Thứ Hai | 08/12/2014 10:27

Trung Quốc - Động lực của thị trường chứng khoán tuần này

Tuần này, thị trường sẽ tập trung vào các số liệu kinh tế của Trung Quốc để đánh giá tình hình sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Theo đó, Trung Quốc sẽ công bố một loạt số liệu về cán cân thương mại, lạm phát, sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư tài sản cố định trong tháng 11. Đây sẽ là những số liệu rất quan trọng đối với giới đầu tư cũng như chính phủ Trung Quốc sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) bất ngờ hạ lãi suất hồi tháng 11.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các số liệu kinh tế này sẽ là chất xúc tác giúp thị trường chứng khoán Trung Quốc duy trì đà tăng kỷ lục trong tuần này. Trên thực tế kể từ sau khi PBOC hạ lãi suất, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã liên tục tăng mạnh lên cao nhất 3 năm với tuần trước là tuần tăng điểm mạnh nhất của chỉ số Shanghai Composite kể từ tháng 2/2009.

Theo dự đoán của các chuyên gia trong tháng 11, Trung Quốc tiếp tục đạt thặng dư thương mại ở 43,1 tỷ USD nhưng xuất khẩu và nhập khẩu lại đồng loạt giảm. Lạm phát có thể vẫn duy trì ở mức thấp nhất 5 năm, không đổi so với số liệu của tháng 10 những chỉ số giá sản xuất dự báo giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Với tình hình lạm phát chậm chạp như vậy, rất có thể PBOC sẽ xem xét khả năng tiếp tục hạ lãi suất để kích thích áp lực tăng giá lên thị trường.

Ngoài ra, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 11 cũng có thể đã tăng chậm lại với mức tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn số liệu của tháng 10 (tăng 7,7%), theo ước tính của Moody's. Nguyên nhân chủ yếu do, các nhà máy tại Bắc Kinh phải tạm ngừng đóng cửa trong tháng 11 để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh APEC.

Tốc độ tăng trưởng đầu tư vào tài sản cố định cũng sẽ đạt 15,7% sau khi đã giảm xuống thấp nhất 13 năm ở 15,9% trong tháng 10. Điểm sáng duy nhất trong loạt số liệu kinh tế của Trung Quốc có lẽ là doanh số bán lẻ. Citigroup dự báo, doanh số bán lẻ tháng 11 của Trung Quốc sẽ tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 11,5% của tháng 10.

Trái ngược với Trung Quốc, giới đầu tư tại Mỹ và Nhật Bản có lẽ sẽ giao dịch thận trọng hơn trong tuần này do không có nhiều báo cáo kinh tế để làm tín hiệu giao dịch.

Tâm điểm duy nhất đối với Nhật Bản sẽ là số liệu GDP quý III chính thức được công bố ngay trong ngày 8/12. Trước đó, Nhật Bản từng khuấy động thị trường khi bất ngờ rơi vào suy thoái do GDP giảm mạnh trong quý III.

Tại Mỹ, chính phủ sẽ công bố một số báo cáo như doanh số bán lẻ, các chỉ số giá và báo cáo trợ cấp thất nghiệp. Điểm đáng chú ý nhất của thị trường Mỹ có lẽ là báo cáo doanh số bán lẻ. Giới chuyên gia dự báo, doanh số bán lẻ tại Mỹ tăng 0,4% trong tháng 11 nhờ mùa mua sắm cho Lễ Tạ ơn và Black Friday. Rất khó để thị trường chứng khoán Mỹ có thể duy trì đà tăng kỷ lục trong tuần có ít số liệu kinh tế bởi giới đầu tư thường sẽ giao dịch thận trọng hơn, theo nhận định của một số chuyên gia.

Nguồn DVO/ CNBC