Thứ Hai | 11/02/2013 09:10

HSBC từ ngân hàng địa phương đến định chế tài chính toàn cầu

HSBC từng được xếp là tập đoàn lợi nhuận cao nhất thế giới.
Từ ngân hàng địa phương đến toàn cầu

Ngân hàng Hong Kong và Thượng Hải (HSBC) là sáng lập viên và là thành viên chủ chốt của Tập đoàn HSBC - một trong những tổ chức dịch vụ tài chính và ngân hàng lớn nhất thế giới với 7.200 văn phòng và chi nhánh tại 85 quốc gia và vùng lãnh thổ với tài sản trị giá 2.637 tỷ USD tính tới 31/12/2012.

Trong những năm cuối của thế kỉ 20, HSBC đi từ ngân hàng địa phương thành một trong những tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính dẫn đầu thế giới. Sự biến chuyển này đạt được nhờ rất nhiều bước đi.

Cuối những năm 1970, việc quản lý HSBC hướng đến chiến lược “chi nhánh ba chân” với các chân là 3 thị trường châu Á Thái Bình Dương, Mỹ và Anh. Những năm 1980, HSBC mua lại ngân hàng Marine Midland Mỹ, đặt cơ sở vững chắc cho "chân thứ 2". Năm 1992, HSBC mua toàn bộ ngân hàng Midland của Anh và nhánh thứ 3 của hệ thống “chi nhánh 3 chân” đã được hoàn thiện. Sau khi mua lại ngân hàng Midland, HSBC đặt trụ sở chính tại London.

HSBC đã tiếp tục phát triển thông qua chiến lược mua lại tại nhiều thị trường phát triển và mới nổi. Thương vụ mua lại tại Argentina và Brazil năm 1997 được cân bằng bởi việc mua thêm công ty Republic New York năm 1999.

Vào thế kỷ 21, HSBC hướng sự tập trung vào nơi mà nó bắt nguồn, phát triển kinh doanh tại Trung Quốc một cách hữu cơ và thông qua các đối tác chiến lược. Chiến lược đa dạng hóa của HSBC và các giá trị cốt lõi trong sức mạnh và ổn định tài chính lại là điều hữu ích đối với ngân hàng khi tình hình kinh tế toàn cầu bất ổn.
HSBC trong bảng xếp hạng toàn cầu

Theo xếp hạng của Forbes, HSBC là ngân hàng lớn niêm yết lớn thứ 3 thế giới và là công ty niêm yết lớn thứ 6 thế giới. Bốn lĩnh vực kinh doanh chính của HSBC là dịch vụ ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư, ngân hàng bán lẻ và quản lý tài sản, ngân hàng tư nhân.

HSBC có vị thế đáng kể trên thị trường tài chính từ châu Mỹ, châu Á-Thái Bình Dương, châu Âu. Đặc biệt, HSBC là ngân hàng lớn nhất Hong Kong và in hầu hết tiền tệ cho Hong Kong. Tính đến tháng 4/2008, HSBC là ngân hàng lớn thứ 4 thế giới tính theo giá trị tài sản, lớn thứ hai tính theo doanh thu và lớn nhất thế giới về giá trị thị trường (gần 181 tỷ USD).

Đây cũng là ngân hàng lợi nhuận nhất thế giới với hơn 19 tỷ USD lợi nhuận ròng năm 2007 (so với Citigroup là hơn 3,6 tỷ USD, Bank of America gần 15 tỷ USD). Kể từ cuối 2005, HSBC được xếp là tập đoàn ngân hàng lớn nhất thế giới tính theo tỷ lệ vốn cấp 1.

Năm 2011, HSBC được công nhận là ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất theo kết quả bình chọn thực hiện bởi tổ chức uy tín Brand Finance Banking 500. Theo Brand Finance, giá trị thương hiệu mạnh của HSBC có được nhờ vào quyết định đầu tư mạnh vào Ấn Độ và Trung Quốc cũng như cắt giảm hoạt động tại khu vực châu Âu và Mỹ của HSBC.

Bảng xếp hạng thường niên của Brand Finance Banking 500 đánh giá tình hình tài chính của các thương hiệu ngân hàng có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới. Bản báo cáo xem xét giá trị thị trường của các thương hiệu như một loại tài sản tài chính vô hình giúp thúc đẩy và xây dựng các mối quan hệ kinh doanh vững mạnh.

Từ lâu,HSBC có uy tín trong ngành dịch vụ ngân hàng tuy nhiên, gần đây ngân hàng này vướng vào bê bối hỗ trợ rửa tiền và chịu mức phạt kỷ lục.

Hiện tại, HSBC được kiểm toán bởi một trong 4 hãng kiểm toán uy tín nhất thế giới là KPMG.

Nguồn Tổng hợp/Khampha


Sự kiện