Chủ Nhật | 08/07/2012 13:14

Những thành phố mất hàng tỷ USD bởi biến đổi khí hậu

Hiện trên thế giới có hơn 130 thành phố phải đối mặt với các trận bão lụt nghiêm trọng do hiện tượng nóng lên toàn cầu và do địa thế thấp.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, đến năm 2050, ước tính có khoảng 6 tỷ người sinh sống tại các thành phố. Các thành phố cảng lớn trên thế giới sẽ phải đối mặt với thách thức khi dân số tăng lên.

Ước tính trên thế giới có hơn 130 thành phố có nguy cơ phải đối mặt với các trận bão lụt nghiêm trọng do hiện tượng nóng lên toàn cầu và do địa thế thấp dưới mực nước biển của khu vực địa phương. Bên cạnh đó, quy hoạch yếu kém đã và đang đẩy nhiều người vào các khu vực có nguy cơ bị đe dọa lũ lụt.

Theo số liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), ước tính có khoảng 3 nghìn tỷ USD tài sản đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu. Đến năm 2070, con số này sẽ lên đến 35 nghìn tỷ USD.

Dưới đây là 20 thành phố cảng dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, xếp hạng theo lượng tài sản có nguy cơ bị thiệt hại từ thấp tới cao:

20. Thành phố Alexadria, Ai Cập

Số tài sản bị đe dọa vào năm 2005: 28,5 tỷ USD
Số tài sản dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 563.3 tỷ USD
Dân số bị đe dọa vào năm 2005: 1,3 triệu
Dân số dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 4,4 triệu

a

Đồng bằng sông Nile là vùng đất nông nghiệp trù phú và có địa thế thấp. Nơi đây còn được sử dụng cho nhiều mục đích khác như du lịch và vận chuyển. Theo báo cáo từ Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc năm 2010, gần một nửa người dân Alexandria đang bị đe dọa bởi địa thế thấp của khu vực này. Báo cáo cho biết khoảng 1/5 ngành kinh doanh công nghiệp du lịch và một nửa các khu công nghiệp phức hợp sẽ bị ảnh hưởng bởi mức nước dâng cao.

Hội đồng quốc gia Ai Cập mới đây đã thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát tốt hơn các khu vực ven biển cùng các chiến lược thích nghi với biến đổi khí hậu để giám sát bờ biển, bảo vệ và chống lại sự xâm nhập của nước mặn vào khu vực nước ngọt phục vụ cho nông nghiệp, đồng thời tạo những rào cản vật lý chống lại việc nước biển dâng cao.

19. Bờ biển Virginia, bang Virginia, Mỹ

Số tài sản bị đe dọa vào năm 2005: 84,6 tỷ USD
Số tài sản dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 581,1 tỷ USD
Dân số bị đe dọa vào năm 2005: 407 nghìn
Dân số dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 794 nghìn

s

Bờ biển Virginia, với chiều dài 60 dặm dọc bờ biển Đại Tây Dương của Mỹ, từ Boston đến Cape Hatteras, Bắc Carolina, là khu vực có mực nước biển dâng cao với tốc độ gấp 3-4 lần so với trung bình toàn cầu, theo một nghiên cứu hồi cuối tháng trước trên tờ Tạp chí Biến đổi khí hậu.

Những nguy cơ của bờ biển Virginia và bờ biển phía Đông Nam Đại Tây Dương cũng được trình bày chi tiết trong báo cáo của chính phủ Mỹ năm 2009 về biến đổi khí hậy. Trong đó dự báo, cường độ các cơn bão từ Đại Tây Dương có khả năng gia tăng trong thế kỷ này. Cường độ mưa, tốc độ gió cùng sức mạnh của các cơn bão cũng mạnh hơn rất nhiều.

Ngay cả khi các cơn bão không gia tăng cường độ, tình trạng ngập lụt ven biển và sự rút lui của bờ biển sẽ tăng lên khi mực nước biển dâng cao hơn do khí hậu nóng lên.

18. Thanh Đảo, Trung Quốc

Số tài sản bị đe dọa vào năm 2005: 2,7 tỷ USD
Số tài sản dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 601,6 tỷ USD
Dân số bị đe dọa vào năm 2005: 88 nghìn
Dân số dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 1,9 triệu

f

Trong số các thành phố trong danh sách, Thanh Đảo chắc hẳn có dân số tiếp xúc với các sự kiện khí hậu cực đoan tăng với tốc độ cao nhất, một nghiên cứu của OECD cho biết.

Mùa mưa kéo dài từ tháng 6 tới tháng 9 chiếm khoảng 75% tổng lượng mưa mỗi năm của Thanh Đảo, kèm theo từ 2 tới 3 cơn bão lớn. Các trận lũ trong năm 1990 và 2001 đã buộc thành phố phải phát triển hệ thống giám sát, phòng chống và cảnh báo.

17. Thành phố Nagoya, Nhật Bản

Số tài sản bị đe dọa vào năm 2005: 109,2 tỷ USD
Số tài sản dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 623,4 tỷ USD
Dân số bị đe dọa vào năm 2005: 696 nghìn
Dân số dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 1,3 triệu

f

Từ năm 1959, khi một cơn bão khiến 3.300 người tại tỉnh Aichi thiệt mạng, các nhà quy hoạch thành phố đã thực hiện kế hoạch đối phó với các thảm họa có thể xảy ra.

Thành phố Nagoya đã cho thiết kế bến tàu của mình thành một khu phòng chống thiên tai. Chính quyền địa phương cũng đặt ra các quy định về độ cao mặt sàn của các toà nhà để bảo vệ chúng khỏi những đợt sóng thủy triều và các thiên tai bão lũ khác.

16. Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Số tài sản bị đe dọa vào năm 2005: 26,9 tỷ USD
Số tài sản dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 652,8 tỷ USD
Dân số bị đe dọa vào năm 2005: 1,9 triệu
Dân số dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 9,2 triệu

d

Thành phố Hồ Chí Minh có chênh lệch so với mực nước biển khá thấp, do đó phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt nghiêm trọng từ các trận bão nhiệt đới hoặc ngoài biển. Theo một nghiên cứu năm 2010 từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), mô hình tăng trưởng của thành phố càng làm trầm trọng thêm tình hình.

Hiện tại, các ngân hàng đang tài trợ một dự án trị giá 2,5 triệu USD nhằm hỗ trợ một chương trình quốc gia về biến đổi khí hậu. Thành phố cũng có chương trình kiểm soát lũ lụt đô thị và đang thực hiện nâng cấp hệ thống thoát nước lưu vực kênh chính.

Chính phủ Việt Nam và các chính quyền địa phương cũng thực hiện các chương trình giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, riêng thành phố Hồ Chí Minh vẫn không có khả năng phát triển một cách có tính toán và kiểm soát. Theo ông Nguyễn Quang, quản lý tại Liên hiệp Quốc gia về định cư, cho đến nay thành phố Hồ Chí Minh vẫn may mắn khi chỉ gặp phải một vài trận lũ nhỏ, nhưng nếu một trận lũ lịch sử như ở Bangkok cuối năm ngoái xảy ra, hậu quả sẽ vô cùng to lớn.

15. Thành phố Rotterdam, Hà Lan

Số tài sản bị đe dọa vào năm 2005: 114,9 tỷ USD
Số tài sản dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 825,7 tỷ USD
Dân số bị đe dọa vào năm 2005: 732 nghìn
Dân số dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 1,4 triệu

d

Hà Lan từ lâu vốn nổi tiếng là một quốc gia nằm thấp hơn mực nước biển. Bản thân tên gọi Hà Lan cũng mang nghĩa là "vùng đất thấp". Chính vì điều đó, quốc gia này cũng là một trong những nước đi đầu trong công tác phòng chống lũ lụt.

Thành phố Rotterdam, cách 40 dặm từ bờ biển Bắc Hải của Hà Lan, đang phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt ngày vang tăng do tình trạng biến đổi khí hậu. Trong 50 năm qua, theo Sáng kiến Khí hậu Rotterdam, sự phát triển của thành phố càng làm gia tăng nguy cơ trên.

Mới đây, thành phố đã mạnh dạn thực hiện chương trình đối phó với biến đổi khí hậu đến năm 2025 nhằm tăng cường bảo vệ thành phố khỏi lũ lụt bằng việc sử dụng các kiến trúc thay thế và quy hoạch thành phố kết hợp với nâng cấp cơ sở hạ tầng nước sạch, vệ sinh môi trường.

14. Thành phố Amsterdam, Hà Lan

Số tài sản bị đe dọa vào năm 2005: 128,3 tỷ USD
Số tài sản dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 843,7 tỷ USD
Dân số bị đe dọa vào năm 2005: 839 nghìn
Dân số dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 1,4 triệu

g

Đầu năm 1953, một trận bão biển dữ dội đã đổ bộ vào Hà Lan, cướp đi sinh mạng của 1.836 người và khiến 100.000 người khác phải sơ tán. Hiện tại, ở Hà Lan có khoảng 150 đê điều, vũ khí chính bảo vệ họ trước tình trạng mực nước biển dâng cao.

Thành Amsterdam đã có lịch sử hàng trăm năm chống chọi với lũ lụt. Những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy này chính là nền tảng cho kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu.

13. Thành phố Osaka - Kobe, Nhật Bản

Số tài sản bị đe dọa vào năm 2005: 215,6 tỷ USD
Số tài sản dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 969 tỷ USD
Dân số bị đe dọa vào năm 2005: 1,4 triệu
Dân số dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 2 triệu

v

Osaka có bờ biển dài 230km dọc theo Vịnh Osaka, nơi tập trung nhiều dân cư và các doanh nghiệp.

Trong năm 1934, một cơn bão lớn từng cướp đi sinh mạng của 3.000 người, phá hủy 43.000 ngôi nhà tại Osaka. Năm 1961, một cơn bão khác khiến 200 người thiệt mạng và 15.000 ngôi nhà bị phá hủy. Sau hai cơn bão, các kỹ sư thành phố đã xây dựng nhiều kè, hàng rào thép, 80 trạm bơm và 6 đập tràn.

Hiện Osaka phải đối mặt với nguy cơ nước biển dâng cao do tình trạng sụt lún mặt đất, gây ra bởi hoạt động hút nước ngầm phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

12. Thành phố New Orleans, bang Louisiana, Mỹ

Số tài sản bị đe dọa vào năm 2005: 233,7 tỷ USD
Số tài sản dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 1 nghìn tỷ USD
Dân số bị đe dọa vào năm 2005: 1,1 triệu
Dân số dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 1,4 triệu

ư

Những mối đe dọa với New Orleans từ lâu đã là huyền thoại. Tình trạng sụt lún làm giảm độ cao của thành phố so với mực nước biển. Những vùng nước ấm, mực nước biển dâng cao cùng hoạt động xây dựng các con kênh trong suốt chiều dài lịch sử đang đem đến cho bang Lousiana một kết quả đáng sợ: Vịnh Mexico đang nuốt dần khu vực miền Nam Lousiana với tốc độ tương đương 1 sân bóng đá mỗi giờ.

Trong suốt ba thập kỷ qua, chính quyền bang Lousiana đã cho triển khai các kế hoạch bảo vệ sườn phía Nam của bang chống lại sự mở rộng của Vịnh Mexico. Tầm quan trọng của các biện pháp này đã được nhận thức rõ ràng bởi người dân sau trận bão lịch sử Katrina hồi tháng 8/2005. Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể từ đó, song chính quyền liên bang và tiểu bang vẫn phải mất nhiều năm làm việc để triển khai các biện pháp phòng hộ dọc bờ biển.

11. Thành phố Ninh Ba, Trung Quốc

Số tài sản bị đe dọa vào năm 2005: 9,3 tỷ USD
Số tài sản dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 1,1 nghìn tỷ USD
Dân số bị đe dọa vào năm 2005: 299 nghìn
Dân số dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 3,3 triệu

f

Vốn là một hải cảng nằm ở phía Đông Nam Trung Quốc, Ninh Ba có độ cao khá thấp so với mực nước biển và là một trong những thành phố có lượng tài sản bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu lớn nhất theo xếp hạng của OECD.

Thành phố Ninh Ba rất dễ bị lũ lụt, do đó chính quyền thành phố đã ban hành nhiều quy định mới trong năm 2000 và sửa đổi vào năm 2004. Ninh Ba cũng là thành phố đầu tiên ở Trung Quốc tham gia chương trình khí hậu của Ngân hàng Thế giới (WB).

10. Thủ đô Bangkok, Thái Lan

Số tài sản bị đe dọa vào năm 2005: 38,7 tỷ USD
Số tài sản dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 1,1 nghìn tỷ USD
Dân số bị đe dọa vào năm 2005: 907 nghìn
Dân số dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 5,1 triệu

f

Được xây dựng và phát triển từ thế kỷ 14, thủ đô Bangkok của Thái Lan đã được chuyển mục đích sử dụng từ hải cảng thương mại sang phục vụ hoạt động du lịch. Bangkok thường được ví như Vernice của châu Á với hệ thống kênh rạch phức tạp kết nối với sông Chao Phraya.

Tháng 7/2011, thảm họa lũ lụt khiến Thái Lan thiệt hại tới 45 tỷ USD, bao gồm cả các khu vực công nghiệp ô tô và công nghệ.

9. Hong Kong, Trung Quốc

Số tài sản bị đe dọa vào năm 2005: 35,9 tỷ USD
Số tài sản dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 1,2 nghìn tỷ USD
Dân số bị đe dọa vào năm 2005: 223 nghìn
Dân số dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 687 nghìn

g

Hong Kong có đường bờ biển kéo dài 450 dặm, ba mặt giáp biển Nam Trung Hoa và sông Thâm Quyến, đường biên giới tự nhiên của thành phố với đại lục.

Trong biên giới Hong Kong có khoảng 19 dặm vuông nước, chiếm 5% diện tích bề mặt của thành phố. Ước tính từ năm 1954 tới 2011, mực nước tại Vịnh Victoria Habor tăng trung bình 28 mm mỗi thập kỷ.

8. Thủ đô Tokyo, Nhật Bản

Số tài sản bị đe dọa vào năm 2005: 174,3 tỷ USD
Số tài sản dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 1,2 nghìn tỷ USD
Dân số bị đe dọa vào năm 2005: 1,1 triệu
Dân số dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 2,5 triệu

f

Sự giàu có của Tokyo giúp chính quyền có thể xây dựng biện pháp bảo vệ tối ưu giúp giúp thành phố thoát khỏi trận lũ lụt lịch sử trong một thiên niên kỷ qua. Theo đánh giá, biện pháp này vượt xa các biện pháp đang được các thành phố hàng đầu thế giới áp dụng, bao gồm cả New York.

7. Thiên Tân, Trung Quốc

Số tài sản bị đe dọa vào năm 2005: 29,6 tỷ USD
Số tài sản dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 1,2 nghìn tỷ USD
Dân số bị đe dọa vào năm 2005: 956 nghìn
Dân số dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 3,8 triệu

d

Lũ lụt nghiêm trọng có thể tàn phá nặng nề kinh tế Thiên Tân. Hiện tại, Thiên Tân đang sở hữu khu vực sản xuất có tốc độ tăng trưởng nhanh, chiếm một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thành phố. Bên cạnh đó, Thiên Tân còn có một nhà máy lắp ráp máy bay A320 của Airbus. Thành phố này còn sở hữu những dải đất nông nghiệp lớn và hơn 1 tỷ tấn dầu khí.

Trong tháng 5, chính quyền thành phố đã ban hành kế hoạch phòng chống lũ và hạn hán, giúp nâng cao năng lực thoát nước của khu vực trung tâm. Trước đó, Thiên Tân chưa hề có kinh nghiệm đối phó với lũ lụt cho đến khi xảy ra trận lụt lịch sử tại lưu vực sông Haihe năm 1963.

6. Mumbai, Ấn Độ

Số tài sản bị đe dọa vào năm 2005: 46,2 tỷ USD
Số tài sản dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 1,6 nghìn tỷ USD
Dân số bị đe dọa vào năm 2005: 2,8 triệu
Dân số dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 11,4 triệu

ư

Với độ cao trung bình 46 feet so với mực nước biển, Mumbai từng là một làng đánh cá nhỏ trước khi phát triển thành thủ đô thương mại và giải trí của Ấn Độ. Mỗi năm, hệ thống thoát nước cũ kỹ của thành phố lại phải oằn mình chịu đựng những trận mưa lớn. Hầu hết các cống của Ấn Độ đều thông với đại dương, kết hợp với sự thiếu hụt các cửa chắn lũ làm tăng nguy cơ nước biển tràn vào thành phố trong thời gian thủy triều dâng cao.

Ước tính mỗi năm, thành phố thiệt hại khoảng 15,5 tỷ rupee (280 triệu USD) do lũ lụt. Theo một kỹ sư hàng đầu của thành phố, kế hoạch mở rộng và cải tạo các tuyến đường thủy, xây dựng thêm các tường chắn lũ và các trạm bơm kéo dài 20 năm của Chính phủ Ấn Độ hiện đã hoàn thành một nửa và dự kiến sẽ hoàn tất trong vài năm tới.

5. Thượng Hải, Trung Quốc

Số tài sản bị đe dọa vào năm 2005: 72,9 tỷ USD
Số tài sản dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 1,8 nghìn tỷ USD
Dân số bị đe dọa vào năm 2005: 2,4 triệu
Dân số dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 5,5 triệu

e

Với vị thế là thủ đô tài chính của Trung Quốc, thành phố khu vực đồng bằng sông Dương Tử này hoàn toàn đủ khả năng xây dựng hệ thống phòng chống lũ lụt tiên tiến như của London.

Ở Thượng Hải, mùa mưa bắt đầu vào đầu mùa hè khiến mực nước tại trung và hạ lưu sông Trường Giang tăng mạnh. Tháng 8/1997, thành phố từng hứng chịu một cơn bão nặng nề, gây thiệt hại tới 600 triệu nhân dân tệ (94 triệu USD), khiến 170 tuyến đường bị tê liệt. Hai năm sau đó, Thượng Hải tiếp tục phải gánh chịu thêm 8 trận bão lớn nữa, điều đó thúc đẩy chính quyền thành phố gấp rút xây dựng hệ thống thoát nước, nâng cao năng lực thoát nước tới 56 mm tại các khu vực trung tâm, đồng thời thực hiện làm sách đường ống thoát nước hai lần một năm.

4. Kolkata, Ấn Độ

Số tài sản bị đe dọa vào năm 2005: 32 tỷ USD
Số tài sản dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 2 nghìn tỷ USD
Dân số bị đe dọa vào năm 2005: 1,9 triệu
Dân số dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 14 triệu

g

Kolkata, thành phố có GDP lớn thứ 3 tại Ấn Độ, nằm gần Sunderbans, đồng bằng lớn nhất thế giới và cũng dễ bị lũ lụt vào mùa mưa hàng năm, bắt đầu vào tháng 9. Hệ thống thoát nước ở thủ đô cũ của Ấn Độ có tuổi thọ 140 năm tuổi và chỉ có khả năng thoát nước cho 50% khu vực trong thành phố.

Mới đây, ngân ADB đã hỗ trợ 400 triệu USD giúp nâng cấp hệ thống cống ngầm và công rãnh của Kokata. Ngoài ra, kế hoạch này cũng giúp làm sách hệ thống kênh rạch và di dời những cư dân lấn chiếm lòng sông. Dự án này ban đầu dự kiến hoàn tất vào năm 2007, song hiện tại đang bước vào giai đoạn hoàn thành.

3. Thành phố New York và Newark, Mỹ

Số tài sản bị đe dọa vào năm 2005: 320,2 tỷ USD
Số tài sản dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 2,1 nghìn tỷ USD
Dân số bị đe dọa vào năm 2005: 1,5 triệu
Dân số dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 2,9 triệu

d

New York là thành phố giàu thứ hai trong danh sách này, song các biện pháp bảo vệ thành phố trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lại kém xa so với các thành phố lớn khác như London, Tokyo, Amsterdam hay Thượng Hải, OECD cho biết.

2. Thành phố Quảng Châu, Trung Quốc

Số tài sản bị đe dọa vào năm 2005: 320,2 tỷ USD
Số tài sản dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 2,1 nghìn tỷ USD
Dân số bị đe dọa vào năm 2005: 1,5 triệu
Dân số dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 2,9 triệu

e

Quảng Châu là trung tâm hàng đầu của Trung Quốc về vận chuyển, sản xuất và thương mại. Thành phố này nằm trên sông Pearl, cách Hong Kong 75 dặm về phía Tây Bắc.

Những trận mưa dữ dội đã khiến 86 người thiệt mạng và ảnh hưởng tới cuộc sống của 8 triệu người dân Quảng Châu trong năm 2010. Cơn bão tồi tệ nhất trong 30 năm qua cũng khiến thành phố thiệt hại tới 540 triệu nhân dân tệ (85 triệu USD).

Trong năm 2011, Quảng Châu đã ban hành kế hoạch khẩn cấp để bảo vệ một cách có hiệu quả chống lại lũ lụt và bão.

1. Thành phố Miami, bang Florida, Mỹ

Số tài sản bị đe dọa vào năm 2005: 416,3 tỷ USD
Số tài sản dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 3,51 nghìn tỷ USD
Dân số bị đe dọa vào năm 2005: 2 triệu
Dân số dự kiến bị đe dọa vào năm 2070: 4,8 triệu

ư

Một chương trình khoa học mang tên Unchained Goddess năm 1958 từng dự đoán rằng lượng khí thải carbon dioxide có thể làm tan chảy băng vùng cực, nâng mực nước biển và nhấn chìm Miami dưới 150 feet nước. Mặc dù những dự đoán này khá hoang đường, song khu vực Đông Nam bang Florida hiện là đối tượng hàng đầu bị ảnh hưởng bởi biến đối khí hậu.

Năm 1992, cơn bão Andrew khiến nước Mỹ thiệt hại tới 25 tỷ USD và buộc các bang phải xem xét lại và đưa ra quy chuẩn mới trong xây dựng và quản lý bão lũ.

Quận Miami-Dade hiện đang hợp tác với 4 quận khác ở phía Đông Nam bang Florida để thống nhất cách phản ứng trước những tác động trong tương lai của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, thành phố Miami, trong đó bao gồm cả một quận tài chính trung tâm, dường như lại không mấy mặn mà với kế hoạch này.

Nguồn Bloomberg/DVT


Sự kiện