Ông Colin Huang, nhà sáng lập Pinduoduo. Ảnh: Fortune

 
Khánh Tú Thứ Tư | 23/10/2024 15:31

Ông chủ Temu và hành trình từ vô danh đến tỉ phú

Ông Colin Huang, nhà sáng lập Pinduoduo, trở lại sau cú sốc tài chính nhờ vào thành công quốc tế của thương hiệu Temu, dẫn đầu xu hướng mua sắm giá rẻ.

Sau một thời gian tương đối thành công với game và thương mại điện tử, ông Colin Huang lui về nghỉ ốm và suy ngẫm về bước đi tiếp theo. Năm 2015, cựu kỹ sư Google sáng lập Pinduoduo, một nền tảng thương mại điện tử giá rẻ, nhanh chóng thu hút người dùng.

Tuy nhiên, giống như nhiều tỉ phú khác trong thời kỳ đại dịch COVID-19, khối tài sản của ông sụt giảm nhanh chóng, mất tới 87% giá trị trong vòng một năm. Sự sụp đổ này diễn ra đồng thời với việc Trung Quốc mạnh tay siết chặt khu vực tư nhân của nước này.

Thế nhưng, bất chấp sự sụp đổ, PDD Holdings, công ty mẹ của Pinduoduo, đã tìm lại đà tăng trưởng, phần lớn nhờ mở rộng thị trường quốc tế dưới thương hiệu Temu, chi nhánh ở nước ngoài của Pinduoduo, giúp công ty đối phó với nền kinh tế trong nước ảm đạm. Kết quả là khối tài sản của ông Huang (44 tuổi) đã tăng lên mức 48,6 tỉ USD.

PDD Holdings tìm lại đà tăng trưởng, phần lớn nhờ mở rộng thị trường quốc tế dưới thương hiệu Temu. Ảnh: Fortune.
PDD Holdings tìm lại đà tăng trưởng, phần lớn nhờ mở rộng thị trường quốc tế dưới thương hiệu Temu. Ảnh: Fortune.

Sự thăng tiến đáng kinh ngạc của ông Huang phản ánh thay đổi trong thói quen tiêu dùng của người Trung Quốc giữa bối cảnh khủng hoảng bất động sản kéo dài. Ông Huang cũng là tỉ phú công nghệ đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng tài sản sau hơn ba năm, thời điểm mà áp lực từ chính phủ khiến các doanh nghiệp tư nhân như Alibaba của Jack Ma gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình này, ông Huang đã đối mặt với các cuộc biểu tình từ nhà cung cấp vì ép giá thấp và áp đặt lịch làm việc khắc nghiệt cho nhân viên.

Thần đồng Toán học

Không giống như Jack Ma, người xuất thân từ nghề giáo, ông Huang là biểu tượng cho thế hệ doanh nhân công nghệ mới của Trung Quốc, những người bắt đầu sự nghiệp với cơ hội quốc tế rộng mở.

Năm 12 tuổi, tài năng toán học của Huang đã giúp ông được nhận vào Trường Ngoại ngữ Hàng Châu danh tiếng, nơi quy tụ con cái của giới tinh hoa chính trị và xã hội Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp ngành khoa học máy tính tại Đại học Chiết Giang, Huang đã sang Mỹ năm 2002 để theo học thạc sĩ tại Đại học Wisconsin.

Sau khi hoàn thành chương trình, Huang quay về Trung Quốc vào năm 2004 để tham gia xây dựng Google China. Năm 2007, ông sáng lập công ty đầu tiên và bán nó vào năm 2010 để khởi nghiệp trong lĩnh vực tiếp thị trên các nền tảng như Taobao hay JD.com. Năm 2013, sau khi bị nhiễm trùng tai và nghỉ ngơi dài hạn, ông nảy ra ý tưởng thành lập Pinduoduo.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Caijing năm 2018, ông Huang cho biết PDD không phải để người dân Thượng Hải cảm thấy như họ đang sống như ở Paris, mà là để người dân ở An Huy có giấy bếp và trái cây tươi. Mục tiêu không phải là giá rẻ, mà là người dùng cảm thấy họ nhận được món hời.

Thời cơ của Temu

Từ khi từ chức CEO PDD vào năm 2020 và rút khỏi hội đồng quản trị năm 2021, ông Huang ít xuất hiện trước công chúng. Ông cho biết dành thời gian theo đuổi đam mê nghiên cứu thực phẩm và khoa học đời sống, theo một lá thư gửi cổ đông. Chính vào thời điểm đó, PDD bắt đầu sụt giảm.

Tuy nhiên, Temu, nền tảng quốc tế mà PDD phát triển, đã giúp doanh thu của công ty phục hồi mạnh mẽ. Ra mắt vào tháng 9/2022, Temu nhanh chóng vươn lên dẫn đầu trong các ứng dụng mua sắm tại Mỹ, nhắm vào người tiêu dùng đang chịu tác động từ lạm phát bằng các sản phẩm giá rẻ, không thương hiệu, được chuyển trực tiếp từ Trung Quốc. Năm 2023, PDD ghi nhận doanh thu 248 tỉ nhân dân tệ (khoảng 35 tỉ USD), tăng 90% so với năm 2022.

Sau khi chính phủ Trung Quốc dỡ bỏ chính sách Zero-COVID vào tháng 12/2022, giá trị cổ phiếu của PDD tăng mạnh. Vào tháng 11 năm ngoái, PDD lần đầu tiên vượt qua Alibaba để trở thành công ty internet lớn thứ hai Trung Quốc, mở ra cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa hai gã khổng lồ.

“Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, người tiêu dùng đang tìm kiếm giá trị tốt và mức giá thấp. Đây là thời kỳ vàng của các nhà bán lẻ giá trị như Temu”, ông Neil Saunders, Chuyên gia phân tích tại GlobalData Retail, nhận định.

Ông Saunders cũng cho rằng Temu hiện tại tập trung toàn bộ vào tăng trưởng. Mục tiêu của nền tảng thương mại điện tử này là thu hút người dùng mới. Sau khi đã có tệp khách hàng ổn định và trung thành, có thể công ty sẽ tăng giá nhẹ. Do đó, Temu hiện đang ở giai đoạn chiếm lĩnh thị trường.

Có thể bạn quan tâm:

Trung Quốc truy thu thuế giới siêu giàu đầu tư nước ngoài