Nước Mỹ trước những nguy cơ nào 13 năm sau sự kiện 11/9?
Tuy nhiên, giờ đây nước Mỹ lại tiếp tục “đau đầu” với một mối đe dọa khác là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Tuần trước, thủ lĩnh của al-Qaeda Ayman al-Zawahiri thông báo nhóm này có kế hoạch mở rộng phạm vi họat động sang Ấn Độ, Myanmar và Bangladesh. Mặc dù tuyên bố mở rộng hoạt động ra toàn cầu, nhưng các cơ sở của tổ chức khủng bố al-Qaeda đã bị phá hủy nhiều bởi chiến dịch chống khủng bố của Mỹ và các nước đồng minh. Al-Qaeda đã suy yếu sau sự kiện 11/9 với số lượng binh sĩ tham gia giảm và quỹ tài chính cạn kiệt. Người dân Mỹ tưởng chừng như thở phào nhẹ nhõm sau khi tiêu diệt được kẻ đứng đầu tổ chức al-Qaeda Osama Bin Laden vào năm 2011.
Tuy nhiên, giờ đây không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới lại đang đối mặt với một nguy cơ mới từ nhóm Nhà nước Hồi giáo mới nổi lên tại Iraq và Syria .
Nhận định về sức mạnh của nhóm “Nhà nước Hồi giáo”, các chuyên gia phân tích của Viện nghiên cứu các chính sách ngoại giao Mỹ cho rằng, al-Qaeda hiện chỉ là nhóm cực đoan mạnh thứ 2 toàn cầu. Nhóm Nhà nước Hồi giáo đang dẫn đầu với số lượng binh lính tham gia và nguồn tài chính dồi dào.
Việc chiếm được khu vực rộng lớn nhiều dầu mỏ của Iraq đang củng cố thêm sức mạnh của nhóm phiến quân này.
Hussien Allawi- một quan chức của Bộ Dầu lửa Iraq cho biết: “Nhóm phiến quân này có thể thu về 2 triệu USD/ngày. Đây là một số tiền khổng lồ. Nhà nước Hồi giáo có thể sử dụng lợi thế này để mở rộng lực lượng. Những kẻ khủng bố có thể sử dụng tiền để chiến đấu chống lại người dân Iraq”.
Không chỉ mạnh về tài chính, nhóm Nhà nước Hồi giáo cũng thu hút được cả những tay súng đã từng hoạt động trong lực lượng al-Qaeda và các công dân nước ngoài trong đó có Mỹ và phương Tây tham gia.
Vụ hành quyết hai nhà báo Mỹ gây chấn động toàn cầu cho thấy mức độ man rợ và nguy hiểm của nhóm phiến quân này.
Trong một cuộc khảo sát gần đây, 91% người Mỹ cho rằng, nhóm Nhà nước Hồi giáo là một mối đe dọa đối với lợi ích quan trọng của Mỹ , trong khi 47% cảm thấy nước Mỹ thiếu an toàn hơn so với thời điểm trước vụ khủng bố 11/9.
Các quan chức Mỹ hiện vẫn khẳng định, nhóm Nhà nước Hồi giáo hiện nay chưa có đủ sức mạnh để tiến hành một vụ tấn công tương tự như vụ 11/9. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Obama nhận thấy sự khẩn cấp phải chấm dứt hoạt động của nhóm vũ trang này.
Ông Obama nói: “Theo các thông tin tình báo, chúng tôi chưa thấy có bất cứ mối đe dọa hiện hữu nào đối với nước Mỹ từ nhóm Nhà nước Hồi giáo. Tuy nhiên nếu tổ chức này tiếp tục mở rộng kiểm soát vùng lãnh thổ, chiếm thêm được nhiều nguồn tài nguyên, được vũ trang thêm và thu hút nhiều tay súng nước ngoài, bao gồm cả những khu vực như châu Âu- những người có visa và sau đó có thể sang Mỹ mà không gặp trở ngại, thì đó thực sự là một mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với nước Mỹ.”
Trong thời gian qua, Tổng thống Mỹ Obama cũng đã thúc đẩy kế hoạch xây dựng một chiến dịch quốc tế nhằm đối phó lại những tay súng Nhà nước Hồi giáo, bao gồm khả năng tiến hành một chiến dịch quân sự chung tại Iraq và Syria.
Trước thềm sự kiện nước Mỹ kỉ niệm 13 năm xảy ra vụ tấn công khủng bố 11/9, Tổng thống Barack Obama cũng sẽ công bố kế hoạch một chiến dịch của Mỹ nhằm đánh bại nhóm Nhà nước Hồi giáo. Theo một số nguồn tin, kế hoạch này sẽ bao gồm sự hợp tác với các đồng minh châu Âu, Trung Đông và một số nước khác.
Kế hoạch phát động cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo trên quy mô toàn cầu của Mỹ đang nhận được sự ủng hộ của nhiều nước. Từ lãnh đạo các quốc gia châu Âu đến các nước Arab đều tuyên bố sẵn sàng bên cạnh Mỹ trong cuộc chiến đối phó với nhóm Nhà nước Hồi giáo. Tuy nhiên, với một tổ chức đang mạnh dần lên, hoạt động tinh vi phức tạp cùng nguồn tài chính ổn định báo hiệu cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ lần này sẽ vô cùng khó khăn và lâu dài.
Nguồn VOV