Từ tháng 7 đến đầu tháng 9, đường phố Dubai rất nóng và ẩm ướt đến mức “chỉ số nhiệt”, kết hợp giữa nhiệt độ không khí và độ ẩm, thường xuyên vượt quá 50 độ C. Ảnh: Getty Images.
Nghịch lý biến đổi khí hậu: Người giàu mặc áo len trong mùa hè trên sa mạc
Ngồi trên xe máy gần một nhà bếp ở Dubai, mồ hôi chảy trên trán Mohamad khi anh đợi để nhận đơn đặt hàng bữa trưa. Thức ăn không dành cho anh; anh sẽ lái xe qua trung tâm tài chính và du lịch ngột ngạt này để giao cho khách hàng ngồi trong một tòa nhà chung cư có máy lạnh.
Với nhiệt độ lên tới 44 độ C và độ ẩm cao, "cảm giác như đang ở trong phòng xông hơi", tài xế giao hàng cho biết. Anh Mohamad đến từ Pakistan, ăn mang miếng đệm bảo vệ, mặc quần dài tối màu và áo dài tay, cổ cao có thương hiệu do nền tảng giao hàng mà anh làm việc cung cấp, hoàn toàn không phù hợp với thời tiết.
Từ tháng 7 đến đầu tháng 9, đường phố Dubai rất nóng và ẩm ướt đến mức “chỉ số nhiệt”, kết hợp giữa nhiệt độ không khí và độ ẩm, thường xuyên vượt quá 50 độ C.
Vùng Vịnh là một trong nhiều khu vực đang học cách sống chung với nhiệt độ cực cao. Chính quyền Ấn Độ đã báo cáo hơn 40.000 trường hợp nghi ngờ say nắng trong đợt nắng nóng kéo dài và ít nhất 110 trường hợp tử vong.
Năm nay tại Ả Rập Xê Út, 1.301 người hành hương đã tử vong sau khi đi bộ dưới nhiệt độ lên tới gần 50 độ C trong lễ Hajj.
Nhưng trải nghiệm của mỗi cá nhân về cái nóng thiêu đốt khác nhau tùy theo mức độ giàu có. Trong khi anh Mohamad và hàng ngàn công nhân nước ngoài khác phải chịu đựng cái nóng oi ả ngoài trời, thì nguồn tài nguyên hydrocarbon khổng lồ của vùng Vịnh đã cho phép những cư dân khá giả hơn được tận hưởng cuộc sống trong những thành phố theo phong cách phương Tây.
Nhiều người giàu có ở Dubai vẫn bay đến những nơi có khí hậu mát mẻ hơn vào thời điểm nắng nóng nhất, nhưng những người ở lại có thể tận dụng các tiện nghi ở trong nhà vào những thời điểm nóng nhất trong ngày.
Dubai có sân trượt băng và đường trượt tuyết trong nhà, trong khi chim cánh cụt hoàng đế và cáo Bắc Cực sống trong SeaWorld của Abu Dhabi, một công viên giải trí trong nhà rộng lớn. Trong các trung tâm mua sắm của khu vực, không khí lạnh đến nỗi một người Dubai xa xứ phải mang theo áo len khi đi mua sắm vào mùa hè .
Những người quyết tâm chống chọi với ánh nắng mặt trời gay gắt của mùa hè có thể bơi trong hồ bơi ngoài trời chứa đầy nước mát hoặc chạy bộ quanh đường mòn ngoài trời dài 1,14 km có máy lạnh tại công viên Umm Al Seneem của Qatar.
Nhưng những trải nghiệm khác nhau của người khá giả và người lao động, nhân viên bảo vệ và nhân viên trông xe giúp Vịnh hoạt động cho thấy biến đổi khí hậu khắc nghiệt có nguy cơ làm gia tăng và làm trầm trọng thêm bất bình đẳng.
Khi thế giới nóng lên, khu vực này có thể là bài học về cách ứng phó với nhiệt độ cao ở các đô thị, nơi sinh sống của hàng chục triệu người.
Những nơi đã đạt nhiệt độ 50 độ C trong năm vừa qua. Ảnh: FT. |
Ông Karim Elgendy, cộng tác viên tại Chatham House có trụ sở tại London, chuyên về tính bền vững của đô thị trong khu vực, cho biết: "Nhìn chung, khu vực này thiếu ba yếu tố cơ bản của khu định cư của con người" là nguồn cung cấp nước, vùng đất nông nghiệp và khí hậu ôn hòa. Trong nhiều thế kỷ, sự thiếu hụt những yếu tố cơ bản như vậy đã kìm hãm sự phát triển của khu vực.
Petrodollars (dollar dầu lửa) đã thay đổi tất cả, cho phép nhiều quốc gia vùng Vịnh mua công nghệ đắt tiền như các đơn vị khử muối và máy điều hòa không khí và nhập khẩu nhiều thực phẩm hơn. Ông Elgendy cho biết: “Những nguồn tài chính đó đã giúp các xã hội vùng Vịnh sống bất chấp khí hậu của họ, chứ không phải hòa hợp với nó”.
Sau khi vượt qua thiên nhiên và với sự bùng nổ của ngành công nghiệp hydrocarbon, dân số của các quốc gia Hội đồng hợp tác vùng Vịnh đã tăng vọt từ dưới 4 triệu người vào năm 1950 lên gần 30 triệu người vào năm 2000, theo ước tính của Liên hợp quốc. Sau đó, dân số lại tăng gần gấp đôi lên 58 triệu người vào năm 2019.
Các thành phố ở vùng Vịnh mở rộng nhờ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch. Nhưng khí thải từ việc đốt các nhiên liệu đó đã góp phần gây ra biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ mùa hè ở khu vực này ngày càng tăng cao.
Những người Emirati lớn tuổi nhớ lại một môi trường rất khác cách đây sáu hoặc bảy thập kỷ.
Lớn lên ở Dubai vào những năm 1950, nhà khoa học chính trị Abdulkhaleq Abdulla nhớ rằng mùa hè ít nóng hơn và ngắn hơn. Nhà cửa mở để đón không khí trong lành, một số có tháp thông gió và các gia đình ngủ trên mái nhà phẳng.
“Khi đó, một chiếc quạt cho cả gia đình là đủ rồi”, ông Abdulla nhớ lại. Ngày nay, hầu như mọi phòng trong một ngôi nhà trung lưu ở Dubai đều có máy điều hòa.
“Có vẻ như trong 40 năm qua, nhiệt độ mùa hè ở UAE đã tăng khoảng 1 độ C”, ông Francesco Paparella, phó giáo sư tại NYU Abu Dhabi và là nhà nghiên cứu chính tại Trung tâm Khoa học Khí hậu và Môi trường Ả Rập Mubadala cho biết. Con số này tương đương với mức tăng nhiệt độ toàn cầu trung bình ít nhất là 1,1 độ C kể từ khi thời đại công nghiệp bắt đầu vào khoảng những năm 1850. Độ ẩm tăng cũng góp phần vào điều đó. Với mỗi 1 sộ C tăng nhiệt độ, một thể tích không khí nhất định có thể chứa thêm 7% hơi nước.
Ngay cả những tòa nhà chọc trời lấp lánh do các nhà lãnh đạo vùng Vịnh đầy tham vọng xây dựng cũng không thích nghi tốt với tình hình khí hậu ngày càng xấu đi như vậy. Các tòa nhà bằng kính và thép ở trung tâm thành phố — những gì ông Elgendy gọi là "tàu vũ trụ trong sa mạc" — cần nguồn cung cấp nước khử muối lớn và hệ thống làm mát liên tục.
Hoạt động xây dựng diễn ra liên tục ở vùng Vịnh, khi khu vực này đang xây dựng để thích ứng với sự gia tăng dân số dự kiến. Nhưng nghiên cứu cho thấy rằng công nhân xây dựng, thường là lao động lưu động từ Nam Á, là những người dễ bị tổn thương nhất do điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Mặc dù khí hậu không phải là thủ phạm duy nhất gây ra tình trạng này ở những người lao động nhập cư — họ có thể gặp phải mọi vấn đề, từ chỗ ở chật chội đến các vấn đề về chăm sóc sức khỏe — nhưng nhiệt độ cao đang làm trầm trọng thêm những vấn đề này, ông Alahmad cho biết.
Các nhà nghiên cứu, dẫn đầu bởi Bandana Pradhan từ Viện Y học thuộc Đại học Tribhuvan ở Kathmandu, kết luận rằng tỷ lệ tử vong do bệnh tim cao ở những công nhân nhập cư người Nepal tại Qatar trong mùa nóng "rất có thể là do căng thẳng do nhiệt độ cao".
Phân tích của họ kết luận rằng trong số 571 người Nepal tử vong vì bệnh tim mạch từ năm 2009 đến năm 2017, khoảng 200 người có thể được cứu sống thông qua "biện pháp bảo vệ nhiệt hiệu quả".
Qatar và các nước GCC khác đã thực hiện các bước để giảm thiểu rủi ro khi làm việc ngoài trời vào mùa hè. Tất cả các nước này hiện đều cấm làm việc ngoài trời vào giữa ngày, mặc dù giờ giấc và ngày tháng có khác nhau.
Một số chính quyền thành phố còn đi xa hơn nữa — ví dụ như chính quyền thành phố Dubai, cho biết các công ty nên cung cấp nước lạnh và chất điện giải cho công nhân.
Có thể bạn quan tâm:
Ấn Độ vượt mặt các nền kinh tế khác dù tăng trưởng chậm lại
Nguồn FT