Giá hàng tăng vọt, mô hình kinh doanh lung lay khi Mỹ siết ưu đãi thuế với hàng Trung Quốc. Ảnh: The Economist.

 
Thứ Tư | 14/05/2025 16:00

Shein, Temu và cú sốc thuế quan tại Mỹ

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khiến hai “ông lớn” thương mại điện tử Shein và Temu đối mặt nguy cơ mất thị trường và phải tái cấu trúc mô hình kinh doanh.

Với thế hệ Gen Z tại Mỹ, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc không còn là một câu chuyện thời sự xa vời. Ngày 25/4, hai nền tảng thương mại điện tử Shein và Temu thông báo sẽ điều chỉnh giá bán tại Mỹ. Kết quả là giá một số sản phẩm của Shein tăng vọt hơn 150%, trong khi Temu bổ sung “phí nhập khẩu” mà trong một số trường hợp còn cao hơn cả giá trị món hàng.

Động thái này diễn ra ngay trước thời điểm Mỹ chính thức xóa bỏ quy định miễn thuế đối với hàng hóa nhập từ Trung Quốc có giá trị dưới 800 USD, bắt đầu từ ngày 2/5. Nhờ chính sách miễn thuế này, các công ty Trung Quốc, trong đó có Shein và Temu, đã bán khoảng 50 tỉ USD hàng hóa sang Mỹ trong năm ngoái, tương đương 11% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường này.

Theo quy định mới, nếu được gửi qua đường bưu điện, các kiện hàng sẽ phải chịu thuế suất 120% hoặc mức phí cố định 100 USD, sẽ tăng lên 200 USD vào tháng 6. Trong khi đó, phần lớn hàng Trung Quốc được vận chuyển qua các kênh khác sẽ đối mặt mức thuế lên tới 145%.

Thay đổi này giáng một đòn mạnh vào hai “ngôi sao đang lên” của thương mại điện tử toàn cầu. Dù các thuật toán thông minh góp phần tạo nên thành công của Shein và Temu, yếu tố cốt lõi vẫn là mức giá siêu rẻ: áo phông chỉ 3 USD, ba lô từ 5 USD. Bằng cách vận chuyển hàng trực tiếp từ nhà máy tại Trung Quốc tới tay người tiêu dùng nước ngoài, họ đã cắt bỏ khâu trung gian, né được thuế quan và giảm đáng kể chi phí. Mỹ là thị trường quan trọng nhất với cả hai công ty, chiếm khoảng 30% doanh thu của Shein và 40% của Temu. Vấn đề đặt ra là: mô hình kinh doanh này có trụ vững khi quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục rạn nứt?

Chỉ cách đây không lâu, Shein và Temu còn được xem là những cỗ máy tăng trưởng không thể cản nổi. Năm 2022, Shein được định giá tới 100 tỉ USD, thời điểm hãng vượt mặt H&M và Zara để trở thành nhà bán lẻ thời trang nhanh lớn nhất thế giới. Cũng trong năm đó, Temu ra mắt tại Mỹ và nhanh chóng nổi tiếng với khẩu hiệu quảng cáo “mua sắm như tỉ phú”.

Nhưng giờ đây, cả hai đang rơi vào “tầm ngắm” của cuộc đối đầu địa chính trị. Shein từng kỳ vọng niêm yết cổ phiếu tại New York, nhưng mới chỉ được chấp thuận IPO ở London. Giá trị công ty được cho là đã giảm một nửa, còn khoảng 50 tỉ USD, và tương lai IPO vẫn chưa rõ ràng.

Việc bù đắp tổn thất từ thị trường Mỹ là điều không dễ. Cả hai đã bắt đầu tìm cách mở rộng sang thị trường khác. Nửa đầu năm ngoái, chi nhiều tiền quảng cáo hơn bên ngoài Mỹ. Đến đầu năm nay, Shein cũng đi theo hướng đó. Cả hai đang tập trung vào châu Âu, bao gồm Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, các quốc gia này cũng đang cân nhắc bãi bỏ miễn thuế với các kiện hàng giá trị nhỏ.

Chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc cũng không dễ dàng. Lợi thế cạnh tranh của Shein và Temu nằm ở chuỗi cung ứng tinh gọn và hiệu quả, chủ yếu đặt tại tỉnh Quảng Đông. Shein đặc biệt phụ thuộc vào cụm nhà máy may mặc ở một quận của Quảng Châu. Temu đã nhanh chân hơn trong việc tìm cách đa dạng nguồn cung sang Đông Nam Á và Mexico, nhưng theo công ty dịch vụ tài chính Morningstar, đến cuối năm nay, chỉ khoảng 15% sản phẩm của Temu sẽ được sản xuất ngoài Trung Quốc.

Để ứng phó, cả hai đang thay đổi cách tiếp cận thị trường Mỹ. Temu thúc đẩy mô hình “nội địa hóa”, tức người tiêu dùng mua hàng từ doanh nghiệp có trụ sở tại Mỹ. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó thực chất là các doanh nghiệp Trung Quốc mở chi nhánh ở nước ngoài, vẫn nhập hàng theo cách truyền thống và chịu thuế như cũ. Một số nhà bán lẻ có thể tìm cách trung chuyển hàng qua các quốc gia khác như Việt Nam trước khi đưa vào Mỹ để né thuế.

Theo một số nguồn tin trong ngành, cả Shein và Temu đã chuẩn bị kịch bản cho cú sốc này từ lâu. Một nhà máy lớn chuyên đóng gói hàng không cho hai hãng ở ngoại ô Thâm Quyến vẫn dùng lao động thủ công thay vì tự động hóa, vì lo sợ đơn hàng sang Mỹ có thể đột ngột sụt giảm.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc, chính quyền nước này có thể khiến tình hình thêm khó khăn. Một khảo sát cho thấy hoạt động sản xuất ở Trung Quốc sụt giảm trong tháng 4. Sau giai đoạn bùng nổ đầu năm 2024, nhiều sân bay cũng đang chuẩn bị cho làn sóng sụt giảm hàng hóa xuất sang Mỹ.

Theo Bloomberg, Bộ Thương mại Trung Quốc gần đây đã yêu cầu Shein dừng việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra nước ngoài. Trước tin đồn Shein tìm đối tác sản xuất ở nước ngoài, chính quyền Quảng Châu còn phải ra thông báo khẳng định thành phố vẫn là trung tâm chuỗi cung ứng của hãng.

Chính phủ Trung Quốc đang nắm đòn bẩy với cả hai công ty. Dù Temu tăng trưởng nhanh, công ty mẹ PDD vẫn phụ thuộc vào nền tảng nội địa Pinduoduo. Shein không bán hàng tại Trung Quốc, nhưng lại dựa vào đội ngũ công nghệ Trung Quốc để vận hành hệ thống thuật toán.

Cả Shein và Temu đang cố gắng làm mờ mối liên hệ với Trung Quốc. Shein tự nhận là công ty toàn cầu với trụ sở tại Singapore. Temu thậm chí tự nhận là doanh nghiệp Mỹ, đặt văn phòng tại Boston. Tuy vậy, thực tế cho thấy cả hai vẫn gắn chặt với Trung Quốc về chuỗi cung ứng, và Mỹ về đầu ra tiêu thụ.

Có thể bạn quan tâm:

Giấc mơ công nghiệp của ông Trump khó thành hiện thực

Nguồn The Economist