Thứ Sáu | 20/06/2014 15:11

Thị trường hàng hiệu tại Trung Quốc khốn đốn

Các hãng bán lẻ hàng hiệu tại Trung Quốc đang gánh chịu hệ quả nặng nề từ cuộc chiến chống tham nhũng và triển vọng kinh tế bất ổn.
Cuộc chiến chống tham nhũng tại Trung Quốc đang gây ra tác động rất lớn đối với ngành bán lẻ hàng hiệu, từ quần áo tới giầy dép và đồng hồ, theo nhận định của Charles Yan, trưởng bộ phận nghiên cứu khách hàng tại Trung Quốc của Ngân hàng Standard Chartered tại Hồng Kông. Ông Yan cho rằng, ngành bán lẻ hàng hiệu tại Trung Quốc sẽ khó có thể nhanh chóng phục hồi, ít nhất là trong năm nay hoặc năm tới.

Kinh tế tăng trưởng chậm chạp cùng với chính sách gay gắt chống tham nhũng và thói quen "tặng quà" của chính phủ - được triển khai từ năm 2012 - đã kéo giảm tốc độ phát triển của thị trường hàng hiệu tại Trung Quốc sau nhiều năm tăng trưởng ở mức 2 con số.

Theo số liệu của công ty tư vấn Bain, doanh số bán hàng hiệu tại Trung Quốc năm 2013 chỉ tăng 2% so với 7% năm 2012 và 30% năm 2011.

Ông Yan dự báo, tăng trưởng về doanh số bán hàng hiệu trên toàn cầu sẽ giảm xuống mức 1 con số và thậm chí có thể tăng trưởng âm.

Prada, hãng túi xách hàng hiệu nổi tiếng, vừa cho biết, lợi nhuận quý I/2014 đã giảm gần 24% so với cùng kỳ năm ngoái do doanh số bán hàng tại Trung Quốc không tăng trưởng.

Tất nhiên, Prada không phải là hãng hàng hiệu duy nhất bị ảnh hưởng.

Công ty trang sức Chow Tai Fook - hãng trang sức được niêm yết lớn nhất thế giới - dự báo, doanh số sẽ giảm trong năm tài chính 2014 do chính sách thắt lưng buộc bụng và bất ổn kinh tế ở Trung Quốc. Cùng với tốc độ tăng trưởng chậm chạp của hoạt động du lịch tới Trung Quốc, các hãng trang sức và hàng hiệu đều phải đối mặt với khó khăn tương tự.

Chính sách chống tham nhũng của chính phủ Trung Quốc, gồm hạn chế sử dụng quỹ công để mua vật phẩm đắt tiền, cấm đồ uống có cồn tại các sự kiện quân sự, đã tác động không nhỏ đến thị trường nói chung.

Đầu năm 2014, kết quả nghiên cứu của công ty bất động sản Knight Frank cho biết, có khá nhiều hãng hàng hiệu đã không đạt được mục tiêu về doanh số bán hàng tại các nhánh cửa hàng mở tại Trung Quốc trong năm 2013.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, các hãng hàng hiệu vẫn được hưởng lợi lớn từ hoạt động mua sắm của khách du lịch Trung Quốc. Thậm chí, sự suy yếu của các hãng hàng hiệu cổ điển lại là cơ hội cho các thương hiệu thiết kế mới phát triển mạnh mẽ.

Một số chuyên gia nhận định, Trung Quốc vẫn có lợi thế riêng. Đó là, số lượng triệu phú mà nước này sở hữu cao hơn so với tất cả những nước còn lại trên thế giới. Vì vậy, Trung Quốc vẫn là tâm điểm của các hãng bán lẻ hàng hiệu trên thế giới.

Nguồn Theo DVO/ CNBC


Sự kiện