Thứ Tư | 27/03/2013 09:44

Sức khỏe người châu Âu suy giảm nghiêm trọng vì khủng hoảng

Các chương trình cắt giảm chi tiêu khắc nghiệt được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh tật bùng phát và nạn tự tử tăng vọt ở châu Âu.
Kể từ khủng hoảng 2008, phúc lợi nhà nước và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên khắp châu Âu đều trở thành đối tượng bị cắt giảm mạnh, các phương pháp điều trị y tế bị cắt bỏ trong khi chi phí tại các bệnh viện lại không ngừng tăng cao.

Những quốc gia cắt giảm chi tiêu công mạnh nhất - như Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha - chính là những nước có tình trạng y tế tồi tệ nhất.

Giáo sư sức khỏe cộng đồng châu Âu tại Trường vệ sinh và y học nhiệt đới London, ông Martin McKee, cho biết: "Các biện pháp khắc khổ không những không giải quyết được vấn đề kinh tế mà còn tạo nên những nguy cơ mới về sức khỏe đối với người dân". Ông McKee cho biết nạn thất nghiệp phải là nguyên nhân duy nhất khiến sức khỏe người châu Âu giảm sút, sự suy yếu của hệ thống phúc lợi xã hội cũng đóng góp một phần không nhỏ vào tình trạng đó.

Trong khi đó, số lượng các vụ tự tử được ghi nhận ở châu Âu cũng tăng vọt. Theo số liệu từ chính phủ Hy Lạp, số vụ tự tử ở nước này đã tăng tới 40% so với số liệu năm 2011.

Năm ngoái, Hy Lạp cũng phải đối mặt với nguy cơ bùng phát căn bệnh thế kỷ HIV, sau khi một lượng lớn người sử dụng thuốc phải dùng chung bơm kim tiêm, sau khi các chương trình đổi bơm kim tiêm cho người bệnh bị hủy bỏ.

Ngoài ra, các trường hợp mắc bệnh sốt rét, virus Tây Sông Nile và sốt xuất huyết cũng tăng vọt và số người chết cũng tăng do các chương trình điều trị bị cắt giảm, chính phủ Hy Lạp cho biết.

Một số quốc gia khác như Tây Ban Nha và Ireland cũng phải đối mặt với những vấn đề y tế nghiêm trọng như thiếu hụt thuốc hay nội tạng cần cấy ghép.

Mặc dù vậy, cuộc khủng hoảng châu Âu cũng mang lại một số điểm tốt như tình trạng tai nạn giao thông trong khu vực giảm hẳn do người dân phải chuyển sang sử dụng các loại phương tiện giao thông công cộng.

Nguồn AAP/Khampha


Sự kiện