wp.com

 
Khánh Đoan Thứ Hai | 21/08/2017 12:30

Nhà cao tầng: Quá cao, quá nguy hiểm?

Dù có nhiều giải pháp được đưa ra cho vấn đề hỏa hoạn nhà cao tầng, nhưng không có giải pháp nào có thể là câu trả lời luôn luôn đúng.

Sau nửa đêm 14.6, đội cứu hỏa của London đã được gọi đến dập tắt một ngọn lửa ở Grenfell Tower, một tòa nhà căn hộ 24 tầng được xây vào thập niên 1970. Ngay lập tức, 250 lính cứu hỏa đã có mặt. Nhưng cơn bão lửa quá dữ dội, nhiều giờ sau đó lan nhanh cả 3 phía và nuốt trọn gần như mọi thứ ở bên trong tòa nhà. Các tầng trên cao tiếp tục cháy cho đến chiều. Một tuần sau đó, số người xác nhận đã chết, mất tích hoặc cho rằng đã chết lên tới 79 người.

Trận hỏa hoạn này đáng lẽ không thể xảy ra. Bởi chạy thoát khỏi các tòa nhà cao tầng là rất khó, nên hệ thống an toàn cháy nổ nghiêm ngặt tất nhiên phải được thiết kế và lắp đặt kỹ lưỡng. Dù vì lý do gì dẫn đến hỏa hoạn thì những thảm họa như tại Grenfell đã khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu các tòa nhà cao tầng khác ở Anh cũng như trên thế giới liệu có gặp rủi ro tương tự.

Ở Đông Á, Đông Âu và châu Mỹ, các tòa nhà cao tầng là hình ảnh thường thấy và sẽ phổ biến hơn ở những khu vực khác khi tốc độ đô thị hóa và tầng lớp người giàu tăng nhanh. Theo Liên hiệp Quốc, vào năm 2050, 2/3 dân số sẽ là người thành thị. Nhiều người sẽ sống và làm việc trong các tòa tháp, trong bối cảnh quỹ đất đắt đỏ và khan hiếm.

Nhờ các biện pháp phòng cháy đúng đắn, theo Tiến sĩ Daniel Nilsson thuộc Đại học Lund (Thụy Điển), các tòa nhà cao tầng ít nhất có thể an toàn giống như các tòa nhà khác. Trung bình mỗi năm Singapore - đất nước có 5,6 triệu dân và hầu hết sống trong các tòa nhà cao tầng - chỉ có một số ca tử vong.

Các kỹ sư và kiến trúc sư đã đưa ra 2 cách giúp các tòa nhà cao tầng an toàn hơn. Thứ nhất là hệ thống ngăn lửa bùng phát hoặc hạn chế lửa lan tràn. Thứ hai là sơ tán, đảm bảo cư dân trong tòa nhà có thể thoát ra ngoài nhanh chóng và an toàn. Biện pháp ngăn lửa cơ bản nhất được sử dụng trong gần như tất cả các tòa nhà là hệ thống ngăn, tức sử dụng các bức tường dày và chất liệu chống lửa để phân chia tòa nhà thành các khu vực cách ngăn, như vậy cho dù lửa có bùng lên thì cũng không lan nhanh. Trong những tòa nhà dân cư, mỗi căn hộ là một khu vực ngăn riêng và các quy định trong tòa nhà ghi rõ mỗi khu vực ngăn chống cự lửa được bao lâu trước khi lửa lan sang các căn hộ kế cận hoặc các tầng kế cận (thường 1 giờ).

Hệ thống ngăn như vậy thường là có tác dụng. Trong hàng trăm vụ cháy ở các căn hộ London mỗi năm, ít có trận hỏa hoạn nào lan ra ngoài. Nhưng trong trường hợp hệ thống này thất bại thì số người tử vong khó có thể nói được. Nó có thể xảy ra theo nhiều cách: rủi ro nằm ở các đường ống dẫn nhiệt, nước, điện… được lắp đặt trong các khu vực ngăn. Nâng cấp tùy tiện có thể khiến cho lửa lan sang nơi khác. Những tòa nhà cũ hơn, bị cải tạo nhiều đặc biệt có nguy cơ cao.

Theo Edwin Galea, điều hành Fire Safety Engineering Group tại Đại học Greenwich, các quy định an toàn phòng cháy chữa cháy của Anh (ít nhất trong quá khứ) chủ yếu dựa vào hệ thống ngăn. Chính niềm tin vào hệ thống ngăn là lý do vì sao nhiều cư dân của Grenfell được khuyên cứ yên vị trong căn hộ trong một thời gian sau khi trận lửa bùng phát. Chiến lược này được gọi là “phòng vệ tại chỗ”, dựa vào vách ngăn và trong trường hợp vách ngăn kiên cố thì việc yên vị trong nhà có lẽ sẽ an toàn hơn là chạy ra khỏi tòa nhà đầy khói và sức nóng. Nó cũng giúp cho cầu thang thoát hiểm được thông suốt, nghĩa là đội cứu hỏa có thể tiếp cận khu vực cháy nhanh chóng hơn.

Ở hầu hết các nước khác, các hệ thống như vậy rất thường thấy. Những nơi khác thì coi trọng giải pháp thứ hai hơn: thoát khỏi tòa nhà, thường là đối với những tòa nhà cao tầng có ít nhất 2 thang bộ, đặt cách xa nhau. Thang bộ được thiết kế như các khu vực cách ngăn có khả năng chống cháy và giữ khói ở bên ngoài.

Nha cao tang: Qua cao, qua nguy hiem?

Nhưng nghiên cứu được công bố vào năm 2013 bởi các học giả ở Đại học Edinburgh phân tích dữ liệu từ 50 trận hỏa hoạn ở các tòa cao ốc trên khắp thế giới cho thấy, một lượng khói đáng kể vẫn rất thường xuyên lan vào khu vực thang bộ trong khi cư dân đang thoát ra khỏi tòa nhà bằng con đường này. Vào năm 1980, một trận hỏa hoạn ở khách sạn MGM Grand tại Las Vegas đã gây ra cái chết cho 85 người. Hầu hết là tử vong ở các cầu thang bộ ngập khói.

Sơ tán lượng lớn cư dân khỏi một tòa nhà cao tầng là việc vô cùng khó. Vấn đề ngày càng trở nên nghiêm trọng vì thế giới hiện không chỉ xây dựng nhiều tòa nhà cao tầng hơn, mà còn xây nhiều tầng hơn. Khi số tầng được gia tăng thêm, càng mất nhiều thời gian hơn để sơ tán người dân bằng cầu thang bộ. Trong các tòa nhà cao nhất thế giới, mất ít nhất 1 tiếng đồng hồ thậm chí hơn, có thể so sánh với lượng thời gian mà một tòa nhà có thể chống đỡ được tốc độ làn tràn của trận hỏa hoạn. Càng phức tạp hơn là cư dân ở nhiều thành phố lớn trở nên già hơn và béo hơn, ít vận động hơn, vì thế sơ tán cũng càng chậm chạp. Đó là chưa kể người tàn tật không thể dùng thang bộ.

Vì thế, các kỹ sư hiện đang nghiên cứu những cách khác để sơ tán người dân ra khỏi tòa nhà. Một ý tưởng là từ bỏ quy định an toàn cháy nổ từ hàng thập niên, đó là khuyến khích cư dân trong các tòa nhà cao tầng sơ tán bằng cách đi thang máy. Các nghiên cứu chỉ ra sử dụng thang máy có thể đẩy nhanh quá trình sơ tán tới 2/3. Các kỹ sư biết cách thiết kế các thang máy chống cháy, như lắp đặt các trục thang máy chống khói để khi thang máy vận hành lên xuống sẽ không kéo theo khói, cũng như biết cách bật nguồn điện dự phòng... trong trường hợp xảy ra cháy. Một số tòa nhà cao tầng, trong đó có tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa 828m ở Dubai, cũng đã có những thang máy sơ tán như vậy.

Các tầng tị nạn cũng là một ý tưởng khác. Đây là những khu vực “siêu cách ly”, là những tầng không có người ở được thiết kế cho mục đích ngăn lửa trong những trường hợp lửa lan ra lâu hơn nhiều so với thông thường. Chúng thường là khu vực có không gian mở ra bên ngoài để khói không tích tụ một chỗ. Những người tàn tật, bị thương hoặc những ai cách xa ngọn lửa nhất mà chưa cần sơ tán gấp thì có thể nấp ở những tầng này, chờ đến khi thang bộ được thông suốt hoặc đội cứu hộ đến. Nhiều nơi trên thế giới trong đó có Hồng Kông, Ấn Độ, Singapore và Hàn Quốc cũng yêu cầu có thêm những tầng như vậy trong các tòa cao tầng có một độ cao nhất định.

“Những cây cầu trên trời” nối giữa 2 hoặc nhiều hơn các tòa tháp cao tầng cũng là một lựa chọn khả dĩ. Nhờ những cây cầu này, cư dân sống ở các tầng phía trên cây cầu có thể băng qua và sơ tán vào một tòa nhà an toàn. Cây cầu nối 2 tòa tháp đôi Petronas ở Kuala Lumpur cũng là nhằm giúp sơ tán cư dân trong trường hợp hỏa hoạn. Trong khi đó, Ấn Độ yêu cầu các tòa nhà cao nhất phải có bãi đáp cho trực trăng ở trên mái, nhưng Tiến sĩ Nilsson cho rằng đó không phải là ý tưởng hay. “Trực thăng thì nhỏ và chậm. Và nó có thể khó đáp xuống khi xung quanh là khí nóng tỏa ra từ một tòa nhà đang cháy”.

Dù có nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng không có giải pháp nào có thể là câu trả lời cho mọi vấn đề. Lấy ví dụ, hệ thống phun nước có thể giúp dập hỏa hoạn nhưng một trận hỏa hoạn ở Melbourne năm 2014 bắt đầu ở một ban công và chỉ lan vào trong tòa nhà một khi ngọn lửa bùng lên, nhưng đến lúc đó hệ thống phun nước cũng không thể khống chế được ngọn lửa. Giải pháp “phòng vệ tại chỗ” đã nói ở trên thường là một cách tốt nhưng một khi thất bại thì hậu quả thật khó lường. Theo Tiến sĩ Nilsson, cách tiếp cận tốt nhất là “phòng vệ sâu”, tức là nghĩ ra nhiều giải pháp an toàn mà mỗi một giải pháp có thể bù đắp vào sơ hở của giải pháp kia.

Nhưng những giải pháp và quy định chống hỏa hoạn tốt nhất cũng sẽ vô dụng nếu không được nghiêm túc áp dụng do thiếu cảnh giác hoặc làm qua loa. Cư dân ở tòa nhà Grenfell, trước khi xảy ra hỏa hoạn, đã từng than phiền rất nhiều lần về bảo trì kém, điện áp tăng vọt do đường dây kém chất lượng và xe đậu ở những khu vực mà đáng lý phải được để trống nhằm phòng trường hợp khẩn cấp.

Khánh Đoan

Nguồn The Economist