Sự trở lại thần kỳ của những thương hiệu nổi tiếng
Tuy nhiên, trên thương trường, những bài học như Apple không phải là ít. Hãng tin CNBC vừa đưa ra một danh sách gồm 10 thương hiệu đã có những cú lội ngược dòng ngoạn mục trong quá trình phát triển. Hầu hết những sự trở lại này đều nổi bần bật và giành được sự chú ý của công chúng, bởi đó đều là những thương hiệu vang bóng một thời.
Hãng công nghệ Apple
Bài học lội ngược dòng thành công của Apple đã trở thành một huyền thoại trong làng công nghệ thế giới. Với dòng máy tính Macintosh, Apple trở thành nhà sản xuất máy tính cá nhân đầu tiên vào cuối những 1980.
Năm 1985, Steve Jobs rời khỏi Apple do mâu thuẫn với Giám đốc điều hành mới John Scully. Công ty tiếp tục làm ăn được trong thập niên 1980, nhưng sau đó lần hồi xuống dốc trong thập kỷ kế tiếp với giá trị thị trường sụt mạnh. Điều này chỉ thay đổi vào năm 1997, khi Steve Jobs trở lại.
Bằng một loạt biện pháp cải tổ quyết liệt, Jobs chính thức đảm nhiệm cương vị giám đốc điều hành và tiến hành tái cấu trúc thương hiệu đang suy sụp của Apple. Dưới sự quản hạt của ông, Apple đã chuyển sự tập trung từ máy tính sang thiết bị di động và bắt đầu sản xuất những sản phẩm đại chúng như iMac, iPod, sau đó là iPhone, iPad.
Thương hiệu Apple nhanh chóng trở lại và giá trị vốn hóa thị trường tăng mạnh. Tháng 7/2011, các báo cáo cho biết, số tiền mặt trong tay Apple còn nhiều hơn cả Chính phủ Mỹ.
Giày Dr. Martens
Dr. Martens là một thương hiệu giày dép nổi tiếng trong những thập niên cuối của thế kỷ trước. Thương hiệu này xuất hiện vào thập niên 1970 và tạo nên một trào lưu vào thập niên 1990.
Tuy nhiên, trước sự ra đời của hàng loạt thương hiệu mới thời trang hơn, Dr. Martens dần mất đi sức hút với người tiêu dùng và công ty buộc phải thu hẹp quy mô để cản đà suy giảm doanh lợi. Hãng thậm chí đã ngừng sản xuất ở Anh và chuyển hoạt động sang Trung Quốc.
Năm 2007, Dr. Martens giới thiệu lại dòng sản phẩm Vintage, được dựa trên các thiết kế ban đầu nhưng dưới một cái tên khác. Tới năm 2010, sản phẩm của Dr. Martens đã xuất hiện trở lại ở nhiều cuộc trình diễn thời trang, trong các bộ sưu tập của nhà thiết kế Michael Bastian và công ty Generra Sportwears, cũng như các "sô" biểu diễn ở Paris (Pháp) và Anh quốc.
Thời trang Garanimals
Garanimals là nhãn hiệu quần áo trẻ em xuất hiện lần đầu vào năm 1972. Dòng sản phẩm này được thiết kế đơn giản, đủ để trẻ em cảm thấy thoải mái, vừa vặn khi mặc chúng. Tuy nhiên, Garanimals trở nên kém hấp dẫn sau thập niên 1980 và việc quảng cáo sản phẩm này đã bị ngưng lại.
Mọi sự đã thay đổi vào năm 2008, khi hãng Gardner Nelson + Partners bắt đầu một chiến dịch quảng cáo trên truyền hình cho sản phẩm này trên các kênh Disney, Oxygen và We. Những màn quảng cáo này hướng tới việc giới thiệu dòng sản phẩm mới và các phụ kiện thông qua chuỗi siêu thị Wal-Mart. Chiến dịch này đã được thúc đẩy thêm vào năm 2011.
Giày đế mềm Keds
Nhãn hiệu giày đế mềm này đã xuất hiện từ năm 1916 và đã thực sự được coi là xu hướng thời trang trong những thập kỷ 1970 và 1980. Trong suốt thời gian đó, Keds là thương hiệu thống trị và đầy sức quyến rũ, thậm chí Keds còn ra mắt dòng sản phẩm sử dụng cho các vận động viên thể thao chuyên nghiệp mang tên Pro-Keds.
Tuy nhiên, tới cuối những năm 1990, doanh thu của Keds suy giảm và người mua bắt đầu thờ ơ với dòng sản phẩm này.
Thương hiệu giày đế mềm Keds chính thức trở lại và chiếm được cảm tình của công chúng vào giữa những năm 2000, nhờ một vài sự sáng tạo mới. Năm 2007, nhà thiết kế Nanette Lepore đã đưa ra dòng sản phẩm mới dành cho phụ nữ và tới năm 2008, công ty giới thiệu Keds Studio. Tháng 2/2012, công ty này lại tung ra dòng sản phẩm Keds với các chi tiết thiết kế mới.
Đồ chơi Lego
Lego là thương hiệu đồ chơi lắp ráp nổi tiếng được trẻ em thế giới yêu thích trong hơn 60 năm qua. Đồ chơi đủ sức làm thỏa mãn trí tò mò cũng như sáng tạo của các em nhỏ, không giống như những kiểu đồ chơi khác trên thị trường.
Khó khăn của Lego bắt đầu xuất hiện từ cuối thập niên 1990, khi phong cách thiết kế bắt đầu đi lạc hướng. Lúc đó, ban giám đốc công ty muốn mở rộng thương hiệu bằng nhiều sản phẩm mới. Dòng sản phẩm đầu tiên là Galidor, ra mắt năm 2002, là các nhân vật hành động. Người chơi có thể tháo lắp và hoán đổi các bộ phận của nhân vật.
Do vậy, sản phẩm của Lego không khác gì các món đồ chơi mà nhiều công ty khác sản xuất. Chúng không đòi hỏi người chơi phải có khả năng lắp ghép, óc tưởng tượng như những mẫu đồ chơi xây dựng truyền thống của họ. Năm 2003, doanh thu tại Mỹ của Lego tuột dốc tới 35%.
Một năm sau đó, Lego đã thực hiện một bước chuyển mạnh mẽ. Quá trình cải tổ bắt đầu với việc tái cấu trúc dây chuyền sản xuất. Năm 2005, mẫu xe chữa cháy tương lai Lego City được đại tu và nó lại trông giống một chiếc xe chữa cháy thông thường.
Doanh số của Lego City tăng trở lại, Công ty tiếp tục hoàn thiện các mô hình lắp ráp chủ đề cảnh sát và xây dựng. Hãng đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng với doanh thu thực tế. Năm 2012, Lego đã giới thiệu các dòng sản phẩm mới gồm Lego Super Heroes và Lego Lord of the Rings.
Truyện tranh Marvel
Marvel đã xuất bản những cuốn truyện tranh từ thập kỷ 1930. Nhiều nhân vật trong những cuốn truyện này đã trở nên quen thuộc khắp thế giới như Người Nhện, Người khổng lồ màu xanh... Vào thời điểm đó, Marvel cũng từng phải nếm trải nhiều thăng trầm. Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi công ty phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào cuối những năm 1990.
Năm 1997, công ty "mẹ", Marvel Entertainment Group, đã sáp nhập với hãng đồ chơi Toy Biz nhằm cải tổ Marvel Enterprises. Sự kiện đã mở đầu một kỷ nguyên mới, những nhân vật của Marvel đã bước ra từ trong những cuốn truyện tranh trở thành các nhân vật thực sự trên màn ảnh, như những loạt phim "X-Men", "Người Nhện". Đặc biệt, bộ phim "Người Nhện" năm 2002 đã thu về 822 triệu USD từ các phòng vé trên phạm vi toàn cầu.
Những chú rối Muppet
Chú ếch xanh Kermit và nhóm bạn rối của chú từ lâu đã trở thành một phần quan trọng của nền văn hóa đại chúng ở Mỹ. Muppet là các nhân vật hoạt hình được Jim Henson sáng tạo ra năm 1954 và chính thức ra mắt khán giả vào năm 1956 trong chương trình The Muppet Show. Chương trình thắng lớn và trở thành một trong những thương hiệu có sức ảnh hưởng đến toàn cầu trong suốt một thời gian dài.
Tuy nhiên, chương trình này đã mất dần ánh hào quang vào những năm 2000. Tình hình này cho thay đổi khi hãng phim hoạt hình Walt Disney mua lại bản quyền thương hiệu này năm 2004 và bắt đầu nỗ lực đưa những chú rối này trở lại giai đoạn hoàng kim trước đây.
Hãng đã tung ra một chiến dịch giới thiệu trên YouTube. Video quảng cáo nhanh chóng thu hút sự chú ý của người xem, tạo đà cho việc tái xuất một bộ phim mới về Muppet. Năm 2011, phiên bản mới của Muppet chính thức ra mắt khán giả và được các chuyên gia đánh giá cao.
Bộ phim mang tên "The Muppets" kể về một người anh chàng tên là Gary lúc nào cũng kè kè bên mình chú rối màu nâu Walter và Mary – cô bạn gái xinh đẹp của anh. Một ngày nọ, cả 3 có một buổi du lịch đến thành phố của những Muppet. Tại đây, tình cờ cả 3 khám phá ra âm mưu của Tex Richman - một chủ đầu tư dầu mỏ đang dùng những thủ đoạn bí ổi buộc chương trình của những chú rối Muppet dừng lại, để khai thác một mỏ dầu nằm ngay dưới khu vực phát sóng chương trình. Cả 3 đã quyết định tập hợp tất cả Muppet để đập tan âm mưu đen tối này.
Nintendo
Công ty Nintendo đã tồn tại hơn 120 năm. Hãng được thành lập ở Nhật Bản, ban đầu là một nhà sản xuất các bộ bài và sau đó tiến vào lĩnh vực kinh doanh video game. Trong thập niên 1980, Nintendo đã tung ra các trò chơi "Donkey Kong" và "Super Mario". Những trò này nhanh chóng trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Tới năm 1989, hãng giới thiệu máy chơi game cầm tay Game Boy và cũng gặt hái được nhiều thành công.
Lợi nhuận của Nintendo đã sụt giảm rõ rệt sau khi Sony tung ra máy chơi game PlayStation 2. Thiết bị chơi game bán chạy nhất mọi thời đại này đã đạt mức sản lượng bán ra lên tới hơn 150 triệu sản phẩm.
Mặc dù N64 bán khá chạy nhưng doanh số chưa bằng một nửa của PlayStation. Sản phẩm tiếp theo của Nintendo là GameCube còn bi đát hơn bởi nó không chỉ thua Xbox của Microsoft về doanh số bán mà còn bị PlayStation 2 hạ bệ hoàn toàn. Sự cạnh tranh gay gắt khiến Nintendo suýt biến mất khỏi làng game.
Viễn cảnh tăm tối đã theo Nintendo cho tới năm 2006. Trong năm này, hãng tung ra sản phẩm máy chơi game Wii với công nghệ cảm biến chuyển động. Sản phẩm đã giúp doanh thu của Nintendo tăng trưởng ngoạn mục và hiện sản phẩm này còn dẫn trước cả PlayStaion 3 lẫn Xbox 360 về doanh số toàn cầu. Lý do lớn nhất cho sự thành công của Wii là thiết kế mới, tương tác với người chơi và tính năng dễ sử dụng. Thành công của Nintendo đã đánh dấu một bước ngoặt to lớn trong lịch sử của ngành game. Nintendo, với khẩu hiệu "không bao giờ chết" cùng với đội ngũ phát triển đầy tài năng đã mang ý tưởng và ước mơ của mình để tạo ra một sự thay đổi vô cùng to lớn đầy kịch tính cho ngành công nghiệp game thế giới.
Mỹ phẩm Old Spice
Các sản phẩm "tu bổ" vẻ đẹp nam tính Old Spice được ra mắt lần đầu năm 1938. Thương hiệu đã trở nên phổ biến trong những năm 1970, nhưng khi thời trang thay đổi, sản phẩm này nhanh chóng mất chỗ đứng, do quá tập trung vào đối tượng khách hàng đang ngày càng già đi.
Vào năm 1990, hãng Shulton, công ty sản xuất Old Spice, đã bán thương hiệu này cho Procter & Gamble. "Người chủ" mới đã tiến hành đại cải tổ thương hiệu này, thay đổi mùi thơm vốn có của nó và đổi mới logo, hướng tới nhóm khách hàng trẻ hơn.
Năm 2000, Old Spice cho ra đời dòng sản phẩm mới Old Spice Red Zone và chỉnh đốn lại các chiến dịch quảng cáo. Những đoạn quảng cáo trực tuyến của Old Spice được phát tán nhanh chóng trong cộng đồng mạng, tạo đà cho Old Spice trở thành thương hiệu dẫn đầu trong ngành sữa tắm.
Tháng 6/2010, doanh số bán hàng của công ty tăng tới 107%. Một phần mang lại sự thành công cho Old Spice không thể không nhắc tới là màn quảng cáo truyền hình mang tên Old Spice Man. Trong đó, nhân vật chính đã khuyên các khách hàng nam giới làm thế nào để giữ được mùi thơm đầy nam tính.
Máy ảnh Polaroid
Từng có một thời, không có loại máy ảnh nào có được công nghệ ấn tượng như dòng sản phẩm "chụp phát lấy ngay" Polaroid. Với kỹ thuật cho phép người sử dụng có thể nhận được tấm ảnh ngay sau khi chụp, Polaroid từng gây sốt trong thế giới công nghệ.
Tuy nhiên, khi dòng máy ảnh số ra đời, mang lại những bức ảnh cho phép người dùng tải lên Internet và chia sẻ không giới hạn với bạn bè, Polaroid đã bị thất sủng. Dòng sản phẩm này đã bị ngưng lại vào năm 2007 và công ty sở hữu đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào năm kế tiếp.
Tuy nhiên, tới năm 2010, công ty này đã hồi sinh nhờ tung ra một dòng sản phẩm mới bắt kịp thời đại dù vẫn trên cơ sở bản gốc. Xét về mặt công nghệ, Polaroid kỹ thuật số là sự tích hợp giữa máy ảnh số với máy in ảnh mini. Tất cả những chiếc máy ảnh này đều sử dụng công nghệ in không mực ZINK, theo đó, mực được tráng phủ trên bề mặt của giấy in.
Dù là máy ảnh tích hợp máy in, nhưng kích thước của Polaroid mới không lớn hơn so với một máy ảnh số thông thường. Còn so với Polaroid truyền thống, kích thước máy mới giảm đi đáng kể. Ngoài chức năng chụp ảnh lấy ngay, Polaroid mới có thể sử dụng như một máy ảnh số thông thường với đầy đủ chức năng cơ bản như xem lại ảnh sau khi chụp, đặt chế độ chọn cảnh, bù trừ ánh sáng...
Nguồn VnEconomy