Chủ Nhật | 22/07/2012 06:38

Người Nhật Bản quay lưng với gạo truyền thống do khủng hoảng

Thu nhập giảm, lo sợ phóng xạ khiến ngày càng nhiều người Nhật Bản vốn nổi tiếng trung thành gạo truyền thống chuyển sang các sản phẩm của nước ngoài.
Kana Saito, một nhân viên bán thời gian đi mua sắm ở Walmart cho biết trước đây không nhiều người Nhật tính tới chuyện mua gạo nhập khẩu, nhưng mọi chuyện có thể thay đổi từ giờ. Cô Saito muốn mua 2kg gạo từ Trung Quốc nhưng đã hết hàng.

4 tháng qua, Walmart bắt đầu bán gạo giá rẻ nguồn gốc Trung Quốc ở Nhật, và nhiều cửa hàng của hãng bán lẻ lớn nhất Mỹ luôn trong tình trạng thiếu hàng. Trong khi đó, Beisa, một nhà cung ứng ở Nhật Bản lần đầu tiên bán gạo Trung Quốc trong năm và cũng nhanh chóng hết hàng.

Các nhà hàng sushi của Kappa Create bắt đầu bán gạo trồng ở California, trong khi Matsuya, một trong những nhà cung ứng gạo và thịt bò lớn nhất Nhật Bản, vừa giới thiệu gạo lai giữa gạo Nhật và Australia. Daikokuten Bussan, quản lý một loạt cửa hàng giảm giá khắp nước Nhật cũng cho biết sẽ nhập gạo nước ngoài nếu tìm được nguồn cung ổn định.

Theo khảo sát 60 công ty thực phẩm Nhật Bản của tạp chí Nikkei, 70% cho rằng họ muốn dùng gạo nhập khẩu nếu có.

Thu nhập giảm, lo sợ phóng xạ từ thảm họa hạt nhân ở Fukushima năm ngoái, vốn là 1 trong những khu vực sản xuất gạo lớn của Nhật đang khiến một lượng nhỏ nhưng đang tăng lên các khách hàng và doanh nghiệp Nhật Bản quay lưng lại với sản phẩn gạo nội địa chất lượng cao, đắt đỏ của mình, chuyển sang sản phẩm thay thế rẻ hơn từ Trung Quốc, Australia và Mỹ.

Sau thảm họa hạt nhân năm ngoái, Chính phủ Nhật Bản và nông dân khu vực bị ảnh hưởng đã nỗ lực khắc phục hậu quả. Các nhà chức trách cũng lên tiếng đảm bảo gạo khu vực an toàn, tuy nhiên điều này có vẻ không đủ với người tiêu dùng ở đây.

Lo ngại lớn hơn là từ kinh tế giảm phát của Nhật Bản, ảnh hưởng tới thu nhập người dân 10 năm qua và khiến họ ít trung thành hơn với các thương hiệu đắt tiền. Nghiên cứu năm ngoái của Viện nghiên cứu Japan-Cooperative General Research cho thấy doanh thu gạo nội địa chất lượng thấp tăng, trong khi doanh thu gạo thương hiệu đắt tiền hơn giảm.

Các chuyên gia cho biết người tiêu dùng trẻ thuộc tầng lóp trung lưu đang tìm kiếm các gạo giá thấp thay thế. Đồng thời, người Nhật trẻ cũng chuyển từ chế độ ăn truyền thống với gạo và cá, sang bánh mỳ, mì ống và pizza. Lượng gạo bình quân mỗi người Nhật ăn giảm xuống 1 nửa so với những năm 1960.

Yasuhiro Fujimoto, trưởng nghiên cứu tại Viện nghiên cứu trên cho rằng giảm phát kéo dài đồng nghĩa thu nhập giảm, và nhiều người Nhật bớt khó tính với gạo hơn.

Tới tận bây giờ, người tiêu dùng nội địa Nhật vẫn chấp nhận trả 5.000 yên, khoảng 62 USD cho 10kg gạo dính hạt ngắn Japonica, gấp gần 10 lần giá trung bình cho các loại gạo hạt dài phổ biến hơn trên thế giới. Thậm chí, năm 1993, mất mùa buộc Nhật nhập khẩu gạo, nhưng nhiều khách hàng nước này vẫn coi thường gạo nước ngoài.

20 năm sau, Walmart, Beisia, Matsuya và Kappa Create đều cho biết họ ít thấy khách hàng phàn nàn về gạo nước ngoài hơn. Điều này chứng tỏ đa phần khách hàng không để ý điều này nữa, Tetsuji Tanaka, phát ngôn viên của Matsuya nhận định.

Tuy nhiên tới giờ, Bộ Nông nghiệp Nhật Bản không có ý định tăng lượng nhập khẩu gạo, vốn khó lòng xâm nhập thị trường Nhật với mức thuế 778%. Từ năm 1995, Nhật nhập khoảng 700.000 tấn gạo miễn thuế hàng năm, phần lớn không phải cạnh tranh với gạo Nhật mà để dùng làm thức ăn chăn nuôi và cho các kho dự trữ khẩn cấp.

Một số gạo nhập khẩu được các nhà hàng bình dân sử dụng. Tuy nhiên nếu khách hàng muốn mua gạo nước ngoài nấu tại nhà, hay các nhà cung ứng lớn chuyển sang gạo nước ngoài, lại là một chuyển biến đáng kể, một quan chức Bộ này cho biết. Lượng gạo chính phủ Nhật Bản cho phép bán lẻ rất ít ỏi, chỉ có 10.000 tấn năm ngoái, theo số liệu của chính phủ, vô cùng nhỏ bé so với 9 triệu tấn gạo bán ở Nhật.

Việc người tiêu dùng và các doanh nghiệp Nhật Bản có gây sức ép tăng nhập khẩu gạo không vẫn chưa chắc chắn. Bên cạnh đó, những người vận động hành lang cho nông nghiệp Nhật Bản , vốn có ảnh hưởng chính trị lớn, vẫn phản đối mở cửa thị trường gạo. Tuy nhiên, chắc chắn việc trung thành với sản phẩm gạo nội địa giảm sẽ có tác động đáng kể tới Nhật Bản, 1 quốc gia mà chính trị, xã hội, kinh tế, và thậm chí cả bản sắc dân tộc gắn liền với trồng lúa.

Nguồn New York Times/ Khampha


Sự kiện