Trung Quốc đối mặt với vụ vỡ nợ trái phiếu nội địa đầu tiên
Theo công ty chứng khoán Guotai Junan, tổng cộng đã có 38 nhà phát hành bị hạ bậc xếp hạng trong tháng trước. Đây là mức cao nhất kể từ khi công ty môi giới lớn thứ 3 Trung Quốc thống kê dữ liệu kể từ năm 2005. Trong khi đó, 86 doanh nghiệp được nâng mức xếp hạng, giảm so với con số 88 của năm ngoái.
"Chính phủ không thể cứu tất cả mọi người", Xu Hanfei - chuyên gia phân tích trái phiếu tại Guotai Junan nhận định. "Trong tương lai, thậm chí cả các trái phiếu có mức xếp hạng cao cũng có thể bị hạ xếp hạng, đặc biệt là bộ phận phụ thuộc quá nhiều vào sự trợ giúp của các chính quyền trung ương và địa phương".
Hôm 16/7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc không nên thay đổi đường lối chính sách chỉ vì những thay đổi trong ngắn hạn của các chỉ số kinh tế. Đây là dấu hiệu cho thấy ông cũng như chính phủ Trung Quốc đã sẵn sàng chịu đựng mức tăng trưởng thấp hơn để có thể tái cân bằng các khoản đầu tư.
Theo số liệu của ChinaBond, lợi suất trái phiếu xếp hạng AA kỳ hạn 1 năm đã tăng tổng cộng 28 điểm cơ bản trong tuần này, lên 5,24%. Lợi suất của trái phiếu AAA kỳ hạn tương tự tăng 20 điểm cơ bản, lên 4,76%.
Chưa từng có tiền lệ
Kể từ khi NHTW Trung Quốc bắt đầu quản lý thị trường tài chính tiền tệ vào năm 1997, chưa từng có vụ vỡ nợ nội địa nào. Haitong Securities Co., công ty môi giới niêm yết lớn thứ 2 trên thị trường, hôm qua đưa ra dự báo vụ vỡ nợ đầu tiên sẽ xảy ra trong vòng 6 - 12 tháng tới bởi chính phủ Trung Quốc đang cố gắng xây dựng một hệ thống tài chính lành mạnh hơn.
Nỗi lo ngại bắt đầu tăng lên kể từ khi tập đoàn năng lượng mặt trời Suntech Power phá sản hồi tháng 3 vì không trả được số nợ 541 triệu USD trái phiếu nước ngoài. Tháng tiếp theo sau đó, LDK Solar cũng không thể hoàn trả đầy đủ 23,8 triệu chứng khoán được niêm yết bằng USD.
Hầu hết các công ty bị hạ bậc tháng trước hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sắt thép, hóa chất và năng lượng mới. Đây là những ngành đang ở trong tình trạng sản xuất dư thừa, lợi nhuận sụt giảm và có tỷ lệ nợ/tài sản cao.
Hiện nay, các công ty Trung Quốc chiếm tới 8 trong số 10 nhà phát hành trái phiếu niêm yết bằng USD yếu nhất ở châu Á ngoại trừ Nhật bản, theo số liệu được Standard Chartered Plc công bố hôm 5/7.
Khủng hoảng kinh tế?
Theo Xia Bin - người từng làm cố vấn cho PBOC, nền kinh tế Trung Quốc đang xuất hiện nhiều dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng. Và, khủng hoảng có nghĩa là một số doanh nghiệp và định chế tài chính bị phá sản. Phản ứng dây chuyền là điều tất yếu khi một doanh nghiệp đổ vỡ.
Hợp đồng hoán đổi tín dụng của Trung Quốc - loại hợp đồng bảo hiểm nợ của quốc gia này trước nguy cơ vỡ nợ - tăng lên mức 147 điểm cơ bản trong tháng trước trước khi giảm xuống còn 96,5 ngày hôm qua. Đồng nhân dân tệ tăng thêm 0,03% - lên mức 6,1392 nhân dân tệ/USD.
Dong Hui - chuyên gia phân tích trái phiếu tại công ty chứng khoán China Securities Co. - nhận định động thái thắt chặt hoạt động ngân hàng trong bóng tối khiến các công ty có mức xếp hạng thấp gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Điều này cũng có nghĩa là rủi ro vỡ nợ tăng lên.
Trong khi đó, Cheng Qingsheng - chuyên gia đến từ ngân hàng Evergrowing, động thái hạ xếp hạng cho thấy các hãng xếp hạng tín nhiệm có cùng chung cảm nhận nền kinh tế đang trên đà suy giảm và tình hình tài chính của các công ty sẽ xấu đi. "Vụ vỡ nợ trái phiếu đầu tiên đã đến rất gần, rất gần".
Nguồn CafeF