Thứ Ba | 09/09/2014 11:12

Vì sao giới đầu tư không thích Scotland độc lập?

Các thị trường đang bị sốc bởi thị trường thường "không thích sự không chắc chắn".
Bảng Anh - đồng tiền của Vương Quốc Anh đã giảm xuống mức thấp nhất trong năm nay so với đô-la Mỹ và cổ phiếu của các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn ở Scotland đã giảm mạnh trong ngày hôm qua 8/9 do nhà đầu tư phản ứng với kết quả cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số người Scotland được hỏi ủng hộ phương án độc lập*.

GAFIN
Thị trường chứng khoán Anh và đồng Bảng Anh đồng loạt lao dốc trong phiên giao dịch đầu tuần sau khi đón nhận kết quả khảo sát mới không như mong đợi - Ảnh: Telegraph

"Các thị trường đang bị sốc", Lena Komileva, nhà kinh tế trưởng tại G Plus Economics (London) nói trên kênh truyền hình Bloomberg.

Giải thích cho hiện tượng này, cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Alistair Darling cho rằng: "Thị trường không thích sự không chắc chắn". Darling cũng là nhà lãnh đạo của các phong trào chống độc lập của Scotland. Ông tuyên bố trong cuộc biểu tình ở Edinburgh hôm qua rằng: "Cách tốt nhất để đối phó với điều đó là bỏ phiếu "không" (cho lựa chọn độc lập)".

Sự bán tháo hôm nay của thị trường có thể là dấu hiệu cho những điều thậm chí còn tồi tệ hơn.

Trong trường hợp cuộc bỏ phiếu chính thức ngày 18/9 cho kết quả những người nói "có" chiếm ưu thế, các cuộc đàm phán chi tiết sẽ bắt đầu và kéo dài tận đến năm 2016 để thảo luận chi tiết về việc rời khỏi Liên hiệp Vương Quốc Anh sau 307 năm của Scotland.

Douglas Flint, Chủ tịch của ngân hàng HSBC, cũng là người sinh ra tại Scotland dự đoán rằng, sự lựa chọn tiền tệ không chắc chắn của Scotland có thể khiến "vốn tháo chạy nhanh chóng khỏi đất nước và để lại một hệ thống tài chính trong tình trạng bấp bênh".

Những người ủng hộ độc lập tại Scotland đã không nói rõ ràng rằng, Scotland sẽ tạo ra tiền tệ riêng hay vẫn sử dụng đồng Bảng Anh. Bất kể lựa chọn ra sao thì "chi phí vay mượn của Scotland cũng như doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ đều tăng, ít nhất trong ngắn hạn", Chủ tịch Flint đã viết trong một bài viết gần đây trên tờ Telegraph.

Lương hưu và tiền bảo hiểm tiền tại các công ty bảo hiểm của Scotland có thể chỉ còn ít ỏi, do các khách hàng của họ ở Anh sẽ lo lắng về những loại thuế mới đánh trên tài sản hoặc vốn của họ, cũng như việc liệu họ có được nhận thanh toán bằng đồng Bảng Anh nữa hay không. Kết quả là, "họ sẽ tìm cách trú ẩn, ở một nơi an toàn", Douglas Baillie, một công ty tư vấn về lương hưu có trụ sở tại London, nói với Tạp chí Economist.

Triển vọng của các doanh nghiệp Scotland cũng đáng lo ngại. Chi phí vay mượn của họ có thể tăng do "sự sắp xếp các điều kiện tiền tệ mới và áp lực ngân sách trong dài hạn mà một Scotland độc lập sẽ phải đối mặt", chuyên gia tư vấn tại Oxford Economics viết trong một báo cáo hồi đầu năm nay cho Tập đoàn Weir - một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng của Scotland. Bản báo cáo mang tên “Businesses in Scotland” nhận định rằng, thuế và cắt giảm chi tiêu chính phủ có thể cao hơn và đó là hoàn cảnh khiến cho "Scotland không thể thoát ra mà không chịu tổn tổn thương".

Báo cáo khảo sát trong tháng 5 của Văn phòng Thương mại Scotland (cơ quan đại diện cho 8% các doanh nghiệp ở Scotland) cho biết, tổ chức này có thể rời khỏi Scotland nếu nước này tách ra độc lập. Trong khi đó, 10% các doanh nghiệp khác tại Scotland cũng đang cân nhắc việc di dời tương tự.

Ngay cả các dự án tái tạo năng lượng - nằm trong lĩnh vực kinh tế nòng cốt trong chính sách năng lượng của Scotland có thể cũng sẽ bị đe dọa bởi sự tách ra độc lập. Green Energy - nhà cung cấp năng lượng trụ sở tại London, nói với hãng tin Bloomberg rằng, khoảng 23 tỷ USD đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo có thể không được tiến hành. Đó là các dự án cho đến nay, vẫn được hỗ trợ bởi tiền trợ cấp từ London. Tất cả "có thể bị hủy bỏ, bởi vì (trong trường hợp Scotland không còn thuộc Liên hiệp Vương Quốc Anh) ai sẽ là người trả tiền?", Doug Stewart, giám đốc điều hành công ty Green Energy đặt ra câu hỏi.

Nguồn Theo DVO/ Business Week


Sự kiện