Thành phố nào nhỏ nhất thế giới?
Những nước tuyên bố mình có thành phố nhỏ nhất là những nước có diện tích hàng đầu thế giới: Mỹ và Canada. Hai quốc gia này lúc nào cũng tự hào có nhiều thành phố nhỏ nhất thế giới, với tổng cộng hơn 10 thành phố. Nơi nhiều nhất có 200 người sinh sống, còn nơi ít nhất thì không có một ai tới ở, nhưng tất cả đều tự hào treo biển: “city” (thành phố), chứ không chịu là “town” (thị trấn).
Tại thành phố Maza ở bang North Dakota, thống kê của Cục Thống kê Mỹ vào năm 2000 công bố thì thành phố này có… 5 người sinh sống. Nhưng Maza còn đông dân hơn nhiều so với Greenhorn, một thành phố nhỏ nằm trong hai quận Baker và Grant thuộc tiểu bang Oregon (Mỹ). Năm 2000, thành phố có dân số là… 0. Chẳng ai ở đây, có 7 căn nhà nhưng tất cả vô chủ trong khi đường xá và điện nước vẫn đầy đủ. Đến năm 2006 thì thành phố này đã khác xưa khi đã có thêm người ở, tổng cộng là… 2 người.
Greenhorn xưa kia không phải là chốn không người. Thành phố này có dân cư đầu tiên vào thập niên 1860 khi những người tìm vàng đặt chân tới khu vực này và chẳng bao lâu nhiều khu đào vàng phát triển. Thành phố được hợp nhất vào năm 1903 và tồn tại như một cộng đồng cho đến năm 1942 khi khai thác vàng bị coi là bất hợp pháp theo Công luật liên bang số 208 trong thời Đệ nhị thế chiến. Và thế là những người thợ mỏ ra đi. Greenhorn từng có cả thị trưởng và hòm thư liên lạc riêng.
Như vậy, Greenhorn đủ tiêu chuẩn trở thành một thành phố nhỏ nhất thế giới. Thế nhưng, phía phản bác cho rằng đừng gọi nó là thành phố bởi đơn giản đây chỉ là… thị trấn mà thôi. Chuyện này cũng giống Vatican có một thời gian được xem là thành phố nhỏ nhất thế giới nhưng rồi chẳng ai xem là như vậy nữa khi hiển nhiên Vatican đường đường là một… quốc gia.
Câu chuyện nhỏ hay to còn tùy thuộc vào định nghĩa thế nào là một thành phố mà cái này lại tùy thuộc vào quan điểm của từng quốc gia. Thành phố trực thuộc trung ương hay thành phố có từ lâu đời? Những đại đô thị có được xếp vào nhóm “Những thành phố lớn nhất” khi có nơi còn gom 6 thành phố làm một?
Hai quốc gia có diện tích hàng đầu thế giới lại sở hữu hàng chục thành phố nhỏ nhất thế giới: Mỹ và Canada |
Thế là các thành phố tí hon lại tiếp tục cạnh tranh nhau gay gắt. Sau khi người Mỹ và Canada bị phản công vì cho rằng “city” chỉ là danh xưng còn thực cái ruột bên trong chỉ là mức độ thị trấn, thì các nước châu Âu thay nhau xưng hùng xưng bá. Cần phải biết rằng, một khi được công nhận nhỏ nhất thì thành phố sẽ có đội quân khách du lịch đông nhất và quan trọng nhất trong chuyện này, cái bé nhất sẽ là nơi kiếm nhiều tiền nhất.
Yếu tố lịch sử
Bởi cách định nghĩa ở mỗi nơi là khác nhau nên bây giờ ai cũng thích mang lịch sử ra nói chuyện, mà tiêu biểu là London, thành phố của 8 triệu dân. Trong London, còn tồn tại một London khác: City of London, thành phố có từ thời Trung cổ và bây giờ vẫn nằm trong lòng Thủ đô London của Anh quốc và vẫn giữ nguyên vẹn tinh thần xa xưa.
Nhưng sự hăng hái của người London bị bên ngoài lập luận rằng thật ra đó chỉ một quận nhỏ của London và sống lâu nên được cấp tước hiệu lên đời thành phố mà thôi bởi mọi thứ đều dựa vào London thứ thiệt đang ôm London nhỏ vào lòng. Chuyện này cũng giống như thị trấn nhỏ bé St Asaph ở Xứ Wales, một ngày đẹp trời trong năm 2012, Nữ hoàng Anh khi kỷ niệm 60 năm trị vì, đã quyết định ghép nó với ba thị xã gần kề để lên đời thành phố với tổng cộng 3.500 cư dân.
Đáp lại, người Bỉ giới thiệu ngay cho thế giới một thành phố đúng nghĩa nhỏ nhất thế giới có tên Durbuy. Durbuy là một thành phố và đô thị ở tỉnh Luxembourg. Năm 2007 đô thị này có 10.633 dân với tổng diện tích là 156,61km² và mật độ dân số 67,9 người trên mỗi km².
Trong thời kỳ Trung cổ, Durbuy đã là một trung tâm công thương nghiệp quan trọng. Năm 1331, thị xã được nâng thành thành phố bởi John I, Công tước Luxemburg, và Vua Bohemia. Durbuy tự hào xem mình là thành phố nhỏ nhất thế giới bởi điều đầu tiên là nó đẹp, một vẻ đẹp cổ kính. Ngoài ra, ở đây có người ở và cả một guồng máy làm việc. Tiếp đến là nó đáp ứng những nhu cầu về cuộc sống một cách khoa học. Người ở là điều quan trọng chứ không phải là một vùng đất bỏ hoang không có người ở là trở thành kỷ lục thế giới.
Nhưng nếu nói về chuyện người ở và một cuộc sống được vận hành bởi nhiều bộ máy có lớp lang từ trên xuống dưới thì Durby còn thua xa Hum, thành phố cổ kính ở đất nước Croatia. Thành phố này có thể xem là thành phố lâu đời nhất trong nhóm “tiểu đô thị” khi nó đã xuất hiện từ năm 1102. Nhà thờ đã được mọc lên, bộ máy chính quyền đã cai trị và tính đến nay thì toàn bộ dân số của thành phố này là… 23 người. Ai cũng nghĩ là nó đúng thật sự là một thành phố nhỏ nhất thế giới. Và cuối cùng Guinness tới, sau khi xem xét kỹ, đã quyết định trao tặng cho nó danh hiệu “Nhỏ nhất thế giới” nhưng không phải trên cương vị thành phố mà chỉ là… thị trấn, thị trấn nhỏ nhất thế giới.
Và giờ thì ai cũng hoang mang chẳng biết đâu mới là thành phố nhỏ nhất thế giới.
Và lúc này bắt đầu xuất hiện một thành phố khác, ở mãi Trung Đông, chính xác là ở Arab Saudi. Thành phố có tên gọi là Ferdania. Theo số liệu điều tra chính xác thì ở đây có một trạm cảnh sát, một trường học, một ngôi chợ nhỏ, một cây xăng, một cơ sở y tế và 10 ngôi nhà. Ở một quốc gia cái gì cũng lớn nhất thế giới như Arab Saudi bỗng lọt thỏm một thành phố tí hon bỗng làm ai cũng nghi ngờ. Hay đây chỉ thực chất là một thị trấn và được truyền thông làm cho lên đời?
Và tranh cãi vẫn đang tiếp tục.
Nguồn Thể thao văn hóa