Trung bình mỗi người Trung Quốc chỉ tiêu thụ khoảng 40kg sản phẩm sữa mỗi năm. Ảnh: The Economist.
Trung Quốc "bội thực" sữa
Sữa là “một phần không thể thiếu để tạo dựng một Trung Quốc khỏe mạnh và hùng mạnh”. Đó là lời phát biểu của các quan chức Trung Quốc vào năm 2018, khi khởi động chiến dịch thúc đẩy ngành công nghiệp sữa của đất nước.
Mục tiêu của chiến dịch này là tăng cường an ninh lương thực bằng cách giảm sự phụ thuộc vào sữa nhập khẩu. Đồng thời, cải thiện sức khỏe người dân qua việc tiêu thụ các sản phẩm giàu protein và canxi. Các quan chức đã cấp trợ cấp cho nông dân để tăng số lượng đàn bò, trong khi các cơ quan truyền thông nhà nước thúc đẩy nuôi dưỡng thói quen tiêu thụ sữa.
Chiến dịch đã đạt được một số mục tiêu nhất định. Kể từ khi bắt đầu, sản lượng sữa của Trung Quốc đã tăng thêm một phần ba. Năm ngoái, đàn bò trong nước cung cấp 42 triệu tấn sữa, vượt mục tiêu của chính phủ trước hai năm. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa mặn mà với sữa. Trung bình mỗi người Trung Quốc chỉ tiêu thụ khoảng 40kg sản phẩm sữa mỗi năm, thấp hơn một phần ba mức trung bình toàn cầu và chỉ bằng 40% so với khuyến nghị của cơ quan y tế.
Do sản lượng vượt xa nhu cầu tiêu thụ, các trang trại sữa ở Trung Quốc đang tràn ngập với lượng sữa dư thừa. Kết quả là giá sữa đã giảm 28% từ tháng 8/2021, và đến cuối tháng 9 vừa qua, giá trung bình của một kilogram sữa tươi là 3,14 nhân dân tệ (45 cent), thấp hơn chi phí sản xuất tại nhiều trang trại. Hầu hết các trang trại đều thua lỗ kể từ nửa cuối năm ngoái, theo tính toán của StoneX Group.
Vậy tại sao người Trung Quốc lại không tiêu thụ nhiều sản phẩm sữa hơn?
Nguyên nhân chính khiến người Trung Quốc tiêu thụ ít sữa là do nhiều người không dung nạp được lactose. Ngoại trừ các khu vực như thảo nguyên Mông Cổ, nơi dân du mục đã nuôi gia súc từ lâu, sữa không phải là phần quan trọng trong chế độ ăn uống truyền thống của người Trung Quốc. Thậm chí, vào thế kỷ XIX, một số người còn cho rằng việc tiêu thụ sữa của người phương Tây là điều “kỳ lạ.
Trong thời hiện đại, dù các công ty sữa tài trợ cho các vận động viên Olympic và các bậc phụ huynh Trung Quốc có xu hướng khuyến khích con cái uống sữa nhiều hơn, nhưng sữa vẫn chưa phải là thực phẩm thiết yếu. Người Trung Quốc chủ yếu tiêu thụ sữa và sữa chua, trong khi bơ và phô mai vẫn còn xa lạ với nhiều vùng tại quốc gia này. “Phần lớn mọi người vẫn chưa hiểu văn hóa phô mai hay cách thưởng thức nó”, ông Liu Yang, một người bán phô mai ở Bắc Kinh, chia sẻ.
Kinh tế suy thoái và thu nhập giảm cũng khiến người tiêu dùng ít mua sữa nhập khẩu hơn, trong khi tỉ lệ sinh giảm làm giảm nhu cầu sữa công thức cho trẻ em.
Dù các doanh nghiệp tìm cách xuất khẩu, nhưng việc bán sản phẩm sữa của Trung Quốc ra nước ngoài lại không dễ dàng, bởi chi phí sản xuất sữa tại Trung Quốc lại cao hơn tiêu chuẩn quốc tế do phải nhập khẩu thức ăn chăn nuôi. Danh tiếng của ngành sữa cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau vụ bê bối melamine năm 2008.
Tất cả những điều này khiến nông dân chăn nuôi bò sữa gặp nhiều khó khăn. Một số trang trại phải đổ bỏ sữa. Chính phủ đang hỗ trợ bằng cách khuyến khích các ngân hàng gia hạn khoản vay và chấp nhận bò làm tài sản thế chấp. Các quan chức cũng kêu gọi nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích sức khỏe của các sản phẩm sữa. Tuy nhiên, ông Li Shengli của Hiệp hội Sữa Trung Quốc cho rằng vấn đề là do số lượng bò quá lớn và giải pháp quan trọng là giảm đàn bò, đề xuất cắt giảm 300.000 con bò trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm:
Ngành dệt may Bangladesh đứng trước thay đổi lớn
Nguồn The Economist