Giá cước vận chuyển hàng không cao ngất của tuyến Trung Quốc-Mỹ dự kiến ​​sẽ trở thành thông lệ mới. Ảnh: Reuters.

 
Hải Miên Thứ Ba | 30/04/2024 14:00

Người Mỹ "nghiện" hàng Trung Quốc giá rẻ khiến giá cước vận chuyển tăng vọt

Một báo cáo của quốc hội Mỹ từ tháng 6 năm ngoái ước tính Shein và Temu chịu trách nhiệm cho gần 600.000 gói hàng mỗi ngày đến Mỹ.

Việc giá vận chuyển hàng hoá đường hàng không từ Trung Quốc đến Mỹ tăng vọt đang đi ngược lại với xu hướng toàn cầu, điều này diễn ra trong bối cảnh các nhà bán lẻ thương mại điện tử Trung Quốc như Shein và Temu rút ngắn thời gian giao hàng, thúc đẩy nhu cầu trong thời điểm thương mại vốn trầm lặng nhất trong năm.

Shein và Temu của PDD Holdings vận chuyển hàng hóa trực tiếp từ các nhà máy Trung Quốc đến người tiêu dùng Mỹ bằng đường hàng không, một ngành vốn đang chịu áp lực do số lượng chuyến bay bị hạn chế. Điều này trái ngược với những gã khổng lồ thương mại điện tử của Mỹ như Amazon, vận chuyển từ các kho nội địa, nơi hàng tồn kho được vận chuyển bằng đường biển.

Nhu cầu ngày càng tăng của Mỹ đã đẩy giá cước hàng không từ Trung Quốc đến Mỹ trong tuần này tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, thường được xem là mùa thấp điểm. Giá cước trung bình toàn cầu giảm 8% trong cùng kỳ và giá cước vận chuyển hàng hóa từ Mỹ đến Trung Quốc giảm 29%.

 

Những người trong ngành cho biết giá cước vận tải hàng không trước đây đã giảm sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới ở Mỹ, nhưng sự gia tăng của các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc, đưa ra mức giá thấp cạnh tranh và thời gian vận chuyển nhanh chóng đã gây ra tình trạng thiếu công suất.

Một báo cáo của quốc hội Mỹ từ tháng 6 năm ngoái ước tính Shein và Temu chịu trách nhiệm cho gần 600.000 gói hàng mỗi ngày đến Mỹ.

Ông Brian Bourke, Giám đốc thương mại của SEKO logistics, cho biết: “Nếu nhu cầu duy trì như hiện nay thì quy IV, mùa lễ hội lớn của năm, sẽ thực sự khó khăn”.

Tuần này, hãng hàng không chở hàng Atlas Air đã bắt đầu khai thác 6 chuyến bay mỗi tuần giữa Mỹ và Trung Quốc với sự hợp tác của nhà giao nhận vận tải Trung Quốc YunExpress, bên cạnh dịch vụ 3 chuyến mỗi tuần giữa Miami và Hạ Môn, các công ty đã triển khai vào tháng 12 vừa qua để đáp ứng nhu cầu thương mại điện tử.

Công suất vận tải hàng không toàn cầu đã trở lại mức trước đại dịch vào năm ngoái, nhưng các tuyến đường được nhiều người trông đợi giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn chưa phục hồi.

Các nguồn tin trong ngành cho biết bất kỳ công suất bổ sung nào cũng sẽ được hoan nghênh, nhưng giá cao cho các tuyến vận tải hàng không giữa Trung Quốc và Mỹ có thể trở thành tiêu chuẩn mới.

Các máy bay đã giảm sức chứa hàng hóa nhằm tiết kiệm nhiên liệu để bay các tuyến đường dài hơn khi các công ty hàng không tránh không phận Nga. Các chuyến bay chở khách giữa Mỹ và Trung Quốc cũng chậm quay trở lại trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị, với ít hơn 100 chuyến mỗi tuần so với hơn 300 chuyến trước năm 2020.

Trong tháng này, số chuyến bay chở khách hàng tuần được phép khai thác giữa các quốc gia đã tăng từ 70 lên 100 chuyến, mặc dù chỉ có 83 chuyến được khai thác. Điều này vẫn nâng công suất chuyến bay chở khách hàng tuần lên 22% so với mức trước đại dịch.

Các nhà giao nhận vận tải hàng không đang làm những gì có thể để bổ sung năng lực vận tải giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng vẫn chưa rõ nguồn cung tăng có thể bù đắp cho nhu cầu ngày càng tăng đến mức nào.

Các công ty logistic cũng đang cạnh tranh với các công ty thương mại điện tử Trung Quốc để giành chỗ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không, do sự chậm trễ trong vận chuyển đường biển đến từ xung đột Biển Đỏ đang đẩy giá lên cao hơn nữa.

Ông Niall van de Wouw, Giám đốc vận tải hàng không tại Xeneta có trụ sở tại Na Uy cho biết: “Chúng tôi không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của tăng trưởng thương mại điện tử, vốn không có dấu hiệu suy giảm trên các tuyến vận chuyển phổ biến nhất”.

Dimerco, một công ty vận tải hàng hóa của Đài Loan, cho biết trong báo cáo hàng tháng mới nhất rằng công ty đã bán hết sức chứa trên các chuyến vận chuyển từ Trung Quốc đến Mỹ và châu Âu cho cả năm."

Công ty cho biết: “Thị trường vận tải hàng không tiếp tục tăng vọt, được thúc đẩy bởi sự gia tăng các chuyến hàng thương mại điện tử tràn ngập các sân bay ở Nam Trung Quốc và mở rộng nhanh chóng qua các cửa ngõ khác ở Trung Quốc”.

Có thể bạn quan tâm: 

Trà sữa Trung Quốc khuấy động thị trường nước ngoài

Nguồn Nikkei Asia