Lượng du khách quốc tế đổ về Nhật Bản đang không ngừng tăng lên. Ảnh: Nikkei Asia.

 
Lam Ngọc Thứ Hai | 09/09/2024 16:36

Khách quốc tế gây sức ép lên các công ty thẻ tín dụng Nhật Bản

Bùng nổ khách quốc tế đến Nhật Bản khiến các công ty thẻ tín dụng nước này gánh chịu tổn thất, dự kiến lên đến 30 tỉ yên trong năm nay.

Lượng du khách quốc tế đổ về Nhật Bản đang không ngừng tăng lên, và hoạt động mua sắm, ăn uống của họ đã tạo ra áp lực đáng kể đối với các công ty thẻ tín dụng. Để giải quyết tình hình này, một số công ty đang xem xét việc tăng phí cho việc phát hành thẻ ở nước ngoài.

Khi một thẻ tín dụng phát hành ở nước ngoài được sử dụng tại Nhật Bản, công ty thẻ tín dụng Nhật Bản phải xử lý giao dịch và trả phí cho cả tổ chức phát hành thẻ ở nước ngoài và hãng thương hiệu quốc tế như Visa hoặc MasterCard. Các khoản thanh toán này có thể vượt quá phí giao dịch mà họ thu được ở Nhật, khiến tổng lỗ dự kiến trong năm nay vượt quá 30 tỉ yên (205 triệu USD), tăng 50% so với năm 2023.

Nhật Bản sẽ chào đón kỷ lục 35 triệu lượt khách quốc tế. Ảnh: Nikkei Asia.
Nhật Bản sẽ chào đón kỷ lục 35 triệu lượt khách quốc tế. Ảnh: Nikkei Asia.

Theo khảo sát của Nikkei, 7 trong số 8 công ty thẻ tín dụng lớn của Nhật Bản báo cáo lỗ tăng so với năm trước, trong đó 6 công ty đang xem xét hoặc đã áp dụng các mức phí khác nhau cho thẻ nước ngoài. Khác với mô hình giá hai tầng gây tranh cãi, khách nước ngoài phải trả tiền nhiều hơn so với người Nhật cho cùng loại hàng hóa và dịch vụ, mức phí cao hơn này chỉ tác động đến các cửa hàng và nhà hàng, không ảnh hưởng đến khách du lịch nước ngoài.

Trong bối cảnh này, ngành kinh doanh thẻ tín dụng đang đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp. Các công ty như Sumitomo Mitsui Card và Mitsubishi UFJ Nicos không chỉ phát hành thẻ tại Nhật mà còn quản lý mạng lưới thanh toán của các cửa hàng liên kết, thu phí giao dịch 1,9% cho mỗi lần thanh toán. Khi sử dụng thẻ phát hành tại Nhật, lợi nhuận thường chỉ đạt khoảng 0,2%. Tuy nhiên, với thẻ nước ngoài, công ty thẻ Nhật phải trả khoảng 1,8% cho tổ chức phát hành thẻ nước ngoài và 0,8% cho thương hiệu thẻ, dẫn đến lỗ khoảng 0,7% khi tính cả các khoản phí khác.

Các công ty thẻ tín dụng trong nước ước tính thẻ Nhật sẽ chiếm hơn 90% giá trị giao dịch, và đã giữ phí thấp để cạnh tranh với tiền mặt và thanh toán qua di động. Nhưng khi giá trị giao dịch từ du khách nước ngoài tăng lên, khoản lỗ của các công ty cũng tăng theo. Một công ty cho biết mức lỗ của họ đã tăng từ hàng tỉ lên đến hàng chục tỉ yên chỉ trong một năm.

Doanh nghiệp kinh doanh các cửa hàng thời trang cao cấp và khách sạn hạng sang được xem là những nơi có khả năng áp cơ chế hai giá nhiều nhất, do khoản lỗ từ thẻ nước ngoài đang vượt qua lợi nhuận từ các thẻ trong nước. Thế nhưng, nếu những doanh nghiệp này không muốn trả phí cao hơn và tiếp theo là không chấp nhận thẻ được phát hành ở nước ngoài thì lại có thể bỏ lỡ cơ hội tăng trưởng doanh thu từ khách quốc tế.

Đồng yên suy yếu đã thúc đẩy doanh số các sản phẩm đắt tiền như máy ảnh, đồng hồ của các hãng bán lẻ. Một số du khách chi hơn 1 triệu yên mỗi lần quẹt thẻ. Một chuỗi cửa hàng cho biết đã nhận được đề xuất tăng phí cho thẻ phát hành ở nước ngoài từ các công ty thẻ. Tuy nhiên, chuỗi này nói đang cân nhắc và tìm cách ứng phó.

Một khách sạn sang trọng ở Tokyo cũng đã nhận được đề xuất áp dụng mô hình phí hai tầng nhưng từ chối vì cho rằng không khả thi. “Khó có thể tăng giá phòng đối với khách sử dụng thẻ nước ngoài. Sẽ dễ dàng hơn nếu tăng giá chung cho tất cả khách, bất kể loại thẻ”, đại diện khách sạn cho biết.

Theo dự báo của Thủ tướng Fumio Kishida, Nhật Bản sẽ chào đón kỷ lục 35 triệu lượt khách quốc tế và chi tiêu du lịch có thể đạt 8 nghìn tỉ yên. Nếu 60% chi tiêu này được thanh toán bằng thẻ, mức lỗ của các công ty thẻ nội địa có thể lên đến 30 tỉ yên. Trong cuộc khảo sát, tất cả 7 công ty thẻ cho biết chi phí cao cho các thương hiệu quốc tế là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của họ giảm sút.

Ngoại trừ JCB và một số ít công ty khác có thương hiệu riêng, các công ty thẻ tín dụng Nhật Bản phụ thuộc vào mạng lưới thanh toán của các thương hiệu quốc tế. “Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận những gì được thông báo về phí người dùng”, đại diện một hãng thẻ tín dụng lớn cho biết.

Trong khi đó, đại diện Visa cho biết công ty phục vụ lợi ích của các hãng thẻ, cửa hàng và người tiêu dùng bằng cách cung cấp mạng lưới thanh toán tối ưu. Phí được đặt dựa trên các khoản đầu tư lớn mà Visa đã thực hiện.

Có thể bạn quan tâm:

Lưu trữ năng lượng: "Chìa khóa" cho điện sạch toàn cầu

Nguồn Nikkei Asia