Kinh tế Trung Quốc lại thêm tin xấu
Theo báo cáo công bố hôm 14/5, sản lượng công nghiệp tháng 4/2016 của Trung Quốc tăng trưởng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với mức 6,8% trong tháng 3 và so với 6,5% dự đoán của các nhà kinh tế học.
Doanh số bán lẻ cũng thấp hơn so với ước tính của các nhà kinh tế học khi chỉ tăng 10,1%, trong khi đầu tư tài sản cố định tăng 10,5% trong 4 tháng đầu năm nay so với 11% dự đoán của các nhà kinh tế học.
Sau khởi đầu năm 2016 đầy khó khăn do nhân dân tệ lao dốc, dòng vốn ồ ạt tháo chạy và cổ phiếu sụt giảm mạnh, kinh tế Trung Quốc ổn định trở lại và thậm chí tăng trưởng trong tháng 3 nhờ nguồn tín dụng mới và thị trường nhà đất hồi phục.
Thế nhưng "tất cả các cỗ máy đều đột ngột mất đà. Việc thắt chặt chính sách sẽ chỉ là hiện tượng nhất thời”, Zhou Hao, nhà kinh tế học tại Commerzbank ở Singapore, nhận xét.
Trong thông báo đưa ra sau số liệu về sản lượng công nghiệp, Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết, sản lượng công nghiệp tăng trưởng chậm là do lực cầu bên ngoài yếu, ngành khai mỏ sụt giảm mạnh, tiêu thụ năng lượng tăng cao, dư thừa công suất quá mức ở các ngành than đá, thép và cả do yếu tố mùa vụ.
Trong khi đó, doanh số bán lẻ chịu áp lực khi doanh số bán ôtô giảm - chỉ tăng 5,1% so với 12,3% trong tháng 3.
Số liệu công bố hôm thứ Sáu 13/5 cũng cho thấy, lượng tín dụng mới của Trung Quốc trong tháng 4/2016 có mức tăng trưởng thấp hơn dự đoán với 751 tỷ nhân dân tệ, theo số liệu của Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC).
PBOC đang nỗ lực tái khẳng định với giới đầu tư rằng chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế sau đợt sụt giảm mạnh nguồn tín dụng.
Ma Jun, cố vấn kinh tế tại PBOC, cho rằng, chính sách tiền tệ của Trung Quốc vẫn thận trọng và mọi diễn biến sẽ phải hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong khi cân nhắc đầy đủ những tác động đến giá cả trong tương lai và nhu cầu ngăn ngừa rủi ro tài chính.
Shen Jianguang, chuyên gia kinh tế trưởng châu Á tại công ty chứng khoán Mizuho ở Hong Kong, cho biết, đà phục hồi của Trung Quốc dường như rất mong manh. Sự sụt giảm các khoản cho vay trong tháng 4 cũng như chính sách thắt chặt thị trường nhà đất đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg