Thứ Sáu | 10/04/2015 17:52

Ruble quá mạnh - Rắc rối mới của Nga

Sau khi rơi tự do trong năm 2014, ruble giờ đây lại trở nên quá mạnh.

Ít ai có thể tin rằng, sau những nỗ lực cứu ruble thì Nga lại đang gặp khó khăn do ruble tăng giá ngày càng mạnh.

Từ một đồng tiền giảm giá mạnh nhất năm 2014, ruble đang dần phục hồi và trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất so với USD trong đầu năm 2015.

Ruble đã tăng 12% so với USD kể từ đầu tháng 4 và tăng 16% kể từ đầu năm 2015. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất với ruble kể từ đầu năm 2015 đang ở mức cao nhất thế giới, đạt 22%.

ruble đang dần phục hồi và trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất so với USD trong đầu năm 2015
Ruble đang dần phục hồi và trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất so với USD trong đầu năm 2015 (Ảnh: Bloomberg)

Tuy nhiên, chính phủ Nga bắt đầu nhận thấy tác động tiêu cực từ dòng tiền "nóng" đang dồn về các tài sản của Nga.

Mặc dù ruble tăng giá sẽ thúc đẩy dòng vốn chảy vào thị trường trái phiếu Nga (do lợi suất xuống mức thấp nhất 4 tháng qua) nhưng đồng thời cũng kéo giảm doanh thu xuất khẩu của nước này. Trong khi đó nếu tính theo ruble, giá dầu thô vẫn đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2011 (dù tính theo USD, giá dầu thô có xu hướng ổn định hơn).

 

Nếu giá dầu (tính theo ruble) vẫn ở mức thấp thì việc ruble tăng giá mạnh không hề có lợi đối với ngân sách của Nga, Trưởng phòng nghiên cứu Vladimir Bragin tại Alfa Capital nhận định.

Thực tế cho thấy, đà lao dốc của ruble [cùng với tình trạng trượt giá dầu thô] trong năm 2014 đã giúp Nga duy trì mức thâm hụt ngân sách trong vòng 1% GDP. Giới chuyên gia dự báo, con số này sẽ tăng lên 2,6% trong tháng 3 do ruble tăng giá.

Theo ông Bragin, Nga cần hạn chế thâm hụt ngân sách mà cách đơn giản nhất là khiến ruble suy yếu để ổn định kinh tế vĩ mô.

Và để hạn chế tình trạng đánh cược lớn vào các tài sản định giá bằng ruble, Thống đốc ngân hàng trung ương Nga (BOR) Elvira Nabiullina có thể sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong thời gian tới hoặc tăng phí bán lại USD, theo Bank of America.

Theo dự đoán của ông Bragin, BOR rất có thể sẽ mua ngoại tệ để kìm hãm đà tăng của ruble.

Chuyên gia kinh tế trưởng Oleg Kouzmin tại Renaissance Capital ước tính, nếu tỷ giá RUB/USD tăng 1 ruble thì doanh thu ngân sách Nga sẽ giảm 80 tỷ ruble.

Tuy nhiên bà Nabiullina cho biết, việc tác động vào tỷ giá để thúc đẩy ngân sách sẽ vô hiệu hóa quyết định thả nổi ruble của BOR hồi năm ngoái và gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn trong tương lai.

Nguồn DVO/ Bloomberg