Thứ Hai | 28/10/2013 14:44

Thị trường Trung Quốc đang mất đi sức hấp dẫn với các công ty Mỹ

Môi trường kinh doanh tại Trung Quốc đang xấu đi.
Các công ty như IBM, Starbucks đang phải vật lộn với nhiều khó khăn ở thị trường Trung Quốc khi các quan chức chính phủ quốc gia này đang thảo luận về định hướng và mức độ cải cách sâu nền kinh tế.

Tuần trước, các phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc đã chỉ trích tập đoàn Starbucks bán cà phê quá đắt và điện thoại thông minh do Samsung sản xuất có nhiều lỗi. Doanh thu tại Trung Quốc của IBM giảm 22% trong quýthứ 3, đây là sự sụt giảm doanh số bán hàng đầu tiên của công ty này,do các các doanh nghiệp nhà nước bắt đầu trì hoãn các đơn đặt hàng máy tính.

"Môi trường kinh doanh tại Trung Quốc đối với các công tynước ngoài đã xấu đi nghiêm trọng trong năm qua", theo ShaunRein,giám đốc điều hành của China Market Research Group tại Thượng Hải."Các nhà quản lý nước ngoài cảm thấy không được chào đó như trước đây."

Theo khảo sát trong tháng này của U.S.-China Business Council, giám đốc các công ty Mỹ đều cảm thấy lo ngại về chi phí kinh doanh gia tăng và tệ quan liêu ở Trung Quốc. Gần 70% trong số hơn 100 công ty Mỹ tham gia khảo sát cho biết tỷ suất lợi nhuận sẽ không tăng hoặc thậm chí là giảm trong năm nay. Chỉ có 39% là lạc quan về triển vọng kinh doanh trong 5 năm tới ở Trung Quốc, trong khi con số này là 58% là năm 2011.

Từ khi mở cửa nền kinh tế vào những năm 70, thị trường Trung Quốc đã đem lại hàng tỷ USD doanh thu cho các công ty đa quốc gia. Thời gian đầu khi mở cửa kinh tế các công ty nước ngoài đã gặp phải nhiều khó khăn, tuy nhiên môi trường kinh doanh đã được cải thiện sau khi quốc gia này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001. Gần đây hơn, chi phí lao động tăng cao đã khiến một số công ty chuyển nhà máy của mình sang các nước khác. Hiện nay, do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, các nhà hoạch định chính sách đang phải nỗ lực hướng nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu sang nền kinh tế hướng tới tiêu dùng nội địa .

Trung Quốc đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế trung bình 7% trong thập kỷ này, thấp hơn so với 10,5% của 10 năm trước đó. Ngay cả việc duy trì phát triển kinh tế với tốc độ chậm hơn cũng sẽ gặp phải nhiều thử thách. Các nhà lãnh đạo đang phải vật lộn với nguy cơ bong bóng bất động sản, trong khi đó mục tiêu tăng trưởng tín dụng 5 năm đã đặt gánh nặng nợ nần lên nền kinh tế Trung Quốc, tương tự như các cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế trước đây ở Nhật Bản và các quốc gia châu Á khác. Tiền lương, lạm phát đã tăng gấp ba lần trong thập kỷ qua.

"Mô hình kinh tế hiện nay của Trung Quốc đã không còn hiệu quả", theo James McGregor, chủ tịch công ty tư vấn APCO Worldwide. "Nếu Trung Quốc không tiến hành cải cách, nền kinh tế sẽ không thể tiếp tục tăng trưởng."

Tăng trưởng kinh tế chậm đã ảnh hưởng tới Coca-Cola trong nửa đầu năm nay, doanh số bán lẻ của hãng này giảm mạnh nhất trong 10 năm qua. Nước giải khát giả rẻ là động lực chính cho sự tăng trưởng của ngành công nghiệp giải khát do người tiêu dùng đang cắt giảm chi tiêu cho các loại nước ép và nước ngọt có ga đắt tiền.

Cạnh tranh gay gắt hơn khiến doanh số của Nike bị sụt giảm, doanh thu McDonald cũng đã giảm 3,2% trong quý 3.

Theo giám đốc điều hành McDonald, Don Thompson, người tiêu dùng Trung Quốc "rất thận trọng trong chi tiêu" và thường có xu hướng sử dụng hàng nội địa trong thời điểm kinh tế khó khăn.

Các nhà làm phim nội địa Trung Quốc cũng đang tăng trưởng nhanh, do các quy định ưu đãi phim sản xuất trong nước. Thị phần phim Mỹ ở Trung Quốc giảm từ 58% năm ngoái xuống còn 42% trong năm nay, theo công ty nghiên cứu thị trường Rentrak.

Định hướng cải cách sẽ rõ ràng hơn khi sau hội nghị trung ương đảng Trung Quốc diễn ra vào tháng 11 tới. Các nhà lãnh đạo công ty nước ngoài đang hy vọng chính phủ Trung Quốc sẽ chào đón và tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở nước này.

Nguồn Dân Việt/Bloomberg


Sự kiện