Khủng hoảng nợ Hy Lạp có thể trầm trọng hơn sau bầu cử
Các nhà phân tích hy vọng chính phủ mới sau cuộc bầu cử sẽ tiếp tục tôn trọng những cam kết này. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại chính phủ mới có thể sẽ cố gắng thương lượng lại một số điểm trong thỏa thuận trước đó với IMF nhằm xoa dịu sự tức giận của các cử tri do lương và lương hưu liên tục bị cắt giảm trong thời gian qua.
Các nhà phân tích thuộc Ngân hàng Thụy Sĩ UBS, trong một lưu ý khách hàng, cho biết: "Một phần của vấn đề là Chính phủ Hy Lạp dường như đang cạn tiền rất nhanh. Do đó, việc Chính phủ Hy Lạp mới cần làm ngay lúc này là nhanh chóng xúc tiến thực hiện kế hoạch thắt lưng buộc bụng và cắt giảm ngân sách chi tiết trong tương lai để nhận được số tiền giải ngân từ kế hoạch viện trợ thứ hai."
Tuy nhiên, chính phủ mới sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ vô cùng khó khăn: cắt giảm 3 tỷ euro ngân sách ngay lập tức và phải pháp thảo kế hoạch tiết kiệm 12 tỷ euro cho năm 2013 và 2014 theo các thỏa thuận cứu trợ tài chính nhằm kiềm chế nợ công ở mức 117% GDP trong năm 2020.
Ngân hàng UBS tin rằng Chính phủ Hy Lạp mới cần phải đạt được điều kiện này trong vòng 1 tháng hoặc trong thời gian diễn ra các cuộc bầu cử nếu Hy Lạp có thể tránh được cuộc khủng hoảng thị trường dưới bất kỳ hình thức nào, một điều dường như rất khó xảy ra với lời hứa hẹn tranh cử của các chính đảng lớn tại Hy Lạp.
Ngày 3/5, Hy Lạp nhận được một tin tốt hiếm hoi khi S&P nâng bậc xếp hạng tín dụng của Hy Lạp lên CCC với triển vọng "ổn định" từ mức “vỡ nợ từng phần”. Quyết định trên của S&P đến từ kết quả thành công của chương trình hoán đổi nợ lớn nhất trong lịch sử Hy Lạp vào ngày 25-4. Tuy nhiên, các cơ quan xếp hạng cảnh báo gánh nặng nợ quốc gia của Hy Lạp vẫn ở mức cao.
Các nhà phân tích tại Capital Economics nhận định: "Chính phủ Hy Lạp mới sau cuộc tổng tuyển cử nên, ít nhất trên giấy tờ, tuân thủ các điều khoản cam kết trong thỏa thuận nhận gói cứu trợ thứ 2. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn rơi tự do và công nợ thiếu bền vững sẽ còn khiến khủng hoảng tại Hy Lạp xấu đi trong thời gian tới."
Lãnh đạo châu Âu và các nhà hoạch định chính sách kêu gọi Hy Lạp cần tập trung vào tăng trưởng thay vì thắt chặt chính sách thắt lưng buộc bụng nhằm giúp chính phủ mới tìm kiếm những thay đổi trong các điều khoản cứu trợ tài chính và khiến thỏa thuận với eurozone và IMF định hướng nhiều hơn vào tăng trưởng.
Song với những biểu hiện nghèo nàn của Hy Lạp trong đợt cứu trợ đầu tiên, sẽ rất khó để chính phủ các nước lớn chấp nhận thay đổi các điều khoản trong thỏa thuận cứu trợ. Điều này sẽ một lần nữa thổi bùng lên căng thẳng giữa Hy Lạp và phần còn lại của khu vực đồng euro, Capital Economics nhận định.
Các nhà phân tích của Capital Econmics cho rằng Hy Lạp sẽ vỡ nợ và rời khỏi khu vực đồng euro vào cuối năm nay. Kết luận này ngay lập tức bị phản đối bởi các nhà phân tích UBS. Theo họ, việc Hy Lạp rút khỏi khu vực đồng euro sẽ trở thành một "thảm họa" dẫn đến những hậu quả kinh tế khó lường.
Theo UBS, trong một kịch bản tốt nhất, hai đảng lớn tại Hy Lạp sẽ thành lập một liên minh với đa số ghế và nhanh chóng thực hiện các cam kết trước khi bầu cử, cắt giảm chi tiêu và xem xét một cách chi tiết kế hoạch chi tiêu trong trung hạn.
Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy sự ủng hộ của người dân đối với hai chính đảng lớn nhất, Dân chủ mới và PASOK đang dần suy yếu. Với việc có tới 32 đảng tham gia tranh cử, UBS dự báo cuộc tranh cử tại Hy Lạp sẽ vô cùng căng thẳng và người dân nước này vẫn còn rất nhiều lựa chọn.
Nguồn CNBC/DVT