Kinh tế Trung Quốc có thể phục hồi nhờ bùng nổ du lịch
Ước tính nửa đầu năm 2012, khoảng 39 triệu người dân Trung Quốc ra nước ngoài để du lịch, cao gấp đôi so với 5 năm trước. Điều đó cho thấy số lượng người gia nhập tầng lớp tiêu dùng của Trung Quốc đang tăng với tốc độ vượt dự báo, và không ngạc nhiên khi các quan chức Bắc Kinh coi đây là động giúp thúc đẩy nền kinh tế trong thời gian tới.
Theo nhà chiến lược tại công ty tư vấn tình báo thị trường Mintel, ông Paul French, sự khỏe mạnh của nền kinh tế nội địa luôn luôn phụ thuộc vào người tiêu dùng.
"Nếu người tiêu dùng cảm thấy an tâm về mọi thứ, họ sẽ chi tiêu. Nếu không, họ sẽ dừng lại. Du lịch chính là một chỉ số tốt bởi khi càng du lịch nhiều, người dân càng chi tiêu nhiều", ông French nói.
Trong một thập kỷ qua, tốc độ tăng chi tiêu tiêu dùng Trung Quốc luôn duy trì ở mức hai con số, trong khi xuất khẩu chậm lại, góp phần khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chậm lại trong năm 2011 và nửa đầu năm 2012.
Theo tập đoàn Digital Luxury Group, tầng lớp người tiêu dùng Trung Quốc đang ngày một đông hơn, thể hiện rõ nét qua việc thị trường du lịch Trung Quốc có giá trị lên tới tới 232 tỷ USD. Trong một báo cáo của mình, Digital Luxury Group cho biết người dân Trung Quốc đã thực hiện khoảng 70 triệu chuyến du lịch ra nước ngoài trong năm 2011. Điểm đến ưa thích của những khách du lịch này là các khu nghỉ dưỡng tại Bali, các khu mua sắm ở Duabi, Paris và London. Singapore và Hong Kong cũng là hai địa điểm mua sắm thu hút khách du lịch đại lục.
Giám đốc điều hành Hiệp hội du lịch hàng không quốc tê (IATA), Tony Tyler, cho biết nếu thu nhập trung bình hàng năm của người dân Trung Quốc đạt 15.000 USD, ước tính trong thập kỷ tới, các hãng hàng không sẽ phải đón tiếp trên 1 tỷ lượt khách du lịch.
|
Cũng theo IATA, trong năm 2011, tổng lợi nhuận của ngành công nghiệp hàng không toàn thế giới đạt 7,9 tỷ USD, trong đó các hãng vận tải Trung Quốc chiếm hơn một nửa.
Trong một báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc sẽ tăng từ 5.000 USD hiện tại lên 16.000 USD vào năm 2030, trong đó 2/3 hoạt động kinh tế sẽ dựa trên nhu cầu tiêu dùng trong nước so với mức 50% hiện tại.
Bên cạnh sự gia tăng trong hoạt động du lịch, tại các đô thị lớn của Trung Quốc, tầng lớp trung lưu cũng đang nổi lên mạnh mẽ, giúp hoạt động mua sắm ngày một nở rộ và trở thành động lực tăng trưởng chủ yếu của ngành kinh doanh bán lẻ. Các nhà phân tích dự báo, trong năm 2012, người tiêu dùng trung lưu tại các thành phố lớn sẽ chiếm khoảng 55% chi tiêu bán lẻ, tương đương với 600 tỷ USD.
Nguồn Reuters/Khampha