Sea, một trong những đơn vị kinh doanh trò chơi điện tử lớn nhất Đông Nam Á, đã báo cáo khoản lỗ ngày càng lớn trong quý II

 
Hân Nguyễn Thứ Tư | 21/09/2022 21:39

Shopee "mạnh tay" sa thải nhân sự, vì sao?

Kể từ mức đỉnh lịch sử thiết lập hồi tháng 10, giá trị vốn hóa của tập đoàn đã bốc hơi hơn 170 tỉ USD.

Shopee đã sa thải hàng loạt nhân viên tại Trung Quốc vào ngày 19/09 cũng như 3% nhân viên tại Indonesia trong thời gian tới. Được biết đây là động thái cắt giảm biên chế toàn cầu sau khi thua lỗ nặng của công ty mẹ có trụ sở tại Singapore, Sea.

Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 19/9, Shopee cho biết việc cắt giảm nhân sự là một phần trong nỗ lực không ngừng nhằm  “tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, từ đó hướng tới mục tiêu đạt khả năng tự cung tự cấp trong toàn bộ hoạt động kinh doanh”.

 

Tuy không nêu rõ quy mô đợt sa thải mới nhất nhưng Shopee cam kết hỗ trợ các nhân viên bị ảnh hưởng bởi quá trình thay đổi. Một nguồn tin thân cận cho biết các nhân sự trong phòng ban bị ảnh hưởng chưa đến 10%.

Shopee cắt giảm nhân sự đã trở thành chủ đề nóng trên Maimai, một trang mạng Trung Quốc tương tự như LinkedIn. Một người dùng tự xưng là nhân viên Shopee tiết lộ sau 7 phút nhóm họp với sếp, người này lập tức nhận thông báo bị sa thải.

Bài đăng đã thu hút hơn 400 bình luận và được đăng lại hơn 500 lần. Tài khoản trên thậm chí tiết lộ thêm một đơn vị kinh doanh đã sa thải hơn 2/3 lượng nhân viên.

Trong khi các công ty Trung Quốc đại lục thường coi việc cắt giảm việc làm quy mô lớn là cách để tái cơ cấu hoặc tối ưu hóa kinh doanh, nhằm tránh sự can thiệp của chính phủ theo luật lao động. Tuy nhiên, các báo cáo tài chính gần đây của các công ty công nghệ lớn đã tiết lộ quy mô sa thải trong ngành hiện còn lớn hơn nhiều.

Trong quý II, Tencent Holdings (nhà đầu tư của Shopee) đã cắt giảm lực lượng lao động lần đầu tiên kể từ năm 2014, cắt giảm gần 5.500 nhân viên khỏi biên chế. Trong cùng thời gian đó, nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi đã cắt giảm hơn 900 việc làm - gần 3% lực lượng lao động.

Quy mô biên chế của Alibaba Group Holding, chủ sở hữu của South China Morning Post, đã giảm hơn 9.200 trong quý đó.

Sau Đông nam Á thì Mỹ Latin là thị trường lớn nhất của Sea.
Sau Đông nam Á thì Mỹ Latin là thị trường lớn nhất của Sea.

Shopee đã gây chú ý ở Trung Quốc vào tháng trước khi một lao động tiết lộ bị “hủy ngang” lời mời làm việc ngay phút chót, sau khi anh này vừa bay đến trụ sở công ty ở Singapore.

Sea cho biết: “Do những điều chỉnh về kế hoạch tuyển dụng, một số vị trí việc làm tại Shopee không còn nữa. Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng."

Theo báo cáo của Bloomberg và Reuters, Shopee cũng có kế hoạch cắt giảm 3% nhân viên của mình tại Indonesia, rút khỏi Argentina và đóng cửa các hoạt động địa phương ở Chile, Colombia và Mexico .

Giám đốc điều hành của Sea, ông Forrest Li.
Giám đốc điều hành của Sea, ông Forrest Li.

Giám đốc điều hành của Sea, ông Forrest Li, đã thông báo vào tuần trước rằng ban lãnh đạo cấp cao của Sea sẽ không nhận lương và thắt chặt các chính sách chi tiêu của tập đoàn cho đến khi công ty có thể tự lực về tài chính.

Trong báo cáo kinh doanh quý II, Sea thu về 2,9 tỉ USD nhưng lỗ ròng tăng gấp đôi, lên 931 triệu USD, cao hơn 42% so với ước tính 655 triệu USD, theo dữ liệu của Refinitiv.

Shopee là nguồn thu chính của Sea. Trong cơ cấu doanh thu, mảng thương mại điện tử và dịch vụ khác có đóng góp nhiều nhất, chiếm 58% tổng doanh thu. Song, chi phí doanh thu thuộc mảng này chiếm tới 72%, chủ yếu do gia tăng chi phí hậu cần.

Shopee đã thu về 1,7 tỉ USD trong quý II nhưng lỗ hệ số điều chỉnh trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) khoảng 648,1 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ. Như vậy, mức lỗ EBITDA điều chỉnh trên mỗi đơn hàng khoảng 0,33 USD.

Kể từ mức đỉnh lịch sử thiết lập hồi tháng 10, giá trị vốn hóa của tập đoàn đã bốc hơi hơn 170 tỉ USD.

Có thể bạn quan tâm: 

Chi phí cho quốc tang kéo dài 11 ngày của Nữ hoàng nước Anh là bao nhiêu?

Nguồn SCMP