VNG đặt mục tiêu đạt 320 triệu khách hàng trên toàn cầu vào năm 2023.
"Kỳ lân" Việt Nam lọt top 10 công ty châu Á đáng mong đợi
Sau khi vượt qua một năm đầy biến động với chiến tranh, lạm phát và đại dịch kéo dài, các công ty châu Á đang vực dậy với mục tiêu làm rung chuyển thị trường trong và ngoài nước vào năm 2023.
Từ “kẻ thách thức” Trung Quốc đối đầu với Airbus và Boeing, cho đến công ty khai thác than Indonesia đang hướng tới một màu xanh mới, dưới đây là 10 cái tên sẽ được nhắc đến nhiều hơn trong năm 2023.
BYD: Tay đua EV
Nhà sản xuất xe điện Trung Quốc BYD bước vào năm 2023 với một cột mốc quan trọng - bán chạy hơn công ty dẫn đầu ngành Tesla tại thị trường xe hơi lớn nhất thế giới.
Người sáng lập Wang Chuanfu cho rằng sự phát triển của BYD là nhờ sự hiện diện của chính công ty trong tất cả các bộ phận của chuỗi cung ứng, bao gồm bộ pin và chip rất quan trọng đối với xe điện, cũng như các chính sách hữu ích của chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển xe điện.
BYD đã nhận được sự hỗ trợ từ tỉ phú Warren Buffett, một trong những nhà đầu tư nổi tiếng nhất thế giới, và được dự đoán sẽ đa dạng hóa trong năm nay. Công ty có kế hoạch tham gia vào phân khúc ô tô cao cấp "triệu nhân dân tệ" (142.000 USD) với việc tung ra mẫu xe Yangwang trong quý đầu tiên, mở rộng ra ngoài phạm vi các mẫu xe bình dân có giá dưới 50.000 USD.
Nhà sản xuất ô tô này cũng xây dựng một nhà máy sản xuất trị giá 491 triệu USD ở Thái Lan, cũng như công bố một kế hoạch tương tự cho Ấn Độ, đồng thời bắt đầu bán xe điện ở Nhật Bản – thách thức những đối thủ như Toyota ở sân sau của chính họ.
Indika Energy: Bán than để thôi bán than
Giống như nhiều công ty khai thác than ở Indonesia, Indika Energy đã đạt được mức lợi nhuận kỷ lục vào năm 2022 khi chiến tranh ở Ukraine thúc đẩy nhu cầu toàn cầu. Giờ đây, Indika có kế hoạch sử dụng số tiền kiếm được để tăng tốc độ đa dạng hóa khỏi than đá trước những lo ngại ngày càng tăng về biến đổi khí hậu và mối đe dọa hiện hữu mà nó gây ra.
Indika muốn tạo ra một nửa doanh thu của tập đoàn từ các hoạt động kinh doanh ngoài than đá vào năm 2025, tăng từ 14% vào tháng Sáu.
Vào tháng 9, công ty đã công bố liên doanh với tập đoàn công nghệ Đài Loan Foxconn - Foxconn Indika Motor - với kế hoạch ban đầu là sản xuất pin và xe buýt điện ở Indonesia. Điều này diễn ra sau khi Indika ký thỏa thuận sơ bộ với Foxconn, nhà sản xuất xe tay ga điện Đài Loan Gogoro và Indonesia Battery, thuộc sở hữu nhà nước, để "khám phá phạm vi hợp tác đầu tư rộng rãi" nhằm phát triển hệ sinh thái EV của Indonesia.
COMAC: Chắp cánh giấc mơ Trung Quôc
Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) đang tiến thêm một bước trong sứ mệnh phá vỡ thế độc quyền toàn cầu về máy bay thương mại cỡ trung do Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu tạo ra.
Vào ngày 9/12, chiếc máy bay phản lực thân hẹp C919 đầu tiên - được đặt tên là dafeiji, có nghĩa là "máy bay lớn" - đã được giao cho China Eastern Airlines, đánh dấu sự khởi đầu thách thức của họ đối với 737 của Boeing và A320 của Airbus.
Máy bay C919 của Trung Quốc. Ảnh: AP. |
“Hãy để chiếc máy bay lớn của Trung Quốc bay lên trời xanh”, Chủ tịch Tập Cận Bình nói với các thành viên dự án C919. Theo Tân Hoa xã, ông Tập nhấn mạnh rằng C919 “mang ý chí của nhà nước, ước mơ của quốc gia và hy vọng của nhân dân.”
Trong khi máy bay sử dụng công nghệ Trung Quốc, các yếu tố cốt lõi bao gồm cả động cơ vẫn đến từ Mỹ và châu Âu. 300 đơn đặt hàng do bảy công ty cho thuê thuộc sở hữu nhà nước đặt vào tháng 11 có khả năng dành cho các hãng vận tải nội địa - ít nhất là trong thời điểm hiện tại.
Máy bay lớn mới của Trung Quốc sẽ bay bao xa là một câu hỏi mở cho năm 2023 và xa hơn nữa.
Rohm: "Thuốc tăng lực" cho lĩnh vực chip Nhật Bản
Nhà sản xuất chip điện Nhật Bản Rohm đã báo cáo doanh thu hàng năm tốt nhất trong 21 năm vào năm 2022 và dự kiến sẽ tăng trưởng hơn nữa vào năm 2023. Sự thay đổi này phản ánh nỗ lực của Nhật Bản một lần nữa biến mình trở thành cường quốc bán dẫn lớn.
Rohm có trụ sở tại Kyoto cũng được biết đến nhiều thông qua thương vụ mua lại Toshiba. Rohm hiện có kế hoạch kết hợp cùng Toshiba, cũng là một nhà sản xuất chip điện, để củng cố vị thế của mình trong một thị trường được dự đoán sẽ tăng trưởng 10% mỗi năm từ năm 2020 đến năm 2025.
Chip điện được sử dụng để điều khiển các thiết bị công nghiệp như xe điện, nhà máy điện, máy móc và tàu hỏa. Đây là lĩnh vực có lợi thế mà chính phủ Nhật Bản đang khuyến khích hợp nhất ngành để tăng quy mô và khả năng cạnh tranh.
VNG: Kỳ lân Việt bay cao
VNG, kỳ lân đầu tiên của Việt Nam, cũng là một trong những công ty được theo dõi nhiều nhất nước, đã chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng trong năm nay. Được biết, VNG cũng được cho là đang để mắt tới việc niêm yết tại Mỹ.
VNG của Việt Nam đã giành được hàng triệu người dùng với ứng dụng nhắn tin Zalo và ứng dụng thanh toán ZaloPay. Ảnh: Reuters. |
VNG khởi đầu là một nhà phát triển và phát hành trò chơi trực tuyến có tên là Vinagame. Hoạt động kinh doanh của công ty đã mở rộng sang các thị trường châu Á khác, nơi họ cạnh tranh với các đối thủ như Sea có trụ sở tại Singapore. Với người dùng tại hơn 130 quốc gia, VNG đặt mục tiêu đạt 320 triệu khách hàng trên toàn cầu vào năm 2023.
Aqumon: Tư vấn đầu tư qua thuật toán
Từ việc viết mã trong thư viện trường đại học đến việc trở thành khách hàng của ngân hàng lớn nhất thế giới, những người sáng lập Aqumon chỉ mất 6 năm - và năm 2023 sẽ là một năm bận rộn hơn nữa.
Công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Hồng Kông, được hỗ trợ bởi Tập đoàn Alibaba Group Holding, là một trong những công ty tạo ra "cố vấn robot", viết các thuật toán hỗ trợ, tư vấn đầu tư. Aqumon bán dịch vụ của mình cho các ngân hàng và công ty chứng khoán, sau đó giúp khách hàng của họ đưa ra quyết định đầu tư.
Đã tạo được tên tuổi ở Hồng Kông và khu vực Vịnh Lớn bao gồm Macao và Quảng Đông (Greater Bay Area), một trong những khu vực giàu có nhất của Trung Quốc đại lục - Aqumon sẽ tập trung mở rộng ở Đông Nam Á vào năm 2023, nhắm mục tiêu vào Indonesia, Thái Lan và Singapore.
Theo đồng sáng lập Kelvin Lei, Aqumon đã làm việc với hơn 50 công ty tài chính ở Greater Bay. Ngân hàng lớn nhất thế giới tính theo tài sản, Ngân hàng Công thương Trung Quốc, là một trong số khách hàng cảu công ty. Vào năm 2023, công ty dự kiến sẽ đạt doanh thu gấp ba lần so với năm 2022.
Viện Huyết thanh Ấn Độ: Tìm kiếm mũi tiêm tiếp theo
Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, đã trở thành cái tên quen thuộc trong đại dịch COVID-19 sau khi được cấp giấy phép sản xuất vaccine Astra Zeneca.
Chỉ trong sáu tháng tính đến tháng 9 năm 2021, doanh thu của SII đã gấp 1,7 lần cả năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm 2021, theo CARE Ratings.
Ấn Độ đang tăng cường năng lực sản xuất lên 4 tỷ liều vaccine mỗi năm. Ảnh: Reuters. |
Giá trị tài sản ròng của chủ sở hữu SII, gia đình Poonawalla, lên tới 21 tỉ USD vào năm 2022, theo Forbes. Giám đốc điều hành Adar Poonawalla hiện đang sẵn sàng cho giai đoạn phát triển tiếp theo, xây dựng một nhà máy sẽ tăng gấp đôi công suất vaccine hàng năm, lên đến 4 tỉ liều.
SII cần tìm giải pháp duy trì động lực khi nhu cầu về vắc xin COVID giảm dần. Công ty đã tăng tốc nghiên cứu các loại vaccine mới cho bệnh sốt xuất huyết và ung thư cổ tử cung. Với động thái đầu tư 730 triệu USD trong năm 2021 vào Biocon Biologics, một công ty sản xuất thuốc sinh học, ông Poonawalla cho thấy mục tiêu nhắm vào các loại vaccine có lợi nhuận thấp hơn.
Xiaohongshu: Nền tảng truyền thông quốc dân
2023 có thể là một năm quyết định đối với Xiaohongshu, một nền tảng truyền thông xã hội về phong cách sống được thành lập vào năm 2013 và được một số người mô tả là phiên bản của Trung Quốc cho Instagram.
Được hỗ trợ bởi Tencent Holdings và Alibaba Group Holding, nền tảng có tên là "cuốn sách nhỏ màu đỏ" (little red book) cho phép người dùng chia sẻ các mẹo về nấu ăn, tập thể dục, chăm sóc da và phong cách sống qua ảnh và video. Số lượng người dùng hoạt động hàng tháng đã lên tới 200 triệu, trong đó 70% là phụ nữ sinh sau năm 1990, theo công ty. Xiaohongshu đã trở thành một nơi lý tưởng để các nhãn hàng tiếp thị quảng cáo.
Xiaohongshu cũng đang nhắm đến mảng bán hàng trực tiếp để đa dạng hóa nguồn thu nhập. Khoảng 90% doanh thu của công ty là từ quảng cáo vào năm 2021, theo LatePost, một hãng tin tức kinh doanh của Trung Quốc.
Là một nền tảng tập trung vào nội dung ở Trung Quốc, Xiaohongshu cũng phải đi đúng hướng khi Bắc Kinh đẩy lùi việc phô trương sự giàu có trên mạng xã hội để đáp lại lời kêu gọi "sự thịnh vượng chung" của Chủ tịch Tập Cận Bình.
UMC: Thu lợi từ gián đoạn chuỗi cung ứng
United Microelectronics Corp. (UMC) của Đài Loan đôi khi không thể nằm trên cùng bàn cân với công ty cùng ngành lớn hơn trong nước là Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC). Nhưng UMC hiện đang là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn thứ 3 thế giới và hiện đang nhắm đến việc mở rộng công suất ở nước ngoài, khi các căng thẳng địa chính trị có xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
Giờ đây, UMC đang được hưởng lợi từ mong muốn chuyển khỏi Trung Quốc của một số nhà phát triển chip và nhà sản xuất thiết bị điện tử toàn cầu. Công ty đã đạt được doanh thu kỷ lục trong thời gian thiếu hụt chip chưa từng có trong hai năm qua.
UMC đã mở rộng xây dựng nhà máy sản xuất chip trị giá 5 tỉ USD tại Singapore. Nhà sản xuất chip Đài Loan cũng đang xây dựng một dây chuyền sản xuất với Denso của Nhật Bản để sản xuất chất bán dẫn điện cho ô tô, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Nhật Bản về chip ô tô.
Nidec: Chuẩn bị cho nửa thế kỷ tới
Nhà sản xuất động cơ Nhật Bản Nidec đánh dấu kỷ niệm 50 năm thành lập vào năm 2023 với khối lượng công việc chồng chất.
Công ty đã thực hiện một loạt phi vụ vụ mua lại trong phân khúc máy công cụ (loại máy cơ khí gia công khuôn hoặc linh kiện để cấu tạo nên các máy móc khác), bao gồm nhà sản xuất OKK của Nhật Bản, PAMA của Ý và bộ phận máy công cụ của Mitsubishi Heavy Industries. Tập đoàn đang chuẩn bị cho một bước chuyển lớn hơn đối với xe điện bằng cách thiết lập một hệ thống cho phép họ tự sản xuất các linh kiện cho xe điện.
Có thể bạn quan tâm:
1/3 nền kinh tế thế giới dự kiến sẽ suy thoái vào năm 2023
Nguồn Nikkei Asia