Nguồn ảnh: DH

 
Minh Duy Thứ Năm | 13/08/2020 17:30

Trung Quốc đang chứng tỏ vẫn là "cái nôi" nguyên liệu cho ngành chăm sóc sức khỏe toàn cầu

Trung Quốc cung cấp 40% hoạt chất dược phẩm (API) để sản xuất thuốc của thế giới.

Cung cấp khoảng 40% chất API trên toàn thế giới

Theo đánh giá từ “Báo cáo chăm sóc sức khỏe Trung Quốc năm 2020” công bố ngày 12.8, ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn ở nước ngoài và áp lực trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Báo cáo trên được công bố chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký lệnh kêu gọi các cơ quan liên bang mua “thuốc thiết yếu” và vật tư y tế được sản xuất tại Mỹ, nhằm thúc đẩy sản xuất y tế trong nội địa Mỹ, sau khi đại dịch COVID-19 để lộ sự phụ thuộc của Mỹ vào các nhà cung cấp Trung Quốc. 

Các nhà chức trách Mỹ nhấn mạnh các thành phần dược phẩm hoạt động (hay còn gọi là API) là một lĩnh vực cần đặc biệt quan tâm. API là thành phần chính của thuốc. Nhưng với sản phẩm này, Trung Quốc đang cung cấp khoảng 40% trên toàn thế giới. Họ sản xuất ra các API trị giá 384,3 tỉ nhân dân tệ (khoảng 52,3 tỉ USD) vào năm 2018.

72% các nhà sản xuất API cung cấp cho thị trường Mỹ là ở nước ngoài và 13% là ở Trung Quốc. Nguồn ảnh: FDA.
72% các nhà sản xuất API cung cấp cho thị trường Mỹ là ở nước ngoài và 13% là ở Trung Quốc. Nguồn ảnh: FDA.

Trong những thập kỷ gần đây, việc sản xuất thuốc đã dần chuyển ra ngoài lãnh thổ Mỹ. Điều này đặc biệt đúng đối với các nhà sản xuất thành phần dược phẩm hoạt tính (API), các loại thuốc thực tế sau đó được bào chế thành viên nén, viên nang, thuốc tiêm, v.v. 

Khó thay thế năng lực sản xuất và chuỗi cung ứng Trung Quốc trong một sớm một chiều

Một số quốc gia đang chuyển sang thúc đẩy sản xuất API của chính họ, dù Trung Quốc không cấm xuất khẩu API. Các tiêu chuẩn môi trường chặt chẽ hơn ở Mỹ đã thúc đẩy ngành công nghiệp hóa chất của nước này chuyển sang Trung Quốc từ nhiều thập kỷ trước. Do đó, việc quay lại ngành này sẽ kéo theo những thay đổi về quy định có thể không hợp lý. Ngay cả khi API và thuốc thành phẩm ngày càng được sản xuất tại Mỹ, nước này vẫn sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc về nguyên liệu thô và tiền chất hóa học.

 

Chia sẻ với NBC News bà Rosemary Gibson, Thành viên Ủy ban Chính sách Công và Sức khỏe Chuyên khoa Mỹ nhấn mạnh: “Một khi xuất khẩu ngành này của Trung Quốc giảm, hệ thống y tế của một số nước phát triển sẽ không hoạt động”.

Theo Phó hiệu trưởng trường tài chính của Đại học Renmin, Trung Quốc – ông Zhao Xijun, việc thực hiện bất kỳ thay đổi lớn nào đối với ngành sẽ mất khá nhiều thời gian. Ông Zhao Xijun cho rằng: “Ngành chăm sóc sức khỏe toàn cầu có khuôn mẫu cơ bản của nó và Trung Quốc là nhà sản xuất và xuất khẩu API lớn nhất. Rất khó để thay thế năng lực sản xuất và chuỗi cung ứng đó trong một sớm một chiều”.

Công nhân phân loại ruột lợn trong một nhà máy ở Trung Quốc. Màng nhầy từ ruột được nấu chín để tạo ra một chất khô được gọi là heparin thô, bước đầu tiên trong quá trình sản xuất loại thuốc được gọi là Heparin. Nguồn ảnh: Bloomberg.
Công nhân phân loại ruột lợn trong một nhà máy ở Trung Quốc. Màng nhầy từ ruột được nấu chín để tạo ra một chất khô được gọi là heparin thô, bước đầu tiên trong quá trình sản xuất loại thuốc được gọi là Heparin. Nguồn ảnh: Bloomberg.

Tương tự đối với vật tư y tế, Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn các mặt hàng dùng một lần như bơm kim tiêm, băng gạc và khẩu trang phẫu thuật. Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu lây lan toàn cầu, Trung Quốc đã xuất khẩu khoảng 10 tỉ USD vật tư y tế trong tháng 3 và tháng 4. Phó hiệu trưởng Trường Phát triển Quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh - ông Yu Miaojie cho biết: Mỹ sẽ tiếp tục phụ thuộc vào Trung Quốc cho các sản phẩm này ít nhất là trong ngắn hạn.

Ông Yu Miaojie nói rằng: “Ngay cả khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, sự phụ thuộc của Mỹ vào nguồn cung cấp y tế của Trung Quốc cũng không thể thay đổi trong bối cảnh Mỹ vẫn đang đối phó với đại dịch COVID-19”.

Ngoài ra, các công ty công nghệ sinh học và sức khỏe của Trung Quốc phải đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng mà ở Mỹ và Liên minh châu Âu trong những năm gần đây. Việc tăng cường giám sát các khoản đầu tư nước ngoài, cùng với việc chính quyền Bắc Kinh kiểm soát dòng vốn ra nước ngoài, đã góp phần làm cho đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc vào Mỹ và châu Âu giảm mạnh trong năm 2019.

Theo đó, số vụ mua bán và sáp nhập của các công ty Trung Quốc trong ngành dược phẩm và thiết bị y tế tại Mỹ đã giảm từ 34 vụ vào năm 2018 xuống còn 16 vụ vào năm ngoái và giảm từ 9 vụ xuống chỉ còn 1 vụ ở châu Âu trong cùng kỳ.

Cuối tháng 3, EU công bố hướng dẫn cập nhật về sàng lọc FDI. Họ kêu gọi các quốc gia thành viên hỗ trợ an ninh công cộng châu Âu bằng cách ngăn chặn “tài sản quan trọng” trong các ngành liên quan đến chăm sóc sức khỏe rơi vào tay các chủ sở hữu nước ngoài. Một số quốc gia khác bao gồm Úc và Ấn Độ cũng chia sẻ những lo ngại tương tự.

Tuy nhiên, những áp lực như vậy sẽ chỉ thúc đẩy sự phát triển của ngành chăm sóc sức khỏe của chính Trung Quốc. Trung Quốc đã và đang khuyến khích các công ty của mình, đặc biệt là các công ty thiết bị y tế và dược phẩm sinh học, tăng cường chuỗi giá trị như một phần của sáng kiến ​​“Sản xuất tại Trung Quốc 2025”.

Tất cả những điều trên cho thấy, các công ty chăm sóc sức khỏe Trung Quốc đang không ngừng mở rộng dấu ấn toàn cầu của họ. Những thông tin từ báo cáo trên cũng giúp thế giới có cái nhìn toàn diện và hiểu biết sâu sắc về sự thay đổi thị trường do COVID-19 gây ra.

Có thể bạn quan tâm:

► Gánh nặng chi phí khiến nhiều doanh nghiệp không thể "thoát khỏi" chuỗi cung ứng Trung Quốc