Trung Quốc có mạng lưới đường thủy nội địa lớn nhất thế giới, dài khoảng 128.000 km. Ảnh: Reuters.
Trung Quốc "mạnh tay" thúc đẩy ngành vận tải đường thủy dùng điện
Với hơn 100.000 tàu chở khách và tàu chở hàng hoạt động trong nước, một số khu vực nằm dọc theo các con sông lớn và dọc theo bờ biển của Trung Quốc đang tăng cường thúc đẩy sử dụng tàu điện, nhằm giảm lượng khí thải từ vận tải đường thủy.
Các nhà phân tích tin rằng nước này có thể chứng kiến thời kỳ tăng trưởng nhanh chóng của pin, cung cấp năng lượng cho các tàu trên sông, kênh và hồ nội địa.
Sự bùng nổ dự kiến là nhờ sức mạnh từ chuỗi cung ứng pin mạnh của đất nước và kinh nghiệm đưa xe điện lăn bánh thành công. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi phải đối mặt với những trở ngại, bao gồm chi phí tàu điện cao hơn đáng kể so với tàu chạy bằng động cơ diesel.
Khử carbon vận chuyển nội địa
Trung Quốc có mạng lưới đường thủy nội địa lớn nhất thế giới, dài khoảng 128.000 km. Bao gồm con sông dài thứ ba trên thế giới, Dương Tử dài 6.300 km và một trong những kênh đào lâu đời nhất thế giới, kênh đào nhân tạo Grand Canal dài 1.794 km nối Bắc Kinh và Hàng Châu.
Hầu hết các tàu du lịch trên các tuyến đường thủy này vẫn sử dụng động cơ diesel. Để giảm ô nhiễm do vận chuyển nội địa, chính quyền trung ương Trung Quốc ban đầu hy vọng phổ biến các tàu chạy bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), tạo ra ít khí thải hơn so với dầu diesel.
Tuy nhiên, kế hoạch được đưa ra vào năm 2009 đã bị đình trệ một phần do tiến độ xây dựng mạng lưới các trạm nạp LNG chậm chạp.
Năm 2018, chính quyền trung ương xác định tàu điện là một giải pháp cho các vấn đề môi trường do vận tải biển gây ra. Sau khi Trung Quốc công bố mục tiêu đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2060, chính quyền các tỉnh đã hành động để thúc đẩy phát triển, sản xuất, kinh doanh và sử dụng tàu điện.
Trong đó có tỉnh Phúc Kiến, công bố trợ cấp 3 triệu nhân dân tệ (419.000 USD) để thu hút các viện thiết kế tàu hàng đầu thành lập các công ty con tại địa phương. Các công ty sản xuất pin ở Phúc Kiến có thể được hoàn lại 20% chi phí sản xuất, tương đương tối đa 2 triệu nhân dân tệ, cho mỗi hệ thống động cơ hàng hải điện mà họ chế tạo.
Bên cạnh đó còn có Hồ Bắc. Chính quyền địa phương sẽ trợ cấp khoản tiền mặt trị giá 5 triệu nhân dân tệ nhằm khuyến khích thành lập các khu công nghiệp đóng tàu hàng đầu quốc gia, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp, từ nhà máy pin đến nhà phát triển trụ sạc.
Tại Giang Tô, việc chế tạo chiếc đầu tiên trong số hai chiếc tàu điện dài 120 mét, được cho là tàu container chạy hoàn toàn bằng điện lớn nhất thế giới, đã hoàn thành và tiến hành chạy thử vào ngày 26/7. Chủ sở hữu của 2 con tàu này, COSCO Shipping Development, cho biết mỗi tàu có thể giúp giảm khoảng 2.300 tấn carbon hàng năm.
Khử carbon cho vận tải nội địa rất quan trọng trong việc giúp Trung Quốc đạt được mức trung hòa carbon trong vận tải, nguồn phát thải lớn thứ ba sau các hoạt động sản xuất điện và công nghiệp.
Thị trường mới cho những gã khổng lồ về pin
Ông Luo Xiaofeng, một chuyên gia vận chuyển, cho biết chuỗi cung ứng pin lithium mạnh mẽ của Trung Quốc và thành công của nước này trong việc thúc đẩy xe điện chạy trên đất liền sẽ tạo nền tảng cho việc đưa tàu điện chạy trên sông và kênh.
Nắm bắt được sự thay đổi, một số nhà sản xuất pin lớn nhất của quốc gia, chẳng hạn như CATL, BYD và EVE Energy, đã thiết lập sự hiện diện trong ngành công nghiệp pin tàu.
CATL có trụ sở tại Phúc Kiến, nhà sản xuất pin EV lớn nhất thế giới, đã đầu tư 100 triệu nhân dân tệ vào một đơn vị pin tàu mới vào cuối tháng 11. Công ty cũng đang xây dựng một cơ sở sản xuất lớn ở tỉnh Sơn Đông, bao gồm một nhà máy đóng tàu rộng 75 ha, trị giá 3 tỉ nhân dân tệ cho "tàu năng lượng mới", các tàu sử dụng nhiên liệu không hóa thạch, chẳng hạn như pin lithium và hydro.
Giải quyết chi phí cao
Tỷ lệ tàu chạy bằng pin trong số tất cả các tàu trên các tuyến đường thủy nội địa của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng khoảng 10 lần trong vài năm tới, tăng từ 0,3% năm 2022 lên 3,4% vào năm 2025, theo báo cáo tháng 5 của Sealand Securities. Con số này được dự báo sẽ đạt 21,9% vào năm 2030, báo cáo cho thấy.
Thế nhưng thách thức chính là chi phí pin cao. Ông Tian Ye, kỹ sư cao cấp tại Viện nghiên cứu đóng tàu số 704 của Nhà nước Trung Quốc, cho biết khoản đầu tư ban đầu cao là trở ngại lớn nhất trong việc đưa tàu điện vào sử dụng thương mại. Theo ông, pin sẽ cần được thay 2 hoặc 3 lần trong vòng đời thiết kế 30 năm của con tàu, điều này sẽ làm tăng thêm chi phí.
Trợ cấp của chính phủ đã được coi là một cách hiệu quả để giúp giải quyết rào cản chi phí. Tuy nhiên, chỉ có một số tỉnh và thành phố của Trung Quốc nhận được hỗ trợ tài chính.
Một giải pháp cắt giảm chi phí tiềm năng khác là thuê pin. Nhưng ngành công nghiệp mới chớm nở này phải đối mặt với một số trở ngại khác ngoài chi phí, chẳng hạn như phạm vi di chuyển hạn chế trên mỗi lần sạc và những lo ngại về an toàn pin. Ông Wen của Đại học Jiao Tong Thượng Hải cho biết, trước khi tàu điện có thể được sử dụng trên quy mô rộng, mỗi bước của chuỗi công nghiệp cần phải được cải tiến.
Có thể bạn quan tâm:
"Kỳ lân" gặp khó trên toàn cầu
Nguồn Nikkei Asia