Thứ Bảy | 28/07/2012 16:01

Ngành rượu vang Australia gặp khó vì nội tệ tăng giá

Đôla Australia tăng cùng nguồn cung nho dư thừa đẩy lợi nhuận từ xuất khẩu rượu vang Australia thấp nhất 1 thập kỷ.
Thung lũng Barrosa
Australia có nhiều loại nho đặc biệt, nên rượu vang là ngành xuất khẩu phát triển nhanh nhất Australia hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, đồng nội tệ tăng giá đã làm giá rượu vang Australia mất cạnh tranh. (Ảnh: Cánh đồng nho tại thung lũng Barossa, nam Austraila, nơi sản xuất rượu vang nổi tiếng và lâu đời.)

Giá trị xuất khẩu rượu Australia giảm xuống 1,86 tỷ đô la Australia (AUD), tương ứng 1,91 tỷ USD trong năm tài khóa kết thúc ngày 30/6, so với mức đỉnh xấp xỉ 3 tỷ AUD giai đoạn 2006-2007, đồng thời thấp nhất kể từ 2001-2002, Wine Australia một cơ quan thuộc chính phủ nước này cho biết.
 
Nguyên nhân của điều này do giá rượu giảm. Lượng rượu xuất khẩu năm tài khóa vừa qua cao hơn lượng xuất khẩu năm 2007-2008 nhưng lợi nhuận lại giảm 40%, Wine Australia cho biết.

Australia có nhiều loại nho đặc biệt, và ngành này là một trong những ngành xuất khẩu phát triển nhanh nhất Australia hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, AUD tăng giá ảnh hưởng mạnh tới vị thế Australia trên thế giới. AUD tăng gấp đôi giá trị với USD kể từ 2002. Trong khi đó, giá mua trung bình mỗi tấn nho sản xuất rượu của Australia, giảm 1 nửa, phần nào người mua nước ngoài không chấp nhận được biến động tỷ giá.

Rượu của các nhà sản xuất Australia nổi tiếng rẻ. Do vậy, khi AUD tăng giá, giá rượu từ Australia không còn rẻ nữa, Andrew Margan, chủ tịch Hiệp hội rượu Hunter Valley nhận xét. Ông cho rằng thế giới khó thể chấp nhận thực tế Australia không còn là một nước giá cả rẻ nữa.

Các nhà xuất khẩu rượu Australia bị đẩy khỏi thị trường truyền thống ở châu Âu và Mỹ khi khách hàng chuyển sang rượu Nam Mỹ bớt đắt đỏ hơn. Do vậy, nhiều nhà sản xuất buộc phải xuất khẩu rượu với khối lượng lớn và giá rẻ sang châu Á, hoặc bị phá sản.

Đồng thời, giá đất trồng nho giảm một nửa từ đỉnh năm 2007. Một số chủ đất phải chặt bỏ cây nho, bán đất với giá trị bề mặt, các đại lý nhà đất cho biết. Tình trạng phá sản làm xói mòn niềm tin đầu tư. Rất nhiều nhà sản xuất rượu vang gặp khó trong việc huy động vốn mở rộng, hay thu hút nhà đầu tư.

Công ty sản xuất rượu Rathbone Wine Group phải bán 4 vườn nho để cố gắng vực dậy tình hình tài chính bi đát. Darren Rathbon, giám đốc điều hành doanh nghiệp này cho biết có một số người mua từ Trung Quốc, châu Âu và Mỹ quan tâm, nhưng ông không hy vọng sẽ bán hết được tất cả tài sản. Công ty này đang tìm kiếm các giải pháp thay thế như tìm đối tác hay bán đất và thuê lại.

Tuy nhiên, thị trường châu Á vẫn có nhiều triển vọng. Trong 12 tháng qua, rất nhiều nhà máy rượu đã được nhà đầu tư Trung Quốc, Hongkong mua lại, theo đại lý bất động sản Colliers International.

Hiện tại Australia là nhà cung ứng rượu đóng chai đứng thứ 2 cho Trung Quốc, chiếm 13% thị trường, theo dữ liệu của Wine Australia. Tỷ lệ rượu xuất khẩu sang Trung Quốc trên tổng xuất khẩu Australia tăng lên 6% từ 0,3% năm 2005. Bên cạnh đó, lượng tiêu thụ cũng đang tăng khoảng 7 lần tốc độ tăng ở hầu hết các nước châu Âu, và xu hướng này còn đang tiếp tục.

Một trong người giàu có nhất Trung Quốc, Xingfa Ma đã dùng hơn 20 triệu AUD đầu tư vào các nhà máy rượu Australia để cung ứng cho hệ thống hơn 30 cửa hàng rượu ở Trung Quốc của ông.

Athony Wilkes, giám đốc điều hành Ferngrove, công ty sản xuất rượu ông Ma nắm 80% cổ phần cho biết Trung Quốc chiếm tới 60% doanh thu công ty. Công ty này cũng đã thay đổi công thức để phù hợp với khẩu vị người Trung Quốc. Ông nói: "Trung Quốc là thị trường tăng trưởng tuyệt vời nhất thế giới. Thị trường này đã giúp hồi sinh công việc kinh doanh của chúng tôi".

Nguồn WSJ/ Khampha


Sự kiện