Hàng Trung Quốc giá rẻ xâm chiếm kinh đô thời trang Ý
Theo Viện Thời trang Quốc gia Ý, doanh thu từ ngành công nghiệp thời trang nước này đã giảm 5%, xuống còn 63,2 tỷ euro năm 2013. Theo CNA, cơ quan đại diện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại thành phố Tuscany, hiện nay có khoảng 4.000 công ty may mặc của Trung Quốc có mặt ở Prato, trong khi số doanh nghiệp Ý chỉ là 3.000.
Các doanh nghiệp Ý có nguy cơ thua trên sân nhà khi đứng trước các đối thủ đến từ Đại lục ồ ạt mở doanh nghiệp và ồ ạt hạ giá sản phẩm bằng cách nhập sợi vải từ Trung Quốc với giá thành rẻ mạt.
Số lượng sản phẩm dệt may có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm tới 30% thị trường Prato khiến hàng ngàn doanh nghiệp Ý vất vả chống đỡ, đặc biệt khi các đối thủ người Trung Quốc để mắt tới phân khúc thời trang cao cấp và mở rộng các hệ thống phân phối tại Ý.
Thậm chí, Tập đoàn Dệt may Trung Quốc Shenzhen Marisfrolg Fashion đã thành công trong việc thương lượng để thâu tóm nhãn hiệu thời trang Krizia. Dự kiến, trong vòng 5 năm tới, Shenzhen Marisfrolg Fashion sẽ mở các chuỗi cửa hàng mang thương hiệu Krizia ở 5 thành phố lớn là Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến và Thành Đô, sau đó mở rộng sang các nước châu Âu, Nhật Bản và Mỹ.
Trước sự xâm lấn của hàng thời trang Trung Quốc, nhiều người đặt câu hỏi về việc các thương hiệu Ý thực sự quyến rũ hay chỉ là những huyền thoại hoài cổ?
Nước Ý tiến ra
"Nghề thủ công Ý hoàn toàn vô đối. Những nghệ nhân làm việc không phải vì tiền, mà vì niềm đam mê của họ. Thật ngạc nhiên khi thấy họ đối xử với da như lụa", nhà thiết kế Sicilia Fausto Puglisi trả lời BBC.
Nhưng cùng với chủ nghĩa bảo thủ thì đây có lẽ là mặt hạn chế của thời trang Ý hiện nay trước cơn lốc hàng giá rẻ Trung Quốc. Một số nhãn hiệu thời trang lớn vẫn nằm trong tay một gia đình trong nhiều thập kỷ, dẫn đến việc các thương hiệu mới gần như không có cơ hội phát triển, sức sáng tạo vì thế bị trì trệ.
Khủng hoảng kinh tế thời gian qua cũng giáng đòn mạnh vào ngành công nghiệp thời trang Ý, khiến kinh đô thời trang xa xỉ thế giới đang mất dần vị thế so với các trung tâm thời trang lớn khác của thế giới.
"Đây không phải là một thử thách dễ dàng. New York, Paris và London có rất nhiều sức mạnh cảm hứng. Chúng tôi cần phải biết thể hiện sự vượt trội của mình bằng cách vượt qua khủng hoảng. Nhưng như thế cần phải có sự hỗ trợ từ chính phủ", Mario Boselli, người đứng đầu Viện Thời trang Ý, cho biết.
Có dấu hiệu cho thấy nước Ý đang tìm cách thay đổi để mang lại sức sống mới cho ngành công nghiệp thời trang. Thủ tướng Ý Matteo Renzi đã lên tiếng về việc hỗ trợ ngành thời trang và thậm chí đã xuất hiện tại buổi dạ tiệc khai mạc triển lãm thời trang Ý ở London tháng trước. Cùng thời điểm, những thương hiệu lớn đã tập trung nỗ lực để mở rộng ra nước ngoài, đặc biệt là các thị trường lớn như Trung Quốc và Brazil.
Khu vực châu Á hiện chiếm từ một phần ba đến một nửa doanh thu bán hàng toàn cầu. Con số này tăng vọt chỉ trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây. Nhiều thương hiệu còn nhanh chóng mở rộng hệ thống cửa hàng, biến nhiều nơi ở Trung Quốc và Đông Nam Á thành những thiên đường mua sắm.
Ermenegildo Zegna, công ty thời trang nam của Ý, hiện đã có hơn 70 cửa hàng tại Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan. Một thương hiệu Ý khác là Prada đã niêm yết ở Hồng Kông, chứ không phải Milan, một phần do mong muốn khai thác sâu nhóm đầu tư tiềm năng châu Á.
Trong những năm gần đây, Prada đã chậm hơn các đối thủ khác khi mở rộng thị trường tại Trung Quốc. Nhưng có khoảng một nửa trong số 319 cửa hàng trên khắp thế giới của công ty này nằm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và hơn chục cửa hàng tại Hồng Kông. Prada đang có ý định mở rộng chuỗi cửa hàng của mình tại đây bằng số tiền kiếm được từ vụ IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu) ở Hồng Kông.