Chủ Nhật | 12/08/2012 13:03

Quan hệ Trung - Ấn căng thẳng do thâm hụt thương mại

Ấn Độ thâm hụt thương mại với Trung Quốc ngày càng lớn buộc họ phải dùng đến các biện pháp có thể gây ra một cuộc chiến thương mại.
Trong năm tài khóa kết thúc vào 31/3/2011, thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc tăng 42% lên gần 40 tỷ USD, và đây chính là nguyên nhân chính gây ra tình trạng mất cân bằng cán cân xuất-nhập của Ấn Độ.

Bất ổn thương mại đang là mối đe dọa đối với kinh tế Ấn Độ. Thâm hụt tài khoản vãng lai của Ấn Độ - chỉ số đo cán cân thương mại với thế giới – trong quý IV kết thúc vào 31/3/2011 chiếm 4,5% GDP, cao nhất từ trước đến nay. Điều này khiến đồng rupee giảm giá mạnh và gây khó khăn cho hoạt động thu hút nguồn vốn ngoại.

Thâm hụt thương mại là một trong nhiều thâm hụt cấu trúc đang ảnh hưởng xấu đến kinh tế Ấn Độ. Tình trạng càng xấu hơn khi cuối tháng 7 vừa qua Ấn Độ gánh chịu đợt mất điện lớn nhất chưa từng có trên thế giới - gây ảnh hưởng đến 680 triệu người dân nước này – cơ sở hạ tầng của Ấn Độ quá lạc hậu và không thể đáp ứng được nhu cầu của tầng lớp trung lưu khổng lồ và ngày một tăng.

Thâm hụt thương mại trầm trọng và không được kiểm soát có thể đẩy Ấn Độ vào cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán mà nước này từng gặp phải hồi đầu những năm 1990 khi New Delhi buộc phải từ bỏ nhiều thập niên kế hoạch hóa tập trung kiểu Xô-viết và tiến hành những bước đi đầu tiên theo hướng tự do hóa kinh tế.

s
Thâm hụt thương mại Ấn Độ với Trung Quốc (trái), các thị trường nhập khẩu chính của Ấn Độ (phải).

Với thị trường Trung Quốc, Ấn Độ muốn tiếp cận hơn nữa bằng “sản phẩm giá trị gia tăng” và muốn Trung Quốc mua nhiều hơn nữa sản phẩm của các ngành như dược phẩm. Bộ trưởng thương mại Ấn Độ, Anand Sharma, cho biết, nước này mới đây đã đưa ra danh sách 916 sản phẩm mà nước này tin rằng Trung Quốc nên mua với số lượng lớn.

Ấn Độ đang thúc ép Trung Quốc nhập khẩu thêm sản phẩm của nước này từ dược phẩm cho đến phần mềm và tiến hành nhiều biện pháp giảm nhập khẩu từ Trung Quốc trước lo ngại thâm hụt thương mại ngày càng tăng.

Trong khi đó, hàng hóa Trung Quốc ngày càng tràn ngập thị trường Ấn Độ - từ thiết bị công nghiệp nặng đến máy tính xách tay và hàng mỹ phẩm. Chỉ hơn một thập niên, Trung Quốc từ vi trí thứ 7 đã vươn lên trở thành đối tác xuất khẩu lớn nhất vào Ấn Độ, vượt qua Mỹ, Đức và Nhật Bản.

Trung Quốc hiện đang xuất khẩu rất nhiều sản phẩm tinh vi, tinh xảo với biên lợi nhuận cao hơn và tạo ra nhiều hơn việc làm trong nước. Xuất khẩu thiết bị viễn thông, kể cả điện thoại không dây, điện thoại di động và bộ sạc, của Trung Quốc sang Ấn Độ trong năm tài khóa kết thúc vào 31/3/2011 đạt 6,7 tỷ USD.

Nguyên liệu thô hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu xuất khẩu của Ấn Độ sang Trung Quốc. 2 sản phẩm xuất khẩu hàng đầu, quặng đồng và quặng sắt, chiếm gần 1/2 trong tổng giá trị xuất khẩu 19 tỷ USD của Ấn Độ trong năm tài khóa kết thúc vào 31/3/2011.

Nhiều nước khác, kể cả Mỹ, Brazil, và Nga, cũng đang gánh chịu thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Nhưng trường hợp của Ấn Độ có vẻ nhạy cảm hơn khi xét đến việc 2 nước Trung-Ấn đang có những xung đột kéo dài về biên giới Himalaya, về ảnh hưởng của Trung Quốc đối trên tuyến đường biển Ấn Độ Dương.

Hàng hóa Trung Quốc hiện tràn ngập trên mọi quầy hàng trong khu chợ bán buôn Sadar Bazzar ở New Delhi, đủ mọi chủng loại: đồ chơi, ổ cứng, đồ trang sức, mỹ phẩm, dụng cụ gia đình và hàng dệt kim.

Các tiểu thương cho biết, 5 năm trước, hàng Trung Quốc chỉ chiếm 5% kho hàng của họ, nhưng hiện đã chiếm hơn 1/2. Thậm chí, các bức ảnh vị thần Hindu “Made in China” cũng đã thâm nhập Sadar Bazaar.

Các công ty Ấn Độ đã gây áp lực buộc chính phủ nước này ngăn chặn làn sóng hàng Trung Quốc. 3 năm qua, từ 35 đơn kiện chống bán phá giá chống lại các công ty Trung Quốc, chính phủ Ấn Độ đã áp đặt mức thuế cao hơn đối với 22 trường hợp để bảo hộ hàng hóa nội địa.

Theo nhiều nhà kinh tế học, về dài hạn, chủ nghĩa bảo hộ của Ấn Độ có thể gây tổn thương nước này nhiều hơn đối với Trung Quốc – khiến công ty và người tiêu dùng Ấn Độ mất đi quyền được mua sản phẩm mà họ không thể tìm được trên thị trường nội địa.

Trong khi đó, các công ty Ấn Độ khi vào thị trường Trung Quốc đã vấp phải rào cản pháp lý. Việc đăng các loại thuốc mới ở Trung Quốc có thể mất 3-4 năm, trong khi việc này ở Ấn Độ chỉ mất có 10 tháng. Hơn nữa, cơ quan quản lý Trung Quốc còn yêu cầu các hãng dược phẩm Ấn Độ tiến hành thử nghiệm lâm sàng tại Trung Quốc, một điều mà các công ty Ấn Độ thường không muốn thực hiện.
Ấn Độ cũng thúc giục buộc Trung Quốc mua nhiều hơn dịch vụ phần mềm – lĩnh vực công nghệ mà Ấn Độ nổi danh.

Công ty Dịch vụ Tư vấn Tata, chuyên gia thuê gia công công nghệ lớn nhất của Ấn Độ tính theo doanh thu, đã có mặt ở Trung Quốc khoảng 1 thập niên. Tuy nhiên, giám đốc điều hành công ty này, ông N. Chandrasekaran, cho biết, đến nay, thành tựu đạt được khiêm tốn hơn nhiều so với dự tính của Tata.

Ông Chandrasekaran còn cho biết thêm, việc bán hàng cho các công ty quốc doanh của Trung Quốc đòi hỏi mối quan hệ chính phủ lớn hơn mức mà các công ty Ấn Độ thường có. Trong các chuyến đi của mình, ông Chandrasekaran thường gặp gỡ các quan chức của Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc cũng như các quan chức địa phương như bí thư đảng và các lãnh đạo địa phương.

“Ở các thị trường khác không cần bỏ thời gian tiếp xúc với các quan chức chính phủ, nhưng ở Trung Quốc điều này là cần thiết – chính phủ là khách hàng của bạn”, ông Chandrasekaran nói.

Ấn Độ đang tiến hành nhiều biện pháp kiềm chế sự bành trướng này. Cuối tháng 7 vừa qua, nội các Ấn Độ đã thông qua việc đánh thuế 21% đối với thiết bị nhập khẩu dùng cho các dự án điện quy mô lớn, một động thái nhằm bảo vệ nhà sản xuất nội địa trước đối thủ cạnh tranh Trung Quốc. Ấn Độ thực sự rất cần tăng công suất phát điện và công nghệ tiên tiến của Trung Quốc từ nồi hơi đến tuabin ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn để hoàn thành các dự án nhà máy điện lớn nhất. Trung Quốc cung cấp trên 40% thiết bị điện cho Ấn Độ.

Louis Kuijs, nhà kinh tế học tại Viện toàn cầu Fung ở Hong Kong, cho biết, việc Ấn Độ gặp khó khăn trong việc mở rộng xuất khẩu sang Trung Quốc không hẳn là do các rào cản thị trường của Trung Quốc mà do Ấn Độ không thể sản xuất được sản phẩm có chất lượng. “Trung Quốc có lĩnh vực sản xuất, chế tạo vượt trội, và Ấn Độ rất khó cạnh tranh được”, ông Kuijs nói.

Nguồn WSJ/Khampha


Sự kiện