Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ tạo được bước đột phá?
Dự kiến sẽ có tới 7.000 đại biểu tham gia Hội nghị thượng đỉnh lần này - diễn ra vào ngày 15-16/11.
Mục tiêu của Hội nghị thượng đỉnh tháng 11 là tập trung giải quyết các thách thức đối với tăng trưởng toàn cầu. Đồng thời, Hội nghị cũng là diễn đàn thảo luận về phương hướng chính sách cho nhóm G20, nhằm thúc đẩy GDP nhóm tăng thêm 2 điểm % trong 5 năm tới và nâng cao triển vọng tăng trưởng kinh tế của cả nhóm.
Trước đây khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh tháng 2, các lãnh đạo nhóm G20 từng cam kết sẽ thúc đẩy GDP nhóm tăng thêm 2 điểm % tính đến năm 2018 - một tham vọng ngày càng quá xa vời đối với các nước thành viên, từ Nhật Bản, Trung Quốc cho đến Đức và Nga khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước này ngày càng chậm chạp.
Hiện tại, nhóm G20 đóng góp khảng 80% vào GDP toàn cầu, hơn 75% vào hoạt động thương mại thế giới và chiếm 2/3 dân số thế giới, theo số liệu của Reuters.
Hy vọng rằng, kết thúc Hội nghị thượng đỉnh tháng 11, chính phủ các nước thành viên của nhóm G20 sẽ cam kết thực hiện cải cách, như tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thị trường lao động..., nhằm thúc đẩy tăng trưởng. G20 nên tập trung giải quyết những thách thức về tăng trưởng kinh tế hơn là chỉ tranh luận về chính sách tài chính và tiền tệ, theo nhận định của chuyên gia kinh tế toàn cầu Andrew Kenningham tại Capital Economics.
Theo các chuyên gia phân tích, G20 cần phải tăng cường hợp tác quốc tế hơn nữa, đặc biệt trong việc giải quyết những vấn đề toàn cầu, như bất bình đẳng, biến đổi khí hậu, dịch bệnh Ebola và các "lỗ hổng" trong luật quốc tế. Nhiều đồn đoán cho rằng, G20 sẽ lên kế hoạch thành lập quỹ chống đại dịch.
Ngoài những vấn đề trên, đàm phán thương mại và căng thẳng địa chính trị cũng sẽ là 2 chủ đề rất đáng chú ý trong Hội nghị thượng đỉnh lần này.
Đàm phán thương mại
Ông Kenningham cho rằng, rất khó có thể đạt được những bước đột phá mới trong đàm phán thương mại quốc tế tại Hội nghị thượng đỉnh lần này. Nhiều khả năng rằng, các nước sẽ không đạt được thỏa thuận thương mại lớn nào cho đến tận năm 2016 khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Kết quả bầu cử giữa kỳ vừa qua tại Mỹ đã gây sức ép rất lớn lên Tổng thống Obama trong việc kêu gọi các nước thành viên của G20 tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP được xem là công cụ chính để Mỹ thắt chặt quan hệ với châu Á trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang trỗi dậy.
Căng thẳng địa chính trị
Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng chính trị trên toàn thế giới, đặc biệt là tại miền Đông Ukraine, liên tục leo thang.
Được đề cập rất nhiều lần trong các sự kiện quốc tế lớn nhưng vấn đề căng thẳng địa chính trị vấn chưa thể tìm được lối thoát. Ví dụ là vòng luẩn quẩn giữa Ukraine - Nga - phương Tây. Theo giới chuyên gia phân tích, căng thẳng chiến sự tại miền đông Ukraine rất có thể lại leo thang khi Tổng thống Vladimir Putin đang chịu sức ép rất lớn để khôi phục nền kinh tế vốn đang dần bị nhấn chìm bởi các đòn trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, căng thẳng tại Ukraine gia tăng lại là cái cớ để phương Tây tiếp tục dồn Nga đến bờ vực sụp đổ.
Tất nhiên, không phải Hội nghị cấp cao nào cũng kết thúc trong bế tắc. Tại Hội nghị APEC vừa qua, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được một số thỏa thuận về tiến trình phi hạt nhân hóa tại bán đảo Triều Tiên, biến đổi khí hậu và dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với sản phẩm công nghệ cao.
Nguồn DVO/ CNBC