Thứ Tư | 07/11/2012 11:47

Những vấn đề phải đối mặt của ông Obama trong nhiệm kỳ mới

Ông Obama đã vượt qua cuộc đua cam go vào Nhà trắng và hi vọng nước Mỹ sẽ đi đúng hướng để thế giới cùng phát triển.
Tổng thống mới đắc cử Barrack Obama sẽ gặp nhiều khó khăn trong nhiệm kỳ tới đây mà vấn đề ngay lập tức ông phải giải quyết là vực dậy nền kinh tế thông qua chiến dịch "Nước Mỹ của những người trung lưu."

Những quan điểm của tổng thống Obama được thể hiện qua chiến dịch tranh cử trong cuộc chạy đua được coi là gay cấn nhất trong lịch sử gồm các vấn đề quan trọng liên quan tới giảm thuế, tạo việc làm, chi tiêu chính phủ, bảo hiểm y tế, thương mại, tài chính và quân sự.

Giảm thuế

Đầu tiên, để thu hút tầng lớp trung lưu đang lên, ông Obama sẽ giảm thuế cho những người lao động có gia đình. Khoảng 150 triệu người sẽ được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế với tổng số thuế giảm có thể lên tới 500 USD/người hoặc 1000 USD/gia đình. Hơn nữa, khoảng 10 triệu người Mỹ sẽ có thể hoàn toàn không phải đóng thuế thu nhập cá nhân nhờ luật mới này.

Hơn nữa, ông Obama cũng đảm bảo rằng những người thuộc tầng lớp trung lưu sẽ không phải thực hiện những giao dịch phức tạp khi nộp thuế. Với việc đơn giản hóa, tổng thống Obama hi vọng sẽ tiết kiệm được cho nước Mỹ 200 triệu giờ cũng như 2 tỷ USD liên quan tới việc chuẩn bị hồ sơ nộp thuế.

Tuy nhiên, lý do lớn nhất ông Obama mong đợi khi giảm thuế là gia tăng thu nhập hiệu dụng - khoản tiền thu nhập sau khi chịu thuế - của người dân để họ gia tăng chi tiêu.

Chi tiêu dùng hộ gia đình là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế Mỹ khi chiếm tới hơn 70% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Những dấu hiệu tăng liên tiếp 0,5% và 0,8% chi tiêu dùng trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua cho thấy nền kinh tế Mỹ có vẻ đang đi đúng hướng.

Nhiều người do đó có cơ sở để tin tưởng việc cắt giảm thuế sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa cho nền kinh tế.


Việc làm

Tiếp theo là vấn đề việc làm. Đây là chủ đề nóng bỏng được tranh luận nảy lửa giữa ông Obama và ông Romney. Chiến lược của ông Obama có thể sẽ tiêu tốn khoảng 160 tỷ USD chỉ riêng cho các chương trình tạo việc làm công cộng hoặc thuê thêm giáo viên.

Ngoài tham vọng tạo khoảng 60.000 việc làm hàng năm trong lĩnh vực khai phá năng lượng hóa thạch, ông Obama tham vọng đào tạo khoảng 2 triệu người thất nghiệp dài hạn cũng như tạo ra 1,3 triệu việc làm trong lĩnh vực công và thuê khoảng 1,5 triệu giáo viên cho các bang, theo số liệu của liên đoàn lao động Mỹ.

Ngay trước cuộc bầu cử, ngày 2/11, số liệu cho thấy hơn 110.000 việc làm mới được tạo giúp tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm xuống còn 7,8% vào tháng 9. Dấu hiệu không thể tốt hơn cho những cử tri yêu thích tổng thống Obama và chính sách tạo việc làm của ông.

Nền kinh tế Mỹ được mong đợi sẽ tăng trưởng mức 2% hàng năm khi việc làm giữ được mức ổn định như hiện tại hoặc tốt hơn.

Tài chính

Tài chính cũng là vấn đề được giới ngân hàng, những người làm việc tại phố Wall và nhà đầu tư quan tâm khi tổng thống Obama đắc cử. Không những vậy, hệ thống tài chính của Mỹ cũng thu hút nhiều sự chú ý từ khắp nơi trên thế giới.

Trong nhiệm kỳ mới của mình, ông Obama sẽ phải sửa sang và đưa vào áp dụng đạo luật Dodd-Frank để chi phối mạnh hơn thị trường tài chính Mỹ. Việc quan trọng nhất trong sửa đổi lại đạo luật này là quản lý lại thị trường tài chính phố Wall (Wall Street). Hoạt động của những tổ chức phi ngân hàng cũng được đưa vào tầm ngắm và yêu cầu phải tăng dự trữ bắt buộc.

Những đơn vị hoạt động bảo hiểm cũng bị giới hạn để không ảnh hưởng quá nhiều đến thị trường như vụ việc AIG từng phải được cứu trợ trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.


Khu vực ngân hàng cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của tổng thống Obama khi ông cho rằng hệ thống ngân hàng cần phải sử dụng tiền gửi của người dân một cách thận trọng hơn.

Cụ thể, các ngân hàng phải tách biệt ngân hàng đầu tư và ngân hàng thông thường một cách rõ ràng khi các quỹ phòng hộ không được phép sử dụng cho mục đích vì lợi nhuận của ngân hàng thông thường.

Những tổ chức xếp hạng tín dụng cũng được yêu cầu điều chỉnh hoạt động. Thực tế năm 2008 cho thấy nhiều chứng khoán phái sinh dù được xếp hạng tín nhiệm cao nhất mức AAA cũng đã nhanh chóng đi vào phá sản. Dạng chứng khoán phái sinh này đã được tái cấu trúc để nhận được tín nhiệm hạng cao nhất, theo như Bloomberg đã từng đưa tin.

Vì lẽ đó, thị trường chứng khoán phái sinh sẽ được quản lý chặt chẽ và nghiêm khắc để tránh đổ vỡ buộc chính phủ Mỹ phải đảm bảo số tiền lên tới hơn 12 nghìn tỷ USD dành cho việc cứu trợ so với 15 nghìn tỷ USD GDP Mỹ.

Hi vọng rằng thế giới sẽ không gặp cú sốc như năm 2008 mà tập trung hơn nữa vào giải quyết vấn đề nợ công châu Âu.

Ngoài những vấn đề trên, các vấn đề liên quan tới y tế, ngoại giao, quân sự và chi tiêu chính phủ cũng sẽ làm tổng thống mới đau đầu. Tuy nhiên, có một điều có thể hi vọng là nước Mỹ đang trên đà hồi phục để giúp thế giới có thêm động lực phát triển khi đây là khu vực tiêu dùng lớn nhất thế giới.

Nguồn Khampha


Sự kiện