Khủng hoảng Iraq đe dọa nguồn cung dầu khí cho Trung Quốc
Sẽ khó biết được mối lo ngại đó nếu chỉ nghe phát ngôn của quan chức Trung Quốc. Hôm 13/6, Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Trung Quốc đang theo dõi sát sao tình hình tại Iraq, và hi vọng tình hình an ninh, ổn định, trật tự sẽ sớm được lập lại…”
Nhưng với tình hình hiện nay, gần như chắc chắn giá dầu Trung Quốc nhập khẩu từ Iraq sẽ tăng lên, ông Lin Boqiuang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng tại Đại học Hạ Môn cảnh báo. 60% sản lượng dầu thô của Iraq được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tại thời điểm hiện nay, chiến sự vẫn chỉ đang diễn ra tại miền Bắc Iraq, cách xa những mỏ dầu lớn ở miền Nam. Nhưng nếu khủng hoảng lan đến miền Nam, ông Lin dự báo, giá dầu thô Brent sẽ vượt mức 120 đô la Mỹ/thùng, tăng 7 đô la so với giá hiện tại, theo báo China Daily.
Còn theo các chuyên gia, sự tăng giá này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Trung Quốc. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, từ tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia nhập khẩu dầu và nhiên liệu lớn nhất thế giới. Trong giai đoạn 2011-2014, sản lượng dầu sản xuất trong nội địa nước Mỹ hàng năm đã tăng bình quân 31%, chủ yếu nhờ khai thác dầu từ đá phiến sét, thì sản xuất nội địa của Trung Quốc chỉ tăng 5%; sản lượng dầu của Trung Quốc năm 2014 chỉ bằng một phần ba so với Mỹ, theo dự báo của EIA.
Điều đó có nghĩa là Trung Quốc ngày càng phụ thuộc nặng nề vào nguồn dầu khí nhập khẩu. Iraq hiện là nhà cung cấp dầu lớn thứ năm của Trung Quốc (sau Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất – UAE cung cấp 19% lượng dầu mà Trung Quốc nhập khẩu năm ngoái, bình quân 5,6 triệu thùng/ngày), Angola, Oman và Nga.
Các tập đoàn dầu khí quốc doanh của chính phủ Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư vào các mỏ dầu ở Trung Đông để chiếm lĩnh các nguồn cung cấp. Trong 5 năm qua, tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã nhanh chóng mở rộng hoạt động tại Iraq, trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại đây, với bốn dự án tại miền Nam, khu vực chưa chịu ảnh hưởng của chiến tranh. Năm ngoái, CNPC sản xuất được 299 triệu thùng dầu tại Iraq, gần bằng một phần ba sản lượng từ nước ngoài của tập đoàn này. Bên cạnh CNPC, trong lĩnh vực công nghiệp dầu mỏ tại Iraq Trung Quốc còn có Công ty hóa dầu Sinopec và Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC).
Hiện Iraq có thể sản xuất khoảng 3 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, và con số này có thể lên đến 8 triệu thùng vào năm 2035, theo dự báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA). Khi đó ước tính 80% sản lượng này sẽ chảy vào thị trường Trung Quốc. Và “Baghdad – Bắc Kinh sẽ trở thành con đường dầu khí, với các thùng dầu đến từ Baghdad và những đồng đô la chảy ngược lại từ Bắc Kinh,” chuyên gia kinh tế Fatih Briol của IEA chia sẻ với báo Bloomberg vào tháng 1/2013.
Nếu tình hình chiến sự tại Iraq kéo dài, gần như Trung Quốc sẽ phải thay đổi. Có thể Trung Quốc sẽ tập trung hơn vào các nguồn cung cấp từ Nga, Iran và Oman để tránh rủi ro phụ thuộc vào Iraq, Lili – Giám đốc đốc chiến lược và nghiên cứu Trung tâm Năng lượng ICIS-C1, một cơ quan tư vấn thông tin có trụ sở tại Thượng Hải – nhận định, theo China Daily.
Nguồn thesaigontimes