Chủ Nhật | 23/11/2014 12:30

Nga bắt tay Arab Saudi, không giảm sản lượng dầu

Nga sẵn sàng hợp tác với Arab Saudi trên thị trường dầu mỏ, trong khi tránh cam kết hạn chế sản lượng để tăng giá.

Hai nước cũng tìm cách vượt qua những khác biệt về tình hình Syria trong các cuộc hội đàm đầu tiên tại Moscow giữa 2 bộ trưởng ngoại giao, đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ giữa 2 nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Dầu thô đã rơi vào thị trường giá giảm trong năm nay khi sản lượng dầu thô của Mỹ tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn 3 thập kỷ qua trong bối cảnh nhu cầu yếu ớt. Nga, với dầu mỏ và khí đốt chiếm hơn 50% nguồn thu ngân sách, đang đứng bên bờ vực suy thoái trong bối cảnh Mỹ và phương Tây áp đặt đòn trừng phạt lên các ngành năng lượng và tài chính nước này.

Arab Saudi và Nga, hiện chiếm 25% tổng sản lượng dầu toàn cầu, đã nhất trí rằng thị trường “phải hoàn toàn không chịu ảnh hưởng của những lý do chính trị và địa chính trị”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết. Nơi nào, cung cầu bị “bóp méo một cách cố ý”, các nhà xuất khẩu dầu “có quyền tiến hành các biện pháp điều chính các yếu tố không khách quan này”.

Ông Lavrov và Ngoại trưởng Arab Saudi Hoàng tử Saud Al-Faisal trong thông cáo chung cho biết, họ sẽ hợp tác về những vấn đề ảnh hưởng đến thị trường năng lượng và dầu mỏ, nhưng không đưa ra chi tiết.

Sản lượng ổn định

OPEC sẽ nhóm họp tại Vienna vào ngày 27/11 tới đây để thảo luận về mục tiêu sản lượng. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak và Igor Sechin, đứng đầu OAO Rosneft đã có các cuộc họp tại thủ đô Áo vào đầu tuần tới.  

Tháng trước, người phát ngôn Rosneft, Mikhail Leontyev, cho biết, Arab Saudi có liên quan đến việc thao túng thị trường dầu bằng việc hạ giá bán.

Khi giá dầu xuống thấp nhất 4 năm, OPEC phải quyết định liệu có duy trì sản lượng và cho phép giá dầu tiếp tục giảm hoặc giảm sản lượng để tăng giá dầu. Venezuela đang tìm kiếm sự hỗ trợ của Nga trong việc kêu gọi các biện pháp nâng giá.

Thị phần

Elena Suponina, chuyên gia về Trung Đông và cố vấn cho giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Moscow, cho biết, nếu OPEC muốn giảm sản lượng, sẽ chỉ làm được việc này nếu các nước ngoài OPEC cũng làm tương tự, nếu không OPEC sẽ mất thị phần.

Tuy chính phủ Nga đã thảo luận vấn đề này, nhưng đến nay vẫn chưa có bất kỳ kế hoạch nào về giảm sản lượng dầu để tăng giá, ông Novak cho biết. Nền kinh tế Nga hiện phụ thuộc rất lớn vào dầu mỏ, và không giống Arab Saudi, về mặt kỹ thuật, Nga không thể tăng hay giảm sản lượng dầu một cách nhanh chóng, theo ông Novak.

Sản lượng dầu của Nga hiện đạt 505 triệu tấn tương đương 10,1 triệu thùng/ngày,  trong khi sản lượng của Arab Saudi trong tháng 10 đạt 9,75 triệu thùng/ngày, theo ước tính của Bloomberg.

Theo Ngân hàng trung ương Nga, kinh tế Nga dự đoán tăng trưởng 0% trong năm tới do các đòn trừng phạt, giá dầu thấp và lạm phát.

Nguồn DVO/Bloomberg