Kinh tế toàn cầu sẽ ra sao với cuộc chiến Israel-Iran
Theo giáo sư James Hamilton, chuyên gia kinh tế năng lượng tại Đại học California, San Diego, tất cả các cuộc xung đột tại Trung Đông trước đây đều gây ra những thay đổi nghiêm trọng đối với giá dầu. Ở thời điểm hiện tại, nếu một cuộc chiến tranh giữa Israel-Iran xảy ra, nền kinh tế thế giới sẽ phải chịu những hậu quả thảm khốc lớn hơn nhiều so với bất kỳ cuộc xung đột nào.
Ông nói: "Hãy nhìn lại cuộc khủng hoảng Suez 1956-1957, tiếp đó là lệnh cấm vận dầu Ảrập 1973-1974, cuộc Cách mạng Iran năm 1978-1979, cuộc chiến tranh Iran-Iraq năm 1980 và chiến tranh vùng Vịnh Persic lần đầu tiên năm 1990, sau mỗi cuộc xung đột, sản lượng dầu thế giới đều giảm trung bình 7% và kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái".
Tuy nhiên, nếu cuộc chiến tranh Israel-Iran xảy ra, hậu quả có thể sẽ nghiêm trọng hơn gấp ba lần bởi tầm quan trọng chiến lược đối với nền kinh tế thế giới của eo biển Hormuz ngoài khơi bờ biển phía Nam của Iran.
"Khoảng 14 tàu chở dầu, với 17 triệu thùng dầu thô được chuyên chở qua eo biển Hormuz mỗi ngày, chiếm 35% lượng dầu được vận chuyển bằng đường biển và 20% các giao dịch trên toàn thế giới. Giáo sư Hamilton cho biết "Iran tuyên bố rằng nếu Israel phát động các cuộc tấn công, họ sẽ phong tỏa eo biển Hormuz và toàn bộ vùng Vịnh Persic. Đây có thể chỉ là một lời hăm dọa, nhưng lời hăm dọa này thực tế rất đáng sợ và nguy hiểm".
Để đối phó với lời đe dọa của Iran, Ảrập Xêút và Các Tiểu vương Quốc Arập Thống nhất (UAE) đã lắp đặt các tuyến đường ống mới không qua eo biển Hormuz. UAE đã xây dựng một đường ống dẫn 370 km kết nối các mỏ dầu gần Abu Dhabi với cảng Fujairah ở Ấn Độ Dương. Tuyến đường ống này đạt công suất vận chuyển lên đến 1,5 triệu thùng/ngày, chiếm 65% kim ngạch xuất khẩu của đất nước.
Trong khi đó, Ảrập Xêút cũng mở trở lại đường ống IPSA, được xây dựng vào những năm 80 của thế kỷ trước để bỏ qua các tuyến đường hàng hải của vùng Vịnh sau khi các tàu chở dầu đã bị tấn công trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq. Tuyến đường ống này cũng có thể vận chuyển tới 16% lượng dầu xuất khẩu của nước này.
Tiến sĩ Kristian Coates Ulrichsen, giám đốc chương trình Kuwait tại trường kinh tế London, cho biết: "Các sự kiện trong quá khứ cho thấy Iran không thể phong tỏa hoàn toàn eo biển Hormuz, nhưng họ sẽ gây nhiều khó khăn cho việc vận chuyển dầu qua eo biển này bằng cách tấn công các tàu chở dầu. Và khả năng dầu tiếp tục tăng giá là khó tránh khỏi".
Theo tiến sỹ Ulrichsen, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu đang leo thang, việc tăng giá dầu đột biến sẽ khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Bởi vậy vấn đề vùng Vịnh và eo biển Hormuz là mấu chốt tháo gỡ cho nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, ông tin rằng Israel vẫn đang chủ ý duy trì chính sách "bên miệng hố chiến tranh" và một cuộc tấn công sớm hơn sẽ khó xảy ra. Ông nói: "Không ai trong chúng ta có thể hình dung được điều gì sẽ xảy ra trong cuộc chơi. Nhưng có điều chắc chắn rằng một cuộc xung đột xảy ra sẽ không mang lại lợi ích."
Ông nói thêm: "Tôi lo ngại rằng nếu Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt làm tổn thương Iran nhiều hơn song Iran vẫn từ chối thực hiện, Israel sẽ không còn lựa chọn ngoài việc tấn công quân sự. Và khả năng xảy ra xung đột sẽ tăng theo cấp số nhân".
Lệnh trừng phạt của Mỹ đã buộc Hàn Quốc và Nhật Bản phải cắt giảm nhập khẩu dầu của Iran, trong khi Ấn Độ và Trung Quốc đang ép Iran bán dầu giảm giá. 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) cũng đã cấm nhập khẩu dầu của Iran. Xuất khẩu dầu của Iran đã giảm 40% trong năm 2012, đồng thời lạm phát và tình trạng thất nghiệp tăng vọt.
Cho đến nay, chính phủ Israel vẫn đánh giá quá thấp mức độ nghiêm trọng của cuộc xung đột song phương khi tuyên bố rằng các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran sẽ chỉ kéo dài khoảng năm ngày.
Trong kịch bản dự kiến, Israel sẽ tiến hành đánh bom các cơ sở làm giàu urani tại Natanz, Fordow, Esfahan và Arak. Sau đó, Iran sẽ trả đũa với các tên lửa từ lực lượng Hezbollah tại Libanon, nhưng nhà nước Do Thái này sẽ chỉ chịu thiệt hại rất ít, với tối đa 500 trường hợp bị thương vong.
Theo ước tính của nhóm nghiên cứu BDI-Coface, một cuộc xung đột với Iran có thể sẽ khiến nền kinh tế Israel chịu thiệt hại nặng nề. Chi phí cho cuộc chiến có thể lên tới 41,6 tỷ euro, tương đương với gần 20% GDP của nước này. Một số chính trị gia và quan chức quân sự ở Israel cũng đã cảnh báo thủ tướng Benjamin Netanyahu về sự nguy hiểm của cuộc chiến tranh.
Trong số những tiếng nói bất đồng chính kiến mạnh mẽ bao gồm cả của cựu tổng thống Shimon Peres, hai cựu lãnh đạo quân đội Israel, Shaul Mofaz và Amnon Lipkin-Shahak và người nguyên đứng đầu cơ quan tình báo Mossad - Meir Dagan.
Nguồn Vietnam+