Ảnh: SCMP
Kinh doanh qua livestream bùng nổ, hỗ trợ cả vấn đề ngoại giao của Trung Quốc
Thương mại điện tử dưới hình thức livestream
Bằng tông giọng cao vút, lưu loát, quảng cáo các mặt hàng với giá cả ưu đãi có thời hạn đánh vào tâm lý người mua, những “streamer” hàng đầu của Trung Quốc ra sức thuyết phục người theo dõi của mình mua nhiều loại sản phẩm qua chiếc màn hình nhỏ.
Năm ngoái, trong đợt lễ hội mua sắm trực tuyến Ngày Độc thân kéo dài tầm 10 ngày, tổng khối lượng hàng hóa (GMV) của các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục 965 tỉ nhân dân tệ (151 tỉ USD), tăng 12% so với năm trước. GMV của riêng mảng “thương mại livestream” đạt 131,9 tỉ nhân dân tệ, tăng 81% so với một năm trước, theo dữ liệu cung cấp bởi Syntun.
Những buổi bán hàng với hình thức livestream đôi khi đạt lượng người xem nhiều hơn cả các MV ca nhạc nổi tiếng và còn mang về doanh thu khủng. Vào ngày 20/10, ngày bán trước đầu tiên của Taobao (sàn thương mại điện tử), buổi phát sóng trực tiếp của anh Li (một streamer thuộc hàng Top của Trung Quốc) đã được xem đến 248 triệu lần và mang về doanh thu 11,5 tỉ nhân dân tệ.
Thương mại điện tử dưới hình thức livestream đã bùng nổ ở Trung Quốc đại lục, những người có ảnh hưởng kiếm được tổng cộng 1,2 nghìn tỉ nhân dân tệ vào năm 2020. So với năm 2017, con số doanh thu hàng năm đã tăng gấp 50 lần và sẽ tăng gấp đôi lên đến 2,7 nghìn tỉ nhân dân tệ trong năm nay, theo công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường iResearch Consulting.
Thúc đẩy quan hệ ngoại giao
Hoạt động bán hàng trực tuyến của Trung Quốc đã phát triển đến mức các nhà ngoại giao cũng như chính phủ tận dụng thế mạnh này để bán các sản phẩm của nước họ sang Afghanistan và thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Theo nghiên cứu của Bộ Thương Mại, Trung Quốc có thể tụt hậu so với Mỹ trong lĩnh vực mua sắm tại nhà qua truyền hình. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên internet, Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về bán hàng qua livestream. Hình thức thương mại này được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển trong năm tới mặc cho đã có những quy định nghiêm ngặt hơn từ chính phủ.
Nhờ cơ sở hạ tầng internet tốt, hệ thống hậu cần tiên tiến và số lượng người dùng internet lớn nhất thế giới, “thương mại livestream” của Trung Quốc đã trở thành một công cụ kỹ thuật số đáng tin cậy để các thương hiệu thúc đẩy doanh số bán hàng của họ. Vào tháng 6 năm ngoái, hình thức “thương mại livestream” đã được sử dụng bởi 384 triệu người - hơn 30% người dùng Internet Trung Quốc. Taobao, thuộc sở hữu của Alibaba, vẫn là “người chơi” lớn nhất thế giới, với 33% thị phần, tiếp theo là các nền tảng video ngắn Kuaishou và Douyin, được biết đến nhiều hơn với tên TikTok.
Các đơn hàng được đóng gói sau ngày hội mua sắm online lớn nhất tại Trung Quốc. Ảnh: AFP/ Getty |
Theo iResearch, có ít nhất 1,23 triệu người dẫn chương trình và trợ lý livestream “chuyên nghiệp” trên toàn quốc, một số người trong số họ, chẳng hạn như anh Li, đã trở thành triệu phú hoặc thậm chí là tỉ phú. Nhưng sự tăng trưởng bùng nổ của lĩnh vực này đã khiến cơ quan chức năng để mắt sát sao hơn, điều này đã khiến một số tên tuổi lớn nhất “trong ngành” bị chú ý. Vào tháng 12 năm ngoái, một người bán hàng livestream nổi tiếng đã bị phạt 1,3 tỉ nhân dân tệ vì cáo buộc trốn khoảng 700 triệu (nhân dân tệ) tiền thuế từ năm 2019 đến năm 2020.
Tuy nhiên, siết chặt việc giám sát không có nghĩa là sẽ bóp nghẹt lĩnh vực này. Xét cho cùng, “thương mại livestream” giúp tạo ra việc làm và nhiều chính quyền địa phương, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, đang đặt hy vọng vào nó để giúp đỡ người nghèo cũng như phục hồi nền kinh tế.
Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang chững lại, với tốc độ tăng trưởng GDP giảm mạnh từ 7,9% trong quý II năm ngoái xuống còn 4,9% trong quý III. Đến tháng 9,ở thành thị tỷ lệ thất nghiệp là 4,9%, trong khi 14,9% thanh niên từ 16-24 tuổi không có việc làm, theo Cục Thống kê Quốc gia.
Nhiều người xem bán hàng livestream là một công việc linh hoạt. Các bạn trẻ đã tham gia các khóa đào tạo để học cách thể hiện tốt trước ống kính.
Có thể bạn quan tâm
Châu Á sở hữu khối tài sản 28.000 tỉ USD
Nguồn South China Morning Post