Tiền các nước đang định giá cao hơn hay thấp hơn so với USD ra sao?
Theo cập nhật vào tháng 7/2013 này, tiền của nhiều nước châu Á đang định giá thấp hơn so với USD. Đồng rupee của Ấn Độ định giá thấp hơn khoảng 67% so với USD, rupee hiện giao dịch ở khoảng 59,98 rupee/USD.
Nhân dân tệ - đồng tiền bị định giá thấp từ lâu đã gây tranh cãi gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ - hiện thấp hơn khoảng 43% so với giá trị thực, giao dịch ở 6,13 nhân dân tệ/USD. Cũng trong nhóm định giá quá thấp so với USD là đồng peso của Philippines, thấp hơn giá trị thực khoảng 42%. Tỷ lệ này ở Indonesia và Thái Lan lần lượt là 38,5% và 37,5%.
Euro và nội tệ của các nước như New Zealand, Colombia, Australia, Israel, Canada và Đan Mạch có chênh lệch định giá thấp nhất so với USD.
Trái lại, đồng krona của Na Uy đang định giá cao hơn USD gần 65%, Venezuela cao hơn 57%, Thụy Sỹ 47,5%, Thụy Điển 35%.
Chỉ số Big Mac lần đầu tiên được đưa ra là tháng 9/1986 như là phương thức đơn giản nhất để đánh giá đồng tiền của một quốc gia dựa trên thuyết ngang giá sức mua của tiền tệ, nghĩa là 1 USD cần phải mua được một lượng hàng hóa như nhau trên tất cả các quốc gia. Chỉ số này dần trở nên phổ biến và hiện được áp dụng ở hơn 120 quốc gia.
Rổ hàng hóa dùng để đánh giá sức mua của tiền tệ ở đây chỉ là một chiếc bánh sandwich Big Mac bán ở tất cả các cửa hàng McDonald's. Người ta chọn món ăn Big Mac này bởi tính phổ biến của nó trên toàn thế giới và những cửa hàng franchisee ở các địa phương thường có vai trò lớn trong việc đàm phán giá đầu vào. Do vậy giá của món ăn này có thể dùng để so sánh giá trị của hai đồng tiền.
Giả sử, giá của một chiếc bánh Big Mac ở Mỹ là 2,5 USD còn ở Anh là 2 bảng Anh, như vậy tỷ số PPP (tỷ số ngang giá sức mua) sẽ là 2,5/2=1,25. Vậy nếu trên thực tế 1 USD đổi được 0,55 bảng Anh (hoặc 1 bảng đổi 1,81 USD) thì đồng bảng Anh đã được đánh giá quá cao, cao hơn 44,8% so với chỉ số Big Mac ở cả hai quốc gia. (Số liệu năm 2005)
Đôi khi để đa dạng hóa và đổi mới phong cách, tạp chí The Economist thay thế chỉ số Big Mac bằng chỉ số Coca - cola năm 1997 hay chỉ số Cafe Starbuck năm 2004. Tuy nhiên chỉ số Big Mac vẫn là biểu tượng của tờ tạp chí nổi tiếng này
Nguồn Economist/Dân Việt