Thứ Hai | 04/06/2012 14:59

Ngân hàng thanh toán quốc tế: Châu Á nên xem xét tăng giá nội tệ

Các ngân hàng trung ương châu Á nên nâng giá nội tệ để ngăn nguy cơ lạm phát và bất ổn tài chính, Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) khuyến cáo.
Trong báo cáo công bố hôm 3/6, BIS cho biết tài sản của 9 ngân hàng tủng ương châu Á đã tăng từ 1,1 nghìn tỷ USD lên 6,4 nghìn tỷ USD trong giai đoạn 2001-2011. Tỷ lệ tăng cao này có thể gây căng thẳng cho khả năng hấp thụ vốn của hệ thống tài chính và gây áp lực lạm phát, BIS cho biết.

BIS cũng cho biết các quốc gia châu Á đã nâng lượng ngoại hối nắm giữ lên cao kỷ từ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính khu vực giai đoạn 1997-1998. Nguyên nhân của việc làm này là do chính phủ các quốc gia châu Á muốn củng cố niềm tin trong nền kinh tế sau khi khủng hoảng làm cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại hối và khiến một số nước châu Á phải cầu cứu viện trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Theo BIS, sự gia tăng đáng kể trong dự trữ ngoại hối của châu Á từ giữa năm 2000 phần lớn là kết quả của việc các ngân hàng trung ương chống lại áp lực tăng giá tiền tệ do hoạt động thương mại và dòng vốn trong khu vực.

Mặc dù sự gia tăng trong tài sản của các ngân hàng trung ương châu Á không dẫn đến lạm phát ngay lập tức, song sự gia tăng đó có thể khiến các ngân hàng trung ương dễ bị tổn thất tài chính nghiêm trọng. Bên cạnh đó, tích lũy ngoại hối quá cao có thể gây ra làn sóng cho vay ồ ạt trong nước, BIS cảnh báo.

Trong số các ngân hàng trung ương châu Á, tài sản của ngân hàng trung ương Hong Kong và Singapore khá tương đương với quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tỷ lệ này của Ngân hàng trung ương Trung Quốc là 50% GDP. Trong khi đó, ngân hàng trung ương Malaysia, Thái Lan và các quốc gia trong khu vực có tỷ lệ chung là 35%.

BIS là một tổ chức quốc tế của các ngân hàng trung ương trên thế giới, có vai trò thúc đẩy sự hợp tác giữa các ngân hàng trung ương và các cơ quan khác để ổn định tiền tệ và tài chính.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính hồi 2008, ngân hàng trung ương các nước phải giảm lãi suất cho vay để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, BIS cho rằng chính sách này có thể sẽ gây phản tác dụng.

Trong báo cáo cuối năm 2011, BIS cảnh báo chính sách tiền tệ nới lỏng và việc tạo điều kiện vay dễ dàng thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng điều này cũng gây ra tình trạng giá lương thực và các mặt hàng thiết yếu khác tăng cao tại các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là ở châu Á. Từ đó đẩy phí sinh hoạt lên cao và đe dọa ảnh hưởng xấu đến các quốc gia đang phát triển.

BIS cũng cảnh báo xu hướng gây ra bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trước đây rất giống với tình hình đang diễn ra hiện nay.

BIS cho rằng giá bất động sản tăng cao đã gây ra tình trạng tăng trưởng quá nóng trên thị trường bất động sản. Nếu như không có chính sách giải quyết kịp thời, thị trường bất động sản sụp đổ sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế mới nổi.

“Trong tất cả các cuộc khủng hoảng tài chính, những cuộc khủng hoảng khởi nguồn từ việc lãi suất thấp và tín dụng nới lỏng rồi gây ra bong bóng nhà đất, đều để lại những hậu quả nặng nề trong dài hạn”, ngân hàng BIS nhận xét.

Nguồn Bloomberg/DVT


Sự kiện