Với dân số chỉ khoảng 7,5 triệu người, Hồng Kông được xem là một trong những trung tâm kinh tế dịch vụ hàng đầu thế giới. Ảnh: SCMP.
Ngành khách sạn Hồng Kông trông chờ vào các sự kiện lớn
Các khách sạn tại Hồng Kông đang tập trung vào các sự kiện văn hoá, thể thao, nghệ thuật và giải trí nhằm thúc đẩy lượng khách du lịch đến thành phố, sau khi bỏ lỡ cơ hội tổ chức tour diễn The Eras Tour của nữ ca sĩ nổi tiếng Taylor Swift.
Hồng Kông kỳ vọng vào du lịch
Hồng Kông kỳ vọng các sự kiện mang tính biểu tượng toàn cầu như Hong Kong Rugby Sevens và Art Basel sẽ biến nơi đây thành một trung tâm văn hoá, thu hút hàng triệu du khách. Sự sẵn lòng chi tiêu của khách quốc tế tại những sự kiện này không chỉ mang lại lợi ích cho ngành khách sạn và giải trí, mà còn tạo ra cơ hội phát triển cho các lĩnh vực liên quan khác.
Với dân số chỉ khoảng 7,5 triệu người, Hồng Kông được xem là một trong những trung tâm kinh tế dịch vụ hàng đầu thế giới và luôn phụ thuộc vào du lịch để thúc đẩy hoạt động ngành bán lẻ. Trước đại dịch COVID-19, du khách từ Trung Quốc đại lục đến Hồng Kông chiếm 30% tổng doanh thu bán lẻ của thành phố, theo công ty tư vấn bất động sản CBRE.
Ngành khách sạn dự kiến phục hồi từ năm 2023 với tỉ lệ lấp đầy hàng tháng tăng từ 66% đến 87%, cao hơn so với tỉ lệ 55-75% vào năm 2022, theo dữ liệu của Colliers. Tuy nhiên, tỉ lệ lấp đầu này vẫn thấp hơn so với mức 82-94% trong năm 2018, thời điểm trước khi Hồng Kông gặp phải những biến động xã hội.
Trong năm nay, Tổng cục Du lịch Hồng Kông dự kiến đón tiếp 46 triệu khách du lịch, tăng 35% so với năm 2023. Tuy nhiên, con số này chỉ bằng 70% so với 65 triệu du khách vào năm 2018. Ngoài ra, chi tiêu trung bình của mỗi du khách qua đêm dự kiến giảm 16,4% xuống 741 USD trong năm nay so với mức 887 USD vào năm 2023.
Ông Shaman Chellaram, Giám đốc cấp cao khu vực Châu Á của Colliers, cho biết phân khúc Hội nghị, Khuyến khích, Hội thảo và Triển lãm (MICE) đóng vai trò quan trọng trong ngành khách sạn Hồng Kông. Việc mở cửa sân vận động tại Kai Tak với sức chứa lên đến 50.000 người, dự kiến khai trương vào năm 2025, là một bước ngoặt quan trọng để thu hút những nghệ sĩ quốc tế đến biểu diễn, từ đó khuyến khích du khách quốc tế đến tham dự.
Hiệu ứng “Swiftonomics”
Singapore và Nhật Bản là hai điểm dừng chân duy nhất tại châu Á trong tour diễn của Taylor Swift. Chính phủ Singapore cho biết đã tài trợ một khoản tiền lớn nhằm đảm bảo quốc gia này sẽ trở thành điểm đến độc quyền của nữ ca sĩ tại Đông Nam Á, và chuyến lưu diễn này đã trở thành tour có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Theo báo cáo, khoản tiền trợ cấp lên đến 3 triệu USD cho mỗi buổi biểu diễn kéo dài sáu đêm.
Các quan chức Singapore giải thích thỏa thuận này bằng cách chỉ ra những lợi ích du lịch mà nó mang lại. Theo báo cáo địa phương, số lượng chuyến bay tới Singapore tăng 186% trong khoảng thời gian từ ngày 1-9/3. Nhu cầu về khách sạn và dịch vụ lưu trú cũng tăng lên gấp 5 lần.
Theo một báo cáo từ Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Tác động Kinh tế, hiệu ứng “Swiftonomics” còn xuất hiện tại Nhật Bản. 4 đêm diễn của Taylor Swift ở thành phố Tokyo góp phần tạo ra hiệu ứng kinh tế khổng lồ với khoảng 230 triệu USD. Bên cạnh đó, The Eras Tour có tiềm năng tạo ra khoảng 4,6 tỉ USD chi tiêu tiêu dùng chỉ riêng tại Mỹ, theo báo cáo của công ty nghiên cứu AskPro vào tháng 6/2023.
Cơn sốt Taylor Swift như vận may của nền kinh tế Hồng Kông trong thời điểm hoạt động kinh doanh khó khăn. Các khách sạn nổi tiếng như The Park Lane Hong Kong và các khách sạn thuộc Tập đoàn Magnificent Hotel Investments đặt hy vọng vào sự tăng trưởng của lưu lượng khách du lịch từ các sự kiện lớn trong tương lai.
The Eras Tour có tiềm năng tạo ra khoảng 4,6 tỉ USD chi tiêu tiêu dùng chỉ riêng tại Mỹ. Ảnh: SCMP. |
Kỳ vọng các sự kiện tương lai
Ông William Cheng, Chủ tịch của Khách sạn Magnificent sở hữu chuỗi 8 khách sạn có cộng 3.000 phòng, cho biết trong tháng này, tỉ lệ lấp đầy của khách sạn vẫn duy trì ở mức 90%, nhưng giá phòng lại rất thấp, chỉ bằng khoảng 50% so với năm 2018. Các khách sạn tại Vịnh Causeway đang tính phí chỉ 64 USD một đêm. Mức giá này hiện không mang lại lợi nhuận và gây thiệt hại cho những khách sạn tầm trung.
Chủ khách sạn tin rằng buổi hòa nhạc của Taylor Swift không chỉ cải thiện hoạt động kinh doanh của khách sạn trong thành phố mà còn nâng cao vị thế của Hồng Kông như một điểm đến du lịch quốc tế.
Hiện chỉ có 1/3 những ngày còn lại trong năm được coi là “ngày tốt” cho các khách sạn trong thành phố, với cơ hội là các ngày lễ quốc gia. Ngoài các sự kiện như Hong Kong Rugby Sevens, du lịch có thể nhận được sự thúc đẩy từ triển lãm điện tử, hội chợ thời trang và triển lãm quà tặng.
“Trong khoảng thời gian giữa các sự kiện và hội chợ này, sẽ có những khó khăn và hoạt động kinh doanh sẽ lại tuột dốc. Hơn nữa, không phải tất cả các hội chợ đều có lợi cho chúng tôi, một số hội chợ tầm trung chỉ thu hút lượng khách không đáng kể”, ông Cheng nói.
Ông Luc Bollen, Tổng Giám đốc Park Lane Hong Kong, một trong những khách sạn lớn nhất tại khu mua sắm Vịnh Causeway, kỳ vọng vào 80 sự kiện được dự kiến tổ chức trong năm nay để thu hút khách du lịch sẵn sàng chi trả mức chi phí cao.
“Chúng tôi đã hợp tác làm khách sạn chính thức cho nhiều sự kiện lớn như Clockenflap, Tennis Open, Hong Kong Snooker All-Star Challenge và nhiều sự kiện khác. Những sự kiện này mang lại sức hấp dẫn đối với thế hệ Millennial và thế hệ Z, những người đang tìm kiếm những trải nghiệm mới và đa dạng”, ông Bollen cho biết.
Có thể bạn quan tâm:
Khủng hoảng năng lực cạnh tranh ở châu Âu
Nguồn SCMP