Vì sao các thương hiệu ngoại đang vất vả để tồn tại ở Trung Quốc?
Theo một cuộc nghiên cứu mới được công bố hôm thứ tư vừa qua, các thương hiệu tiêu dùng ngoại đang mất thị phần nhiều hơn vào tay các công ty nội địa tại Trung Quốc vì ít có mặt ở những thành phố nhỏ hơn, vốn lại là nơi có tăng trưởng mạnh hơn.
Các lĩnh vực mà họ được cho đã đánh mất phần lớn thị phần - từ 3,8% đến 4,8% - nằm ở sản phẩm chăm sóc sức khỏe cá nhân, nước làm mềm vải và mỹ phẩm.
Cuộc nghiên cứu trên, do công ty tư vấn Bain & Company kết hợp với công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel thực hiện, đã theo dõi lượng hàng hóa được mua bởi 40.000 hộ gia đình ở đại lục trong suốt 3 năm qua và phân tích dữ liệu trên 106 loại hàng tiêu dùng hàng ngày khác nhau.
Nó cũng cho thấy các thương hiệu nội địa đã dành nhiều thị phần hơn so với các đối thủ nước ngoài năm thứ ba liên tiếp, chiếm khoảng 70% giá trị thị trường ở 26 mặt hàng khác nhau. Mặc dù đang mất dần thị phần ở hầu hết các mặt hàng nhưng các thương hiệu ngoại vẫn chiếm ưu thế ở 8 loại hàng hóa gồm giấy vệ sinh, bia, các sản phẩm chăm sóc tóc và kẹo cao su.
“Một lý do quan trọng khiến các thương hiệu ngoại bị giảm thị phần là vì họ thường tập trung nhiều hơn vào những thành phố thuộc top trên ở đại lục và sản phẩm của họ chỉ bán phần lớn tại các đại siêu thị. Nhưng sự tăng trưởng ở các thành phố lớn này đã bị chậm lại trong những năm gần đây và người ta đang ngày càng thích mua sắm online hay tại những siêu thị nhỏ hơn,” Bruno Lannes, một thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết.
Năm ngoái giá trị của thị trường bán lẻ ở các thành phố lớn chỉ tăng có 2%, trong khi mức tăng trưởng ở các thành phố nhỏ hơn lên đến 7,7%.
Lannes nói rằng các thương hiệu Trung Quốc cũng đã trở nên cạnh tranh hơn nhờ được đầu tư mạnh mẽ vào marketing, quảng bá thương hiệu và xâm nhập tốt hơn ở cả hai kênh phân phối online và offline.
Thị trường hàng tiêu dùng tăng trưởng nhanh ở đại lục đã trở nên bớt “nóng” do nền kinh tế Trung Quốc cũng hạ nhiệt trong những năm gần đây, khi mức tăng trưởng hàng năm ở lĩnh vực này đã giảm từ 11,8% xuống chỉ còn 5,4% trong giai đoạn 2012 - 2014.
Theo cuộc nghiên cứu, người tiêu dùng ở đại lục đã ít vào các đại siêu thị hơn, khiến cho doanh số ở những nơi này chỉ còn chiếm 27,5% trong tổng giá trị thị trường bán lẻ ở các thành phố lớn trong năm ngoái.
Trong khi đó, lượng khách đến các siêu thị hạng vừa, các siêu thị mini và những cửa hàng tiện lợi lại khá ổn định, chiếm đến 45% tổng giá trị.
Thương mại điện tử chỉ chiếm 4,4% thị trường nhưng cho thấy có đà tăng trưởng mạnh, với mức tăng doanh số lên tới 34% trong năm ngoái.
Cuộc nghiên cứu cũng phát hiện rằng người mua sắm ở đại lục có khuynh hướng mua những mặt hàng đắt tiền liên quan đến cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Họ sẵn lòng trả nhiều tiền hơn cho yaourt, bàn chải đánh răng, sữa, nước uống đóng chai, nước ép trái cây, và các sản phẩm chăm sóc da, nhưng lại tỏ ra “chi li” cho các sản phẩm như các dụng cụ lau chùi nhà bếp, giấy lau mặt và những thứ nước làm mềm vải.
Nguồn Trí thức trẻ