Thứ Bảy | 03/01/2015 11:25

USD hút vốn lớn ngay đầu năm 2015

Kết quả là USD lên cao nhất 11 năm so với các đồng tiền mạnh ngay đầu năm 2015.

Không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia, USD vẫn là tâm điểm đầu tư của thị trường ngay đầu năm 2015.

Ngay trong phiên giao dịch đầu năm 2/1, giới đầu tư đã đổ vốn lớn vào USD, đẩy giá đồng bạc xanh lên cao chưa từng thấy so với các đồng tiền mạnh kể từ tháng 9/2003. Giới đầu tư tăng cường đánh cược vào USD trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ nâng lãi suất vào tháng 4/2015.

Chỉ số đôla WSJ, theo dõi biến động tỷ giá của USD so với 16 đồng tiền mạnh khác, tăng 0,8% trong phiên giao dịch ngày 2/1 và tăng 12% trong cả năm 2014.

Cụ thể, USD tăng 0,8% so với euro lên cao nhất 4,5 năm qua. Theo đó, 1 euro đổi được 1,2003 USD. Trong khi đó, USD tăng 0,7% so với yên và gần chạm đỉnh cao nhất 7 năm.

 

USD cũng tăng mạnh 1,6% so với đồng bảng Anh lên cao nhất kể từ tháng 8/2013, tương đương 1 bảng Anh đổi được 1,53 USD. Ngoài ra, lần đầu tiên trong hơn 4 năm qua, USD ngang giá với đồng franc của Thụy Sĩ, tức là 1 USD đổi được 1 franc.

Việc Mỹ lên kế hoạch nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần 10 năm qua đang tạo nên sự cách biệt ngày càng lớn về chính sách của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Trong khi Mỹ tiến tới thắt chặt chính sách lãi suất thì châu Âu, Nhật Bản hay Trung Quốc vẫn đang loay hoay với một loạt biện pháp nới lỏng kỷ lục để kích thích kinh tế.

Sự khác biệt về chính sách tiền tệ vẫn là yếu tố chính thúc đẩy dòng vốn đổ vào USD kể từ năm 2014, đặc biệt là sau khi Fed tuyên bố kết thúc gói nới lỏng định lượng QE3. Kể từ đầu năm 2014, hợp đồng đánh cược vào đà tăng giá của USD đã tăng 37%, theo số liệu của Société Générale và Ủy ban giao dịch hàng hóa kỳ hạn Mỹ.

Tuy nhiên theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, USD tăng giá mạnh sẽ là rủi ro lớn đối với lĩnh vực sản xuất, du lịch của Mỹ nói riêng và các thị trường tài chính lớn nói chung.

USD tăng giá đồng nghĩa rằng, các khách hàng nước ngoài sẽ phải trả nhiều tiền hơn để mua hàng hóa của Mỹ. Đây sẽ là bất lợi lớn đối với khối doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Mỹ trước các đối thủ quốc tế như Trung Quốc. Thậm chí, giám đốc Bill Cortelyou của công ty công nghệ Phoseon cho biết, sẽ rất khó khăn để có thể đạt được mục tiêu doanh thu từ xuất khẩu trong năm 2015. Theo ông Cortelyou, Phoseon rất có thể sẽ phải hạ giá thành phẩm cũng như chi phí sản xuất để cạnh tranh với hàng hóa từ châu Á và châu Âu.

Hơn nữa, đà tăng giá của USD cũng là rào cản lớn đối với du lịch Mỹ khi các dịch vụ, từ khách sạn đến nhà hàng, trở nên đắt đỏ với khách du lịch nước ngoài.

Đối với hệ thống tài chính quốc tế, USD càng tăng giá mạnh thì Trung Quốc, châu Âu hay Nhật Bản càng đối mặt với nguy cơ vỡ nợ cao trong bối cảnh kinh tế vốn đang suy yếu trầm trọng.

Nguồn DVO/ Wall Street Journal