Chủ Nhật | 23/09/2012 09:11

Suy thoái kinh tế tiếp theo sẽ do giá dầu

Theo dự báo của các chuyên gia, nếu giá dầu chạm mốc 160 USD vào mùa hè tới thì kinh tế toàn cầu sẽ lâm vào suy thoái.
Kinh tế toàn cầu vốn suy yếu hiện đang phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ như cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu ngày càng tồi tệ, tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ và Trung Quốc chậm lại, nguy cơ xảy ra cuộc chiến Israel - Iran khiến giá dầu tăng vọt. Trong đó, giá dầu tăng là nguy cơ chính kích hoạt đợt suy thoái kinh tế toàn cầu tiếp theo.

Dự theo những biến động thị trường trong gian qua, các nhà phân tích đã đưa ra dự báo rằng cuộc khủng hoảng tiền tệ sẽ xảy ra vào năm 2014. Hơn nữa, nếu giá dầu chạm mốc 160 USD vào mùa hè tới thì nền kinh tế sẽ lâm vào suy thoái.

Ngày 13/9, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chính thức công bố gói nới lỏng định lượng lần 3 (QE3) nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển và với những biến động tổng thể trên thị trường hàng hóa, đồng USD và thị trường cổ phiếu, chắc hẳn rằng giờ đây Fed đã bắt đầu in tiền.

Dường như chủ tịch Fed Ben Bernanke không hiểu được vai trò của mình trong việc gây ra suy thoái kinh tế trong giai đoạn 2008-2009 và ông lại đang mắc sai lầm một lần nữa khi quyết định tung QE3. Có thể ông tin rằng suy thoái kinh tế chỉ bị kích hoạt khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra.

Biến động giá dầu trong giai đoạn 2007-2012.
Biến động giá dầu trong giai đoạn 2007-2012.

Tuy nhiên, trong lịch sử, việc tăng lượng tiền trong lưu thông chưa bao giờ là giải pháp chống lại nguy cơ xảy ra bùng vỡ bong bóng tín dụng, mà những biện pháp Fed thực hiện chỉ khiến lạm phát leo thang. Chỉ đến khi mọi người nhận thấy giá dầu tăng đột biến và gây thiệt hại cho nền kinh tế, Fed sẽ thực hiện mọi biện pháp để chống đỡ cho thị trường trái phiếu và giữ lãi suất thấp ở mức giả tạo.

Trong bối cảnh đó, các chính trị gia sẽ cố gắng kiểm soát giá dầu, tuy nhiên những biện pháp mà họ thực hiện chỉ khiến tình hình tồi tệ hơn và cuộc suy thoái kinh tế tiếp theo sẽ trở nên thực sự nghiêm trọng.

Nếu giá đồng USD giảm xuống mức đáy thì vụ sụp đổ tiếp theo của nền kinh tế toàn cầu sẽ xảy ra và nguyên nhân sâu xa chính là do quyết định của ECB và Fed trong tuần qua. Nếu ECB và Fed có thể dự đoán trước được những thiệt hại và hậu quả không lường được mà họ gây ra cho nền kinh tế, có lẽ họ sẽ dừng lại và để cho nền kinh tế tự phục hồi. Tuy nhiên, quá trình này sẽ kéo dài nhiều năm và các chính trị gia sẽ không hài lòng với điều này.

Trong quá khứ, hầu hết các cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai đều xuất phát từ xu hướng giá dầu tăng trước đó. Cụ thể, 3 cuộc suy thoái kinh tế trước năm 2008 xuất phát từ những cú sốc địa chính trị từ Trung Đông, theo đó dẫn tới mức tăng mạnh của giá dầu.

Nếu cuộc chiến Israel-Iran xảy ra, giá dầu sẽ tăng cực điểm.
Nếu cuộc chiến Israel-Iran xảy ra, giá dầu sẽ tăng cực điểm.

Vào năm 1973, cuộc chiến tháng 10 giữa Israel với các quốc gia Ảrập đã dẫn tới tình trạng giảm phát trên toàn cầu trong giai đoạn 1974 – 1975. Cách mạng Iran năm 1979 đẩy thế giới vào giảm phát trong thời kỳ 1980 – 1982. Và cuộc chiến xâm lược Cô-oét của Iraq mùa hè năm 1990 cũng kéo theo suy thoái kinh tế thế giới 1990 – 1991.

Ngay cả cuộc suy thoái toàn cầu gần đây, khởi đầu bằng cuộc khủng hoảng tài chính cũng trở nên trầm trọng hơn do giá dầu leo thang năm 2008. Với việc giá dầu chạm ngưỡng 145 USD/thùng vào tháng 7/2008, các nền kinh tế phát triển phụ thuộc vào hoạt động nhập khẩu dầu mỏ và các thị trường mới nổi đã phải đối mặt với suy thoái kinh tế.

Trong thời điểm hiện tại, các chuyên gia cho rằng nếu cuộc chiến tranh giữa Israel và Iran xảy ra thì nền kinh tế toàn cầu sẽ bị đẩy vào giai đoạn khốc liệt hơn bao giờ hết do tầm quan trọng chiến lược đối với nền kinh tế thế giới của eo biển Hormuz ngoài khơi bờ biển phía Nam của Iran. Giá dầu sẽ tăng đến cực điểm và những tác động chính trị khó lường sẽ xảy ra ở khắp Trung Đông cũng như trên toàn thế giới.

Nguồn Kitco/Khampha


Sự kiện