Sửa đồ hiệu, nghề "hái ra tiền" ở Trung Quốc
Xie chỉ là một trong nhiều triệu người tiêu dùng đồ hiệu ở Trung Quốc gặp vấn đề liên quan tới bảo dưỡng sản phẩm. Các hàng đồ hiệu thường không chịu trách nhiệm làm sạch các món đồ bị bẩn trong quá trình sử dụng của khách hàng. Trong khi đó, việc khắc phục những sản phẩm bị hỏng có thể mất nhiều thời gian vì hầu như không một nhà thiết kế hàng đầu thế giới nào có cơ sở bảo dưỡng sản phẩm ở Trung Quốc. Khi muốn sửa một món đồ hiệu bị hỏng, người tiêu dùng chỉ có nước gửi món đồ đó trở lại nước xuất xứ.
Chính sự thiếu vắng này đã tạo cơ hội cho sự phát triển của dịch vụ sửa đồ hiệu ở Trung Quốc trong 2 năm trở lại đây. Công ty sửa chữa đồ da cao cấp Beijing Landscape Luxury Leather Repair and Maintenance Co Ltd là một công ty nhỏ với chỉ một cửa hàng, chuyên khắc phục các món đồ hiệu bị hỏng từ năm 2010 tới nay. Ông Wang Ruilin, Giám đốc marketing của công ty này cho biết, công ty đạt doanh thu mỗi tháng hơn 150.000 nhân dân tệ, tương đương gần 5 tỷ đồng.
Giá dịch vụ của Beijing Landscape khác nhau, thường dao động trong khoảng 250-500 nhân dân tệ. Tuy nhiên, một số khách hàng đã chi hàng ngàn nhân dân tệ do món đồ hiệu của họ cần phải mất nhiều công đoạn mới trở lại được với vẻ đẹp như ý muốn.
Ngoài dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa, nhiều khách hàng cũng yêu cầu cửa hàng Beijing Landscape điều chỉnh các món đồ hiệu của họ vì đôi khi thiết kế nguyên mẫu của sản phẩm không phù hợp với người Trung Quốc.
"Mặt hàng bị điều chỉnh nhiều nhất là thắt lưng. Các hãng đồ hiệu quốc tế sản xuất thắt lưng quá dài và người tiêu dùng Trung Quốc thường phải cắt bớt 6-8 cm", ông Wang cho biết.
Nhiều người thận trọng cho rằng, các cửa hàng sửa chữa đồ hiệu dễ đổ bể nếu các thương hiệu cao cấp chú trọng tới thị trường này. Tuy nhiên, những ai đang làm công việc này ở Trung Quốc tỏ ra rất tự tin về tương lai. "Chúng tôi có thể hợp tác với các thương hiệu cao cấp nếu như họ muốn", ông Li Rixue, Giám đốc Secoo China, một công ty chuyên về bán các sản phẩm đồ hiệu đã qua sử dụng, bảo dưỡng và các dịch vụ khác liên quan tới đồ hiệu, cho hay.
Theo ông Li, các hãng đồ hiệu quốc tế sẽ không xây mới hoàn toàn các nhà máy bảo dưỡng ở Trung Quốc vì việc đó quá tốn kém. Thay vào đó, cách tốt nhất là họ nên hợp tác với các công ty Trung Quốc đã làm trong lĩnh vực này.
Tháng 5 vừa qua, Secoo đã được rót khoản vốn 30 triệu USD để mở một nhà máy bảo dưỡng đồ hiệu rộng 2.800 m2 ở Bắc Kinh với "lòng tin vào tương lai tươi sáng cho ngành sửa chữa đồ hiệu". Nhà máy này sẽ đi vào hoạt động trong tháng 6.
Một phần dịch vụ bảo trì của Secoo là dành cho khách mua hàng hiệu đã qua sử dụng của công ty, và dịch vụ này là miễn phí. Ông Li tin là công ty của ông sẽ hồi vốn khoản đầu tư 30 triệu USD nói trên trong 3 năm tới.
Trước đây, người Trung Quốc ít dùng đồ hiệu và họ không quan tâm lắm tới việc bảo dưỡng đồ. Nhưng hiện nay, tình hình đã khác vì số người Trung Quốc dùng đồ hiệu và muốn đồ hiệu được bảo dưỡng tăng chóng mặt. Theo dự báo của hãng Boston Consulting Group hôm 5/6, Trung Quốc sẽ trở thành cửa hàng đồ hiệu lớn nhất thế giới vào năm 2015.
Nhiều cửa hiệu đánh giày ở Bắc Kinh giờ cũng mở thêm dịch vụ bảo dưỡng đồ hiệu. Bà Wang, chủ một chuỗi cửa hiệu đánh giày, cho biết, các cửa hàng của bà có nhận làm mới túi đồ hiệu nếu khách yêu cầu. Một số cửa hàng nhỏ trong chuỗi cửa hiệu của bà Wang thậm chí làm không hết việc và bà phải gửi túi của khách tới cửa hàng chính để được làm dịch vụ.
Công nghệ là một trong những vấn đề mà các công ty sửa chữa và bảo dưỡng đồ hiệu ở Trung Quốc đang phải đối mặt. Không khó để gặp những vụ các cửa hiệu "chữa lợn lành thành lợn què" đồ của khách. Trên một trang web về bảo vệ người tiêu dùng, một người tên Cai cho biết, anh đã mang một chiếc thắt lưng LV đi làm mới, và kết quả là chiếc thắt lưng của anh bị "nhuộm" thành màu khác, chưa kể mặt trong bị là cháy. Giờ thì anh phải vứt chiếc thắt lưng đắt tiền này đi mà cửa hàng sửa chữa nhất quyết không chịu bồi thường.
Thợ sửa chữa đồ hiệu chuyên nghiệp cần có nhiều kinh nghiệm. Nhưng một số người chỉ được 1-2 tháng đã đi làm tại các cửa hiệu sửa chữa. "Những tay thợ như vậy không thể giải quyết những vấn đề phức tạp mà đồ hiệu thì quá đa dạng", ông Wang Ruilin nói.
Ngoài ra, thị trường sửa chữa đồ hiệu ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải cũng đang cạnh tranh rất khốc liệt. Ở thành phố Hàng Châu, Triết Giang, có tới 30 cửa hiệu loại này. Dân trong nghề cho biết, cạnh tranh có thể dẫn tới những cuộc chiến về giá cả. Theo ông Wang Ruilin, một số cửa hiệu ở Hàng Châu đã giảm giá làm sạch túi hiệu xuống còn khoảng 40 Nhân dân tệ, mức giá thấp hơn cả chi phí.
Nguồn VnEconomy