhân viên của Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương ngày 27-5-2013, ông Vương Kỳ Sơn đã yêu cầu các nhân viên dưới quyền trả lại toàn bộ thẻ thành viên, thẻ ưu đãi cho khách hàng VIP mà họ được tặng từ các tổ chức khác nhau. Ông Vương nói: “Mặc dù thẻ thành viên là vật dụng nhỏ nhưng chúng lại phản ánh vấn đề lớn trong lề lối làm việc”.

Ông Vương khẳng định cuộc vận động này nhằm gửi tín hiệu tới Đảng Cộng sản Trung Quốc và xã hội rằng các nhân viên chống tham nhũng đang có hành động thiết thực để cải thiện lề lối làm việc, đúng như yêu cầu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Giáo sư Học viện quản lý công Trung Quốc Chu Lý Gia cho biết đây là lần đầu tiên các cơ quan chức năng đề cập đến vấn nạn thẻ thành viên – một kiểu hối lộ ngầm đang phổ biến tại Trung Quốc.

Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn


Sự kiện