Thứ Ba | 09/09/2014 10:55

Nông dân Nga chưa thể bù đắp “khoảng trống” nhập khẩu

Để bù đắp lượng thiếu hụt do lệnh cấm nhập khẩu, ngành nông nghiệp Nga cần ít nhất 5 năm với nguồn đầu tư lớn và sự hỗ trợ của chính phủ.
Ngành nông nghiệp Nga cần thêm 137 tỷ ruble (3,8 tỷ USD) trong 3-4 năm tới.
Ngành nông nghiệp Nga cần thêm 137 tỷ ruble (3,8 tỷ USD) trong 3-4 năm tới.

Chính trị gia Nga cho rằng lệnh cấm nhập khẩu lương thực thực phẩm từ phương Tây là cơ hội vàng cho ngành nông nghiệp Nga, nhưng nông dân và các nhà kinh tế cảnh báo việc tăng sản lượng là vấn đề của nhiều năm chứ không phải tháng và việc đóng cửa thị trường là chưa đủ để giải quyết vấn đề.

Xét đến xung đột quốc tế về vấn đề khủng hoảng tại Ukraine và việc áp đặt đòn trừng phạt, câu hỏi lương thực thực phẩm của Nga được sản xuất ở đâu đang là vấn đề quan tâm của sức mạnh và chủ quyền quốc gia.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết “Chúng ta là một quốc gia, một chính phủ, chúng ta có thể tự nuôi sống đất nước mình”.

Lệnh cấm – nhằm vào nhập khẩu sản phẩm thịt, cá, trái cây, rau xanh và sản phẩm sữa từ EU, Mỹ, Australia, Canada và Na Uy – cuối cùng sẽ phục vụ nông dân Nga, ông Medvedev nói thêm, trước khi kết luận “Chúng ta đang có cơ hội thay đổi cơ bản tình hình ngành nông nghiệp”.

Nhìn qua, việc ngừng chi 9 tỷ USD cho nhập khẩu thực phẩm có thể giống như vận may cho ngành nông nghiệp kém cạnh tranh đang khó khăn trong 2 thập kỷ qua do thiếu đầu tư.

Nhưng việc tăng sản lượng nông nghiệp của Nga sẽ cần ít nhất 5 năm với sự đầu tư đáng kể và chính sách thích hợp của chính phủ, theo Natalya Shagayda, giám đốc Trung tâm Chính sách Nông nghiệp tại đại học nghiên cứu kinh tế RANEPA.

Trong khi đó, lệnh cấm nhập khẩu sẽ chỉ kéo dài 1 năm trừ khi chính phủ gia hạn và có thể được dỡ bỏ vào bất kỳ lúc nào nếu mối quan hệ với phương Tây được giải quyết.

Maxim Klyagin, nhà phân tích thị trường thực phẩm tại Finam Managment, cho biết, việc tạo ra động lực tăng trưởng trong sản xuất nội địa là mục tiêu thứ hai [của lệnh cấm] ... vốn có thể bị phóng đại.

Klyagin cho biết, trong ngắn hạn, các nhà sản xuất nội địa sẽ chỉ có thể thay thế “một phần tương đối nhỏ” lượng thiếu hụt từ nhập khẩu. Lợi ích chính của lệnh cấm sẽ là các nhà xuất khẩu trong Liên minh Thuế quan do Nga dẫn đầu, Mỹ Latin và Vành đai Thái Bình Dương – những người có thể tăng xuất khẩu sang Nga mà không có sự cạnh tranh của châu Âu.

Nhìn về dài hạn, các nhà sản xuất nội địa có thể thay thế nhập khẩu – nhưng chỉ nếu việc hạn chế hiện tại vẫn được duy trì và được bổ sung với sự hỗ trợ của nhà nước, Klyagin cho biết thêm.

Hỗ trợ của chính phủ

Mặc dù lệnh cấm có thể kết thúc bất kỳ lúc nào, nhưng chính phủ đã nắm lấy cơ hội để thông báo phục hồi cam kết phát triển nông nghiệp nội địa.

Mới đây, ông Medvedev đã kêu gọi sửa đổi kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, tập trung vào tối đa hóa khả năng tự túc của nông nghiệp Nga.

Kế hoạch hiện tại cung cấp hỗ trợ cho ngành nông nghiệp: tổng số tiền lên đến trên 1,5 nghìn tỷ ruble (42 tỷ USD) trong ngân sách nhà nước đã được dành hỗ trợ nông dân giai đoạn 2013-2020.

Bộ trưởng Nông nghiệp Nikolai Fyodorov cho biết, Bộ Nông nghiệp tin rằng ngành nông nghiệp cần thêm 137 tỷ ruble (3,8 tỷ USD) trong 3-4 năm tới.

Artyom Belov, Giám đốc điều hành Hiệp hội Sản xuất Sữa Quốc gia, cho biết, rất khó cạnh tranh với các nhà sản xuất nước ngoài do yếu tố đầu tư ở Nga, chi phí khoản vay và cơ sở hạ tầng cao hơn nhiều ở châu Âu và Mỹ.

Thậm chí với sự hỗ trợ của nhà nước, lãi suất cho vay trung bình ở 8-10% đối với các nhà sản xuất sữa – gấp 2 lần so với EU và Mỹ, ông Belov cho biết.

Alexander Kostikov, đứng đầu Cherkizovo, nhà sản xuất thịt nội địa lớn nhất Nga, cho biết, việc giải ngân lúc nào cũng chậm.

Tuy sự hỗ trợ của chính phủ đã đẩy lãi suất cho vay đối với Cherkizovo xuống 2-3%, nhưng nhà nước vẫn nợ nhà sản xuất này 1 tỷ ruble (28 triệu USD) vào cuối năm ngoái, Kostikov cho biết.

Ông Artyom Belov cho biết, khoản nợ của nhà nước đối với các nhà sản xuất sữa ở Nga cũng góp phần làm giảm 6-8% sản lượng sữa ở Nga trong năm ngoái, dẫn đến thiếu cung trên thị trường.

Lệnh cấm nhập thực phẩm từ EU “thực sự có lợi hơn là có hại” đối với thị trường Nga, thiếu cung sữa có nghĩa rằng các nhà sản xuất trong nước sẽ chưa thể tận dụng được lợi thế này, ông Belov cho biết. Tất nhiên, nông dân và nhà sản xuất Nga có thể tăng sản lượng, nhưng thật không may, họ lại không có đủ nguyên liệu. Tuy sản lượng sữa đã hồi phục trong năm nay, nhưng vẫn là chưa đủ để bù đắp lượng thiếu hụt nhập khẩu từ phương Tây.

Trong ngắn hạn, Belarus – đang là nước xuất khẩu lớn nhất vào Nga – và các nước khác như New Zealand, Serbia, Argentina và Uruguay sẽ lượng thiếu hụt mà Phần Lan và các nước EU bỏ lại.

Về dài hạn, các nhà sản xuất sản phẩm sữa của Nga không chỉ cần nâng cao khả năng cạnh tranh với đối thủ nước ngoài mà cũng cần sự hỗ trợ đáng kể của chính phủ để bù đắp chi phí đầu tư.

Ngành sữa càn 600 tỷ ruble (16,7 tỷ USD) đầu tư đến năm 2020 để mở rộng sản xuất theo mục tiêu đáp ứng 90% nhu cầu sữa của dân Nga, theo kế hoạch mới được Hiệp hội Sản xuất Sữa Quốc gia đệ trình.

Nếu chương trình được chấp thuận, sẽ cần 5-7 năm để đột phá trên thị trường nội địa, ông Belov chia sẻ.

Hiện ngành sản xuất trong nước đáp ứng 66% nhu cầu sữa của người Nga, con số này tăng lên 78% nêu tính cả nông dân quy mô nhỏ, theo Bộ Nông nghiệp Nga.

Nông dân quy mô nhỏ

Việc tăng sản lượng trái cây và rau xanh cần phương pháp tiếp cận khác. Hầu hết trái cây và rau xanh hiện nay của Nga được người dân sản xuất và trên trang trại gia đình quy mô nhỏ.

Theo Natalya Shagayda, giám đốc Trung tâm Chính sách Nông nghiệp tại đại học nghiên cứu kinh tế RANEPA, để tăng sản lượng, nhà nước cần chuyển hướng hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp nhỏ này. Đã có những ví dụ thành công như sáng kiến hỗ trợ nông dân sản xuất sữa quy mô nhỏ đã giúp tăng 5% sản lượng trong năm qua.

Nga hiện cung thiếu cơ sở bảo quản và cơ sở hạ tầng cần thiết để đảm bảo nguồn cung sau vụ thu hoạch, dẫn đến phải phụ thuộc vào nhập khẩu trong những tháng mùa đông.

Nguồn Theo DVO/ The Moscow Times


Sự kiện