Chủ Nhật | 13/05/2012 13:30

Nhật Bản - Thị trường tiềm năng mới của Trung Quốc

Các công ty Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư vào Nhật Bản và thuyết phục người tiêu dùng nước này sử dụng các sản phẩm của Trung Quốc.
Câu hỏi được đặt ra là, một Nhật Bản với nền kinh tế ngày càng thu hẹp, tăng trưởng giảm, dân số lão hóa nhanh chóng có gì hấp dẫn Trung Quốc đến vậy?

Trước hết, nền kinh tế trị giá 5,9 nghìn tỷ USD của Nhật Bản vẫn là nền kinh tế lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc. Do đó, thị trường Nhật Bản vẫn có sức tiêu thụ rất lớn. Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc cho rằng thị trường Nhật Bản không hề thu hẹp như nhiều người lầm tưởng.

Bên cạnh đó, nền tảng tại Nhật Bản có thể giúp các công ty Trung Quốc nâng tầm thương hiệu của họ lên cấp độ toàn cầu. Việc phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và công nghệ của các công ty Nhật Bản buộc các công ty Trung Quốc phải mạnh mẽ hơn và phát triển thị trường nhanh hơn.

Hiện tại, các công ty Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Một trong số đó là việc người tiêu dùng Nhật Bản không quen với các thương hiệu Trung Quốc. Mỗi khi nhắc tới hàng hóa Trung Quốc, người Nhật có xu hướng liên tưởng đến các sản phẩm bán với giá rẻ. Tuy nhiên, với áp lực tăng lương từ quê nhà, các công ty Trung Quốc không thể dựa vào giá rẻ để xâm chiếm thị phần tại Nhật Bản.

Để khắc phục vấn đề này, các công ty Trung Quốc đã kết hợp với các nhà sản xuất Nhật Bản tạo ra các dòng sản phẩm mới với thương hiệu riêng. Chẳng hạn, Haier đang bán loại máy giặt với thương hiệu riêng do hãng Sanyo của Nhật Bản phát triển.

Một khó khăn khác đó là, các công ty Trung Quốc vẫn còn phải dựa khá nhiều vào Nhật Bản để sản xuất máy móc và linh kiện, điều này càng khiến áp lực đối với thâm hụt thương mại tăng cao.

Năm ngoái, thâm hụt thương mại của Trung Quốc tại Nhật Bản lên tới 19 tỷ USD, một phần nguyên nhân là do Trung Quốc phải nhập khẩu máy móc và các chi tiết máy sản xuất tại Nhật Bản.

Nhà kinh tế tại Daiwa Capital Markets, ông Kevin Lai cho rằng: "Nhật Bản có lợi thế lớn về cạnh tranh đối với các loại hàng hóa chất lượng cao. Đó là điều mà các công ty Trung Quốc không thể thay đổi một sớm một chiều, trừ khi họ có thể đổi mới."

Bất chấp những khó khăn, người Trung Quốc có lý do để hy vọng vào việc kiếm lời ở thị trường Nhật Bản. Năm ngoái, thâm hụt tại Nhật Bản của các công ty Trung Quốc đã giảm một nửa so với năm 2010. Hơn nữa, triển vọng thua lỗ của những nhà sản xuất lớn của Nhật Bản như Panasonic và Sharp đang tạo cơ hội cho các sản phẩm Trung Quốc thâm nhập sâu hơn vào nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á.

Một số công ty Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh thuyết phục người tiêu dùng Nhật Bản gạt bỏ những nghi ngờ và cho các sản phẩm của Trung Quốc một cơ hội. Trong tháng 4 năm nay, nhà sản xuất các "sản phẩm trắng" (như tủ lạnh, máy giặt, máy điều hòa) Haier của Trung Quốc đã mở một trung tâm nghiên cứu tại Kyoto. Động thái này là một phần trong kế hoạch tăng cường thúc đẩy thị trường lớn của Haier tại Nhật Bản. Nhà sản xuất máy tính Lenovo trong năm ngoái cũng đầu tư 175 triệu USD trong kế hoạch liên doanh với hãng NEC để bán máy tính tại Nhật Bản.

Việc thúc đẩy người tiêu dùng Nhật Bản mua các sản phẩm của Trung Quốc cũng nằm trong chương trình nghị sự gần đây giữa hai nước. Hôm qua 12/5, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã có buổi thảo luận về thương mại tự do giữa 3 nước.

Tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã có buổi hội đàm cùng người đồng cấp Nhật Bản Yoshihiko Noda tại Bắc Binh về việc thúc đẩy thương mại hai nước, bằng cách khuyến khích việc sử dụng đồng tiền của hai nước để giao dịch thay cho đồng USD.

Nguồn Businessweek/DVT


Sự kiện