Thái Lan nỗ lực đối phó với việc đồng baht tăng giá
Phó chủ tịch FTI Chen Namchaisiri cho biết, các biện pháp trên bao gồm: phòng ngừa sự bất ổn của đồng baht; ngăn chặn đồng baht tăng giá so với các đồng tiền trong khu vực; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận với các công cụ bảo hiểm rủi ro tiền tệ; kiểm soát dòng "tiền nóng" trước khi nó ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái; thành lập Ủy ban đầu tư để triển khai các chính sách khuyến khích đầu tư của Thái Lan ra nước ngoài; và đẩy nhanh tốc độ giải ngân của chính phủ trong các dự án cơ sở hạ tầng...
Theo số liệu của FTI, đồng baht đã tăng 3,13% so với đồng USD trong khoảng thời gian từ ngày 21/12/2012 đến 17/1/2013, mức cao nhất ở khu vực châu Á.
Cùng thời điểm đó, đồng rupee của Ấn độ tăng 2,4%, đồng ringgit của Malaysia tăng 2,2%, đồng peso của Philippines tăng 1,62%, đồng Việt Nam tăng 0,66%, Nhân dân tệ của Trung Quốc tăng 0,45% và con số này của đồng rupiah của Indonesia chỉ là 0,05%. Trong khi đồng đôla Hong Kong lại giảm 0,03%; đôla Singapore giảm 0,58%; đôla Brunei giảm 0,67%; và đồng Yen Nhật giảm tới 6,88%.
Các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nhất bởi đồng baht tăng cao gồm có mỹ phẩm, gốm sứ, da giầy, thực phẩm, đồ trang sức và mía đường. Ngành ít bị tác động là đồ nội thất và phụ tùng ôtô, trong khi lĩnh vực công nghiệp sản xuất đồ nhựa và các sản phẩm nhựa hầu như không chịu sự tác động nào.
Theo Chủ tịch FTI Payungsak Chartsutipol, chính phủ Thái Lan cũng cần phải theo dõi chặt chẽ nền kinh tế lớn bao gồm cả Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản đang nỗ lực làm suy yếu đồng tiền của mình để hỗ trợ xuất khẩu.
Nguồn Vietnam+