"Nước Mỹ da trắng" đang dần biến mất: Lý giải cho chiến thắng của ông Obama
Cuộc đua vào chiếc ghế tổng thống cũng là cuộc đua chinh phục các nhóm chủng tộc trên đất Mỹ và ông Romney đã thua ở cả hai.
Dù chiến thắng khi chinh phục người da trắng với 59% số phiếu bầu từ những người này, ông Romney lại thua ông Obama khi vị tổng thống tái đắc cử được 73% người gốc Latin, 74% người gốc Á và 94% người gốc Phi bầu chọn. Số người da trắng vượt trội trong các sắc dân nhưng tỷ lệ chiến thắng không quá cách biệt tại trận chiến này đã không đảm bảo được chiến thắng chung cuộc cho ông Romney.
Nếu trở lại 30 năm trước, khi số cử tri da trắng chiếm tới gần 90% số phiếu bầu, ông Romney chắc chắn đã thắng. Nhưng thời cuộc đã thay đổi khi giờ đây cử tri da trắng chỉ chiếm 72% số phiếu bầu và con số này vẫn đang trong xu hướng giảm.
Số người gốc Tây Ban Nha và Mỹ Latin giờ đây chiếm tới 10% số lượng cử tri và con số 71% nhóm này bầu chọn cho ông Obama, đặc biệt tại những bang "trung dung" như Florida, Colorado và Nevada, đã mang lại chiến thắng cho vị tổng thống tái đắc cử.
Hơn nữa, tại Ohio, nhiều chuyên gia chính trị cho rằng chính sắc người gốc Tây Ban Nha, Mỹ Latin và da đen đã đảm bảo chiến thắng cho ông Obama ở bang trung dung này.
Nhiều tín hiệu cho thấy rằng nước Mỹ da trắng đang "chết dần" khi những người da trắng không còn quyền quyết định toàn bộ vận mệnh của nước Mỹ nữa.
Theo một bản điều tra dân số gần đây, lần đầu tiên số trẻ em da trắng sinh ra chỉ chiếm chưa tới một nửa tổng số trẻ em ra đời. Trong hơn 4 triệu trẻ em ra đời từ đầu năm 2007 tới tháng 7/2011, có tới 50,4% thuộc dân tộc thiểu số - da đen, gốc Á, đa sắc tộc và nhiều nhất là gốc Tây Ban Nha và Mỹ Latin.
Với xu hướng này, trong vòng 30 năm nữa, người da trắng sẽ trở thành dân tộc thiểu số chứ không còn chiếm đa số như hiện nay nữa. Nhiều ý kiến cực đoan còn cho rằng việc này thậm chí sẽ xảy ra ngay vào năm 2019 tới đây.
Đất nước vốn từ trước đến nay được nghĩ tới như quốc gia đa sắc tộc với người da trắng nắm chủ đạo có lẽ sẽ có những cuộc chuyển dịch sắc tộc mạnh mẽ trong thời gian tới.
Nhiều nhân vật theo đường lối tự do cho rằng một quốc gia đa sắc tộc sẽ là cơ hội để nước Mỹ tiến lên nhưng những người bảo thủ lại tin rằng việc nước Mỹ da trắng "lụi tàn" sẽ mang tới nền kinh tế và chính trị kém cỏi, kết thúc những giá trị mà nước Mỹ từ trước tới nay vẫn tự hào.
Đứng giữa hai luồng tư tưởng trên là những người hiểu rằng nước Mỹ cần luồng sinh khí mới để tránh đi vào vết xe đổ của châu Âu và Nhật Bản khi dân số già hóa nhanh chóng. Tuy nhiên, họ cũng cảm thấy không thực sự an tâm với một nước Mỹ mang "mầu nâu".
Nhân vật thủ cựu Pat Buchanan, người từng là cố vấn cho các đời tổng thống Nixon, Ford và Reagan, cho rằng những người nhập cư chưa có đủ trình độ như những người da trắng. Khi "nước Mỹ trắng" mất đi thì những dân tộc thiểu số không đủ sức gánh vác trọng trách mà nước Mỹ đang mang.
Không giống như trong quá khứ khi nước Mỹ e sợ sự lớn mạnh của những người da đen, giờ đây những người gốc Tây Ban Nha và Mỹ Latin mới là mối quan tâm lớn nhất. Đây là hàng triệu người hàng thập kỷ qua miệt mài di cư tới phương Bắc để mong tìm được thứ gọi là "giấc mơ Mỹ".
Sau khi những quy định về số lượng người nhập cư bị xóa bỏ, số người nhập cư đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 1970. Khoảng thời gian 2000 - 2010 chứng kiến mức tăng kỷ lục gần 14 triệu người.
Tỷ lệ sinh của những người gốc Tây Ban Nha và Mỹ Latin là 2,4 trẻ, người da đen là 2,1 còn người da trắng chỉ 1,8. Những người Mỹ da trắng ngày càng chứng kiến sắc dân của mình bị co hẹp lại trong khi những tộc người khác phình ra. Hơn nữa, tuổi trung bình của người da trắng là 42 còn người gốc Tây Ban Nha và Mỹ Latin chỉ là 27.
Nhiều người Mỹ da trắng ngày nay cảm thấy như đang mất đi quốc gia của mình khi những người nhập cư đông đảo tới đây lấy đi việc làm của họ, yêu cầu nền giáo dục và chăm sóc y tế cũng như tuần hành để đòi quyền định cư. Pat Buchanan cho rằng dự cảm này "hoàn toàn đúng".
Pat Buchanan cũng nêu luận điểm rằng nước Mỹ cần những người lao động có kỹ năng từ những quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc để cạnh tranh với các quốc gia khác trong tương lai. Tuy nhiên, sắc dân châu Á chưa nhiều và thực tế đáng buồn là sắc dân đông đảo hơn như Tây Ban Nha và Mỹ Latin chỉ 13% có bằng cao đẳng so với người da đen chỉ 18% và người da trắng 31%.
Trái ngược với Pat Buchanan, nhiều chuyên gia nhân khẩu học tự do cổ vũ cho những người nhập cư gốc Tây Ban Nha và Mỹ Latin do họ mang tới "sự nhiệt tình, năng lượng và tính sáng tạo", điều không thể đo đếm được thông qua tài sản hay số lượng bằng cấp.
Chính vì nước Mỹ da trắng đang chết dần và nước Mỹ màu nâu đang lên, đảng cộng hòa nếu "không thay đổi thói quen" thì số phận của họ sẽ kết thúc.
Nguồn Dailymail/Khampha