Thứ Sáu | 06/07/2012 12:16

London có nguy cơ mất vị trí trung tâm tài chính số 1 thế giới

Một loạt bê bối ngân hàng đang hủy hoại danh tiếng trung tâm tài chính hàng đầu thế giới của London, gần đây nhất là vụ thao túng lãi suất LIBOR.
Vụ giao dịch lỗ ít nhất 2 tỷ USD của JPMorgan Chase, các gian lận cho là tới 2,3 tỷ USD tại UBS AG, và vụ điều tra thao túng lãi suất thị trường liên quan tới ít nhất 12 ngân hàng bao gồm Barclays là những bê bối gần đây nhất ở London.

Tất cả đang tác động tới London, vốn phải chịu đựng suy thoái kép lần đầu tiên kể từ những năm 1970 khiến nhiều nhân sự ngành tài chính bị sa thải nhiều hơn bất cứ nước nào năm 2011.

Sharon Bowles, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề kinh tế tiền tệ của Nghị viện châu Âu cho rằng những vụ bê bối này tác động tới danh tiếng của Anh.

London, trung tâm tài chính số 1 thế giới theo xếp hạng của công ty nghiên cứu Z/Yen Group, là nơi xảy ra các thương vụ giúp dẫn tới sụp đổ của American International Group (AIG) và Lehman Brothers. Tuần này, nơi đây phải chứng kiến các quan chức Ngân hàng trung ương Anh (BOE) và chính phủ Anh dính tới bê bối thao túng lãi suất, buộc 1 trong những nhà điều hành ngân hàng hàng đầu London, Robert Diamond từ chức.

Chính thống đốc BOE, Mervying King phải cho rằng ngành công nghiệp ngân hàng Anh đang có vấn đề nghiêm trọng, từ mức đền bù quá cao, dịch vụ khách hàng kém, tới gian dối, ông cho rằng cần phải thực sự thay đổi văn hóa ngành này.

9 ngân hàng lớn nhất Anh đã phải quốc hữu hóa hay phải nhận trợ cấp chính phủ. Anh phải chi trả khoản tiền nhiều hơn bất kỳ dự án nào trong lịch sử không kể các cuộc chiến tranh thế giới. Chính phủ đang phải cắt giảm ngân sách nhiều nhất từ 1945, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 8,2%. 1 ngân hàng không phải nhận cứu trợ là Barclays thì tuần trước phải thừa nhận thao túng lãi suất LIBOR, và phải trả khoản phạt kỷ lục 451 triệu USD.

Ngoài ra, điều này có thể ảnh hưởng tới xếp hạng tham nhũng của Anh, theo Chandu Krishnan, giám đốc điều hành tại cơ sở ở Anh của Transparency International cho biết. Anh là nước ít tham nhũng thứ 16 thế giới năm 2011, xếp trước Mỹ ở vị trí 22.

Paul Moore, từng bị sa thải khỏi vị trí đứng đầu quản lý rủi ro của HBOS vì cảnh báo kế hoạch phát triển đe dọa ổn định của ngân hàng này, cho biết trong khi New York có hàng tá luật sư truy tố, thì ở Anh không như thế. Ông cho biết, nếu bạn là giám đốc một công ty mà bán nhầm khoản bảo hiểm đảm bảo thanh toán 1 cách có hệ thống, bạn có thể kiếm tiền từ việc đó.

Với cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đe doạn, London giờ phải đối diện với việc kiềm chế rủi ro, cũng như củng cố hệ thống quản lý. Mối nguy với London hiện tại là châu Âu đang chuẩn bị thiết lập một cơ quan quản lý chung cho các ngân hàng, có thể loại trừ Anh hay các doanh nghiệp có trụ sở ở thành phố. Ngoài ra, trong nước, ngành này đang mất sự ủng hộ chính trị lâu nay của cả 2 đảng Bảo thủ và Lao động, cũng như sự ủng hộ từ công chúng.

Nguồn Bloomberg/ DVT


Sự kiện