TikTok đã trở thành "một nhân tố rất quan trọng" trong lĩnh vực thương mại điện tử của Đông Nam Á. Ảnh: Reuters.
Tiktok “đuổi kịp” các đối thủ thuơng mại điện tử khu vực ASEAN
TikTok, ứng dụng video ngắn thuộc sở hữu của ByteDance của Trung Quốc, đang trở thành một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á, một thị trường từ lâu đã bị các công ty địa phương như Shopee và Lazada của Alibaba thống trị, theo một nghiên cứu thường niên được công bố hôm 24/9.
Theo báo cáo của công ty tư vấn Momentum Works có trụ sở tại Singapore, tổng giá trị của hàng hóa được giao dịch (GMV) trên nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop của ứng dụng này đã tăng gần gấp 4 lần từ 4,4 tỉ USD vào năm 2022 lên 16,3 tỉ USD vào năm ngoái, đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong số các đối thủ cạnh tranh trong khu vực.
Báo cáo cho biết, kết hợp với Tokopedia của Indonesia, nơi TikTok nắm giữ cổ phần đa số vào năm ngoái, nền tảng thương mại điện tử của TikTok đã vượt qua Lazada để trở thành đơn vị lớn thứ hai trong khu vực ASEAN, với thị phần ước tính là 28,4% tính đến năm ngoái.
Báo cáo cho biết tổng GMV thương mại điện tử của khu vực đạt 114,6 tỉ USD vào năm 2023, tăng 15% so với năm trước. Shopee vẫn giữ vị trí dẫn đầu với 48% thị phần, tiếp theo là Lazada với 16,4%, TikTok và Tokopedia mỗi bên chiếm 14,2%.
Tổng giám đốc Điều hành Momentum Works, ông Jianggan Li, cho biết TikTok đã trở thành "một nhân tố rất quan trọng" tại Đông Nam Á, nơi công ty đã cam kết đầu tư hàng tỉ USD.
"Năm nay, tùy thuộc vào sự hợp tác với Tokopedia, họ hoàn toàn có thể trở thành đơn vị số 1 tại Indonesia", ông Li cho biết.
TikTok đang đuổi theo các đối thủ thương mại điện tử khác trong khu vực ASEAN. Ảnh: Nikkei Asia. |
Kể từ khi ra mắt thương mại điện tử vào năm 2021, TikTok đã triển khai một đợt tuyển dụng tại Đông Nam Á, nơi những công ty đương nhiệm đã cắt giảm biên chế để có lợi nhuận. Đến năm 2023, TikTok đã tăng gấp 4 lần số lượng nhân viên lên hơn 8.000 người và ngang bằng với Lazada, Momentum Works cho biết.
Đặc biệt, TikTok đã phát triển tính năng thương mại điện tử bằng cách tận dụng chức năng phát trực tiếp (livestream), nơi những người có sức ảnh hưởng và thương nhân trình bày mọi thứ, từ sản phẩm làm đẹp và thời trang đến đồ gia dụng để giúp người dùng mua hàng theo thời gian thực.
Shopee, vốn đã cắt giảm chi phí để có lãi, đã chuyển sang thế tấn công để bảo vệ thị phần của mình trước sự cạnh tranh gay gắt với TikTok. Vào tháng 8, công ty mẹ của Shopee là Sea cho biết họ sẽ tăng cường đầu tư vào khả năng phát trực tiếp và logistics.
Nhưng TikTok, vốn đang bị giám sát chặt chẽ tại Mỹ và Châu Âu, cũng đã phải đối mặt với những thất bại ở Đông Nam Á. Tại Indonesia, TikTok Shop đã buộc phải dừng dịch vụ sau khi chính phủ cấm các giao dịch mua sắm trực tuyến trên mạng xã hội .
Chỉ vài tháng sau, TikTok cho biết họ sẽ đầu tư hơn 1,5 tỉ USD và nắm giữ 75% cổ phần của Tokopedia, công ty thương mại điện tử hàng đầu thuộc tập đoàn công nghệ GoTo của Indonesia, để khởi động lại hoạt động mua sắm trực tuyến tại quốc gia này.
TikTok và Tokopedia đã phát triển và nắm giữ 39% thị phần tại Indonesia, chỉ sau Shopee với 40%. Tại Việt Nam, TikTok Shop trở thành đơn vị lớn thứ hai với 24% thị phần.
Có thể bạn quan tâm:
"Ông tổ" quần jeans chật vật tìm lại hào quang
Nguồn Nikkei Asia